1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thảm kịch xả súng tại Mỹ: Vì sao vẫn tiếp diễn?

(Dân trí) - Tổng thống Barack Obama đã rơi nước mắt khi hay tin 20 học sinh tử vong trước họng súng của một thanh niên 20 tuổi tại thành phố Newtown, bang Connecticut. Đây không phải là vụ thảm sát đầu tiên nước Mỹ phải gánh chịu và câu hỏi được đặt ra là vì sao?

 

Ảnh vụ thảm sát tại Mỹ

Nỗi đau mất mát trong vụ thảm sát ở Newtown chắc chắn sẽ khó nguôi ngoai.

 

Chưa kể bản thân tên sát thủ, có ít nhất 27 con người đã thành nạn nhân của thảm kịch đẫm máu ở trường tiểu học ở thành phố Newtown bang Connecticut của Hoa Kỳ. Hầu hết các nạn nhân là trẻ em đều 6,7 tuổi. Tên sát nhân Adam Lanza 20 tuổi đã tự tử sau khi xả súng. Trong số những nạn nhân người lớn, có cả mẹ của sát thủ và 5 người khác, là giáo viên và nhân viên trong trường tiểu học. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố 4 ngày quốc tang do thảm kịch này.

 

Câu hỏi chính nhức nhối mà bây giờ nước Mỹ đưa ra là, thảm họa như vậy còn tiếp diễn đến bao giờ? Sự kiện kinh hoàng ở Connecticut không phải là vụ thảm sát đầu tiên trong khuôn viên trường học Mỹ. Trước đó, vào năm 2007, vụ giết người hàng loạt đã xảy ra trong trường Kỹ thuật Virginia, với 32 người thiệt mạng. Từ năm 1999 trở đi, thảm kịch kiểu này lặp đi lặp lại, thường xuyên đến mức đáng sợ. Chỉ trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama, tuy số thương vong ít hơn nhưng cũng đã xảy ra 5 vụ. Tuy nhiên, cuộc thảm sát ở trường tiểu học với qui mô như mới đây thì đất nước chưa từng thấy bao giờ.

 

Ngay sau thảm kịch Tổng thống Barack Obama đã phát biểu tại Nhà Trắng và thừa nhận rằng nước Mỹ đã quá thường xuyên phải chịu những cơn ác mộng khủng khiếp và không thể không để lại hậu quả. Barack Obama đã không cầm được nước mắt và giọng ông run lên.

 

“Như một đất nước, chúng ta đã phải trải qua điều khủng khiếp này quá nhiều lần. Dù đó là trường tiểu học ở Newtown, trung tâm mua sắm ở Oregon, nhà thờ ở Wisconsin, rạp chiếu phim ở Aurora hay là một góc phố ở Chicago - tất cả đều là trên đất nước của chúng ta. Tất cả những đứa trẻ đó đều là con cháu của chúng ta. Chúng ta cần phải tập hợp lại với sự can đảm thực hiện những biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn tái diễn thảm kịch như vậy. Mà không có tính toán chính trị”.

 

Vấn đề hiện ở chỗ, ông Obama hứa hẹn "những biện pháp hiệu quả" nào đây và liệu ông có đủ sức thực hiện lời hứa hay chăng. Qua 4 năm trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Barack Obama, pháp luật về kiểm soát vũ khí ở nước Mỹ chẳng những không siết chặt, mà trái lại, còn đã nới lỏng ở nhiều bang của Hoa Kỳ.

 

Một trong những nhân vật nổi tiếng thuộc phái ủng hộ thắt chặt kiểm soát lưu thông vũ khí ở Mỹ là Thị trưởng New York Michael Bloomberg. Tình hình đang trở nên không thể chịu đựng nổi, ông tuyên bố sau thảm kịch ở Connecticut. Không thể tin được rằng vụ giết người hàng loạt có thể xảy ra trong các lớp tiểu học. Chỉ đơn giản kêu gọi dùng "các biện pháp hiệu quả" rõ ràng là không đủ, - Thị trưởng Bloomberg nói. Tổng thống cần gửi Quốc hội đạo luật tương ứng để khắc phục vấn đề.

 

Nhà nhà có thể dùng súng tại Mỹ

 

Luật quy định về dùng súng ở Mỹ cũng rất khác nhau ở các bang ở Mỹ. Và thậm chí chính phủ liên bang cũng quy định “rất rất ít”, Robyn Thomas, tổng giám đốc Trung tuân luật về ngăn chặn bạo lực bằng súng tại Mỹ cho hay.

 

Luật được gọi là Brady, được Tổng thống Bill Clinton ký vào năm 1993, yêu cầu phải kiểm tra thân thế, gốc gác của những người mua bán vũ khí ở Mỹ, nhằm phát hiện dấu hiệu “đỏ” trong hành vi phạm tội cũng như tiền sử tâm thần của các cá nhân. Song 40% các vụ mua bán vũ khí không bị ảnh hưởng bởi luật này, bởi chúng diễn ra giữa các cá nhân, qua các trang web, ở các cửa hàng bán súng. Những vụ mua bán như thế này không được chính quyền liên bang kiểm soát.

 

Luật Brady chỉ quan tâm đến các nhà bán vũ khí, những nhà sản xuất và những nhà xuất khẩu có giấy phép và chỉ có một vài trường hợp ngoại lệ.

 

Và bản thân Hệ thống kiểm tra nhanh thân nhân phạm tội quốc gia Mỹ do FBI quản lý cũng có lỗ hổng riêng. Tổ chức Những thị trưởng chống súng bất hợp pháp, tổ chức gồm các thị trưởng muốn áp dụng luật dùng súng liên bang, bang, luật địa phương chặt chẽ hơn, phát hiện hàng triệu tài liệu về người có vấn đề về tâm thần không được đưa vào cơ sở dữ liệu.

 

Báo chí Mỹ cho biết hung thủ trong vụ thảm sát tại Connecticut Adam Lanza, 20 tuổi, có tiền sử tâm thần.

 

Và mặc dù hai khẩu súng ngắn và một khẩu súng trường bán tự động được tìm thấy tại hiện trường có vẻ như được mẹ của hung thủ mua hợp pháp, song nhiều người cho rằng nếu có cơ sở dữ liệu chi tiết hơn, thì nước Mỹ có thể ngăn những người như Lanza có được vũ khí và ngăn được thảm kịch vào ngày 14/12 vừa qua.

 

Việc kiểm soát mua bán súng càng khó khăn, phức tạp ở các vùng biên giới giáp Canada ở phía bắc và đặc biệt là Mexico ở phía nam.

 

Thậm chí trong 50 bang của nước Mỹ, quy định về dùng súng khác nhau cũng khiến mọi người có thể dễ dàng lách luật. Hầu hết các quy định dùng súng chỉ ở cấp độ bang.

 

California có quy định chặt chẽ nhất, với kiểm tra thân nhân của liên bang đối với tất cả các loại mua bán súng, thậm chí với cá nhân. Các loại vũ khí tấn công và súng trường bắn tỉa cũng bị cấm và người mua chỉ được mua một khẩu súng/tháng. Người mua cũng buộc phải có Chứng chỉ dùng súng ngắn an toàn, yêu cầu họ phải vượt qua kỳ thi kiểm tra viết về an toàn khi dùng súng. Và những quy định này đã giúp California giảm hẳn các vụ bạo lực liên quan đến súng trong vòng 20 năm qua.

 

Vũ Quý

Theo AFP, VR

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm