1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thảm kịch MH370: 2 năm và những câu hỏi chưa lời đáp

(Dân trí) - Tròn 2 năm kể từ ngày chuyến bay MH370 mang theo 239 người mất tích, cũng là chừng đó thời gian người thân các nạn nhân xấu số mòn mỏi đợi chờ. Bất chấp những nỗ lực tìm kiếm, vẫn còn nhiều câu hỏi quanh số phận chiếc máy bay.

Đến hôm nay, ngày 8/3, chị Jacquita Gomes đã tròn 2 năm ngóng tin về số phận chồng mình, một kiểm soát viên trên chuyển bay MH370 của Malaysia Airlines. Tại một trung tâm mua sắm ở thủ đô Kuala Lumpur, thành phố mà anh Patrick Gomes cùng 238 người khác khởi hành hôm 8/3/2014, chị Gomes cho biết các gia đình vẫn đang đấu tranh để chiến dịch tìm kiếm được tiếp tục.

Số phận chuyến bay MH370 vẫn là bí ẩn lớn. (Ảnh: AP)
Số phận chuyến bay MH370 vẫn là bí ẩn lớn. (Ảnh: AP)

“Những người thân yêu của chúng tôi vẫn chưa về nhà, làm sao họ có thể nói vậy là kết thúc? Tôi nghĩ chúng tôi không còn khóc lóc hay than vãn nữa, nhưng chúng tôi thực sự khóc thầm trong lòng. Chúng tôi đều có gương mặt tươi cười nhưng đằng sau những nụ cười đó là nỗi đau. Chúng tôi không thể thanh thản”, chị Gomes chia sẻ.

Cuộc tìm kiếm tại khu vực phía nam Ấn Độ Dương đã không đem lại kết quả nào, cho dù một phần cánh của chiếc Boeing 777 được tìm thấy trên đảo Réunion, phía tây Ấn Độ Dương tháng 7 năm ngoái. Dự kiến đến tháng 6 tới, chiến dịch tìm kiếm sẽ khép lại. Đến tuần trước, thêm một mảnh vỡ nữa, được tin là của máy bay Boeing 777 được phát hiện trên bờ biển Mozambique.

Johny Begue, người đàn ông đã tìm thấy mảnh cánh máy bay trên đảo Reunion, tuyên bố đã tìm thấy thêm một mảnh vỡ đáng ngờ, tại vị trí gần nơi tìm thấy mảnh cánh tà hồi năm ngoái. Thứ trưởng giao thông Malaysia Datuk Seri Ab Aziz Kaprawi ngày 7/3 đã tuyên bố không loại trừ khả năng này, bởi tính toán về dòng chảy cho thấy mảnh vỡ có thể trôi dạt đến đảo Reunion.

Thân nhân nhiều hành khách vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau, sau 2 năm không thể tìm thấy tung tích. (Ảnh: ST)
Thân nhân nhiều hành khách vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau, sau 2 năm không thể tìm thấy tung tích. (Ảnh: ST)

“Chúng tôi có lẽ không bao giờ có thể vượt qua được chuyện này nếu nó được xếp vào một bí ẩn hàng không, và sau đó vụ việc bị khép lại”, thông cáo của gia đình các nạn nhân chuyến bay viết. “Nếu vụ việc không được làm sáng tỏ, làm sao chúng ta có thể ngăn chặn sự việc tương tự tái diễn?”

Jiang Hui, 41 tuổi, đến từ Trung Quốc cho biết cuộc sống của ông suy sụp sau khi mẹ ông, bà Jiang Cui Yun, 62 tuổi, mất tích cùng chuyến bay. Vài tháng sau thảm kịch vị kỹ sư công nghệ thông tin bị mất việc do trầm cảm. Ông cho biết đã đệ đơn kiện chống lại Malaysia Airlines hôm thứ Sáu, không phải vì tiền mà với hy vọng nó sẽ giúp ông có được câu trả lời nào đó về vụ việc bí ẩn này.

Với việc chiến dịch tìm kiếm tại một khu vực hẻo lánh ngoài khơi phía tây bờ biển của Úc đang sắp kết thúc, trong khi xác máy ba vẫn chưa thể tìm thấy, Jay Larsen, người đã thiết kế một thiết bị dò sóng âm được sử dụng trong các nhiệm vụ tìm kiếm MH370 nằm trong số những người thấy rõ áp lực.

“Tôi nghĩ áp lực đang gia tăng khi công việc ngày càng gần thời điểm kết thúc”, Larsen cho biết. “Mọi người đều muốn tìm thấy chiếc máy bay, bao gồm cả chúng tôi”.

Cho đến nay mới có duy nhất một mảnh vỡ được tìm thấy trên đảo Reunion được xác nhận thuộc về chuyến bay MH370. (Ảnh: AFP)
Cho đến nay mới có duy nhất một mảnh vỡ được tìm thấy trên đảo Reunion được xác nhận thuộc về chuyến bay MH370. (Ảnh: AFP)

Thuyết âm mưu


Việc tìm kiếm MH370 cho tới nay tập trung vào một khu vực rộng 120.000 km2 ngoài khơi phía tây nước Úc (Ảnh: Cbsnews)

Việc tìm kiếm MH370 cho tới nay tập trung vào một khu vực rộng 120.000 km2 ngoài khơi phía tây nước Úc (Ảnh: Cbsnews)

Sự bí ẩn của MH370 đã trở thành đề tài cho rất nhiều đồn đoán và cả những thuyết âm mưu suốt từ khi máy bay mất tích đến nay.

Một trong số đó là việc máy bay có thể đã bị khủng bố khống chế. Tháng 4/2014, tờ Moskovsky Komsomolets của Nga đã gây xôn xao khi khẳng định những kẻ khủng bố không rõ danh tính đã khống chế phi hành đoàn, và ép máy bay hạ cánh xuống Afghanistan.

Bài báo thậm chí còn dẫn một “nguồn tin tình báo Nga”, khẳng định “máy bay hạ cánh tại Afghanistan, cách thành phố Kandahar không xa, gần khu vực biên giới với Pakistan”. Ly kỳ hơn, tờ báo dẫn nguồn tin trên khẳng định tên của kẻ ra lệnh cho các phi công là “Hitch”.

Một giả thuyết khác thì cho rằng những kẻ khủng bố đã khống chế máy bay và cố tình lao nó xuống biển. Đồn đoán này dựa trên việc có 2 hành khách lên máy bay với hộ chiếu bị đánh cắp. Dù vậy, giới chức Malaysia sau đó khẳng định hai hành khách này không có mối liên hệ rõ ràng nào với các nhóm khủng bố.

Ít ly kỳ hơn, và thu hút nhiều chú ý đó là giả thuyết xảy ra cháy trên khoang máy bay, có thể do sự cố điện hoặc lốp bị quá nóng, làm toàn bộ phi hành đoàn và hành khách tử nạn. Dù vậy, cựu điều tra viên tai nạn của Ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, ông Greg Feith, đã bác bỏ giả thuyết này, khi cho rằng nếu xảy ra cháy, tổ lái hoàn toàn có thời gian phát tín hiệu cấp cứu. Nhưng đã không có tín hiệu nào như vậy được phát đi.

Một mảnh vỡ được tin là bộ phận thăng bằng đuôi của chiếc Boeing 777 được tìm thấy trên bờ biển Mozambique. (Ảnh: NBC)
Một mảnh vỡ được tin là bộ phận thăng bằng đuôi của chiếc Boeing 777 được tìm thấy trên bờ biển Mozambique. (Ảnh: NBC)

“Thường thì, nếu xảy ra cháy hệ thống điện, bạn sẽ thấy khói trước khi thấy lửa”, ông Feith phát biểu trên kênh NBC News hồi tháng 3/2014. “Bạn có thể làm một số việc để khắc phục sự cố. Và nếu hệ thống vẫn còn hoạt động, bạn có thể phát đi một cuộc gọi cầu cứu”, và phi công có thể đeo mặt nạ ô xy, vị chuyên gia giải thích.

Trong khi đó, phóng viên Nigel Cawthorne, trong cuốn sách “Chuyến bay MH370: Bí ẩn”, tuyên bố máy bay đã vô tình bị bắn rơi trong cuộc tập trận chung Thái Lan – Mỹ. Khẳng định này được đưa ra dựa trên lời kể của một công nhân làm việc trên giàn khoan của New Zealand. Nhân chứng Mike McKay khẳng định vụ máy bay rơi giờ đây là đối tượng của một chiến dịch che đậy quốc tế khổng lồ, tờ Independent đưa tin.

Một giả thuyết nữa được bàn tán rộng rãi là khả năng phi công điều khiển máy bay cố tình tự sát. Cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah và lái phụ Fariq Abdul Hamid có ý đồ này. Hugh Dunleavy, giám đốc thương mại của Malaysia Airlines, khẳng định Shah là một phi công điềm tĩnh với hồ sơ hoàn toàn trong sạch.

“Hoàn toàn không có ám chỉ nào rằng chúng tôi biết có điều gì đó không chính trực trong cách cư xử hay thái độ của ông ấy”, Dunleavy phát biểu với báo giới hồi tháng 3/2014. “Chúng tôi không có lí do gì để tin rằng có điều gì, hay hành động nào, diễn ra bên trong do phi hành đoàn có thể khiến máy bay biến mất”.

Một số người khác thì tin rằng máy bay đã đi vào một khu vực tương tự “Tam giác quỷ” châu Á trên Ấn Độ Dương. Một số máy bay và tàu thuyền được cho là đã mất tích trong những tình huống bí ẩn, tại một vùng biển phía Bắc Đai Tây Dương, hay còn được biết đến dưới cái tên Tam giác Bermuda, hoặc Tam giác quỷ.

Thanh Tùng

Theo AP, IBTimes