1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thảm họa kép từ chiến sự kéo dài tại Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Cuộc chiến ở Ukraine được đánh giá không chỉ là một bi kịch của con người mà còn là thảm họa môi trường, với các dự báo ước tính xung đột sẽ tàn phá môi trường sống con người trong nhiều thập niên.

Thảm họa kép từ chiến sự kéo dài tại Ukraine - 1

Một bức ảnh chụp từ trên không vào tháng 12/2022 cho thấy các bể chứa dầu ở Kryvyi Rih, Ukraine bị trúng tên lửa (Ảnh: Washington Post).

Gregoriy Sidorenko đứng nhìn với vẻ hoài nghi sau khi tên lửa hành trình của Nga đâm vào thùng chứa nhiên liệu số 4 tại kho chứa dầu tại thành phố công nghiệp Kryvyi Rih, cách Kiev khoảng 200km về phía nam, gây ra những cột khói đen khổng lồ và đám cháy lớn kéo dài khoảng 16 giờ.

Hơn 1 triệu thùng gallon dầu từ 8 bể chứa đốt đã thấm vào đất, làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ ô nhiễm hồ chứa nước uống gần đó.

Ông Sidorenko, một người giám sát ca làm việc tại nhà kho, cho biết cả căn nhà của ông toàn nồng nặc mùi dầu diesel.

Kể từ khi chiến sự nổ ra hơn 1 năm trước, hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng hoặc bị thương trên chiến trường, trong khi các cơ sở hạ tầng quan trọng liên tục phải đối mặt với các cuộc tập kích gần như liên tục bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) từ Nga.

Cuộc xung đột này cũng đã tạo ra một "kẻ giết người thầm lặng", có thể ám ảnh người Ukraine trong nhiều năm, nếu không muốn nói là hàng thập niên, các nhà khoa học cảnh báo.

Chiến tranh đã để lại vết sẹo quá lớn cho môi trường tự nhiên của Ukraine, gây ô nhiễm sông hồ, đất đai, phá hoại hệ sinh thái rừng... Đây là thực tại mà các chuyên gia lo ngại có thể dẫn đến làn sóng bệnh ung thư và các bệnh khác cho người dân.

Ông Sidorenko, 43 tuổi, sống cách kho hàng vài km cùng hai con, cho biết: "Tôi sống và làm việc ở đây nên tôi thực sự lo lắng. Ở đây, dầu dính vào quần áo và cả đồ ăn, thức uống".

Cuộc tấn công vào kho chứa dầu trên chỉ là một trong hàng nghìn thảm họa môi trường được báo cáo trên khắp Ukraine. Các nhà khoa học Ukraine và quốc tế đang bắt đầu vào cuộc nghiên cứu, điều tra khi xung đột vẫn tiếp diễn.

Ngay cả trước chiến tranh, Ukraine đã phải đối mặt với những thách thức từ các ngành công nghiệp gây ô nhiễm cao. Giờ đây, các chuyên gia cho biết, vấn đề càng tồi tệ hơn.

Chính phủ Ukraine nói rằng cho đến nay, chiến tranh gây thiệt hại hơn 51 tỷ USD về môi trường. Nhiều chuyên gia nói rằng, con số này cho thấy tác động lớn đối với hệ sinh thái con người sẽ rất lớn trong rất nhiều năm sau.

Tại các thành phố bị không kích, hóa chất dùng để dập lửa đang ngấm vào nước ngầm, amiang và các chất ô nhiễm khác từ đống đổ nát của các tòa nhà bị phá hủy là những mối nguy hiểm lớn khi mọi người tiến hành dọn dẹp.

Trên khắp Ukraine, các máy biến thế và trạm biến áp điện bị tập kích đang làm rò rỉ dầu nhiên liệu nặng và hóa chất gây ung thư. Và ở các khu vực tiền tuyến, chiến tranh đang tàn phá các cánh đồng, rừng và sông suối.

Cuộc giao tranh bằng xe tăng và pháo binh di chuyển chậm khác với cuộc chiến đô thị có chủ đích trong nhiều cuộc xung đột của thế kỷ này. Kết quả là, binh sĩ của cả hai bên đang phá rừng và rải đạn pháo chứa đầy hóa chất lên vùng đất nông nghiệp trù phú của Ukraine.

Ở các khu vực khác của châu Âu, bom mìn trong Thế chiến I đã tồn tại hàng thế kỷ và hiện vẫn còn nguy cơ bẫy mìn rất cao. Các chuyên gia lo ngại cuộc xung đột hiện nay đang gieo rắc một "di sản nguy hiểm" trên những ngọn đồi thoai thoải của Ukraine, vốn giờ đã biến thành chiến trường.

"Tác động có thể so sánh được nhiều nhất có lẽ là Thế chiến II. Cường độ ném bom hoàn toàn khác với các cuộc chiến tranh hiện đại khác", ông Paulo Pereira, giáo sư tại Đại học Mykolas Romeris ở Litva, cho biết. "Tên lửa tập kích mỗi ngày", ông nói thêm.

Ông và các đồng nghiệp đã sử dụng hình ảnh vệ tinh để xác định vụ nổ của hàng chục quả bom trên đất nông nghiệp, làm gia tăng nguy cơ kim loại nặng xâm nhập vào chuỗi thức ăn của đất nước và tỷ lệ ung thư cao hơn do ô nhiễm đất và nước. "Các tác động sẽ kéo dài trong một thời gian dài", ông nói.

Mối đe dọa sức khỏe từ các vụ đánh bom đô thị

Thảm họa kép từ chiến sự kéo dài tại Ukraine - 2

Một cơ sở lưu trữ nhiên liệu ở thành phố Kalynivka, Ukraine bốc cháy ngùn ngụt sau khi bị tấn công (Ảnh: AFP).

Tại Kalynivka, một thị trấn cách Kiev khoảng 3 giờ lái xe về phía đông nam, một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào tháng 3/2022 đã nhấn chìm 30 xe tăng dùng để chứa dầu diesel và nhiên liệu khác, gây ra những quả cầu lửa khổng lồ có thể nhìn thấy cách xa 20km.

Các mẫu đất và nước tại khu vực này cho thấy, ô nhiễm do sản phẩm từ dầu tăng 40-60 lần so với tiêu chuẩn hợp pháp của chính phủ, theo Đài quan sát Môi trường và Xung đột phi lợi nhuận, một tổ chức có trụ sở tại Anh. Đất đen bị nhiễm xăng, cá bị phân hủy, mực nước giảm và ô nhiễm dầu ở một hồ gần đó.

Không có cơ sở dữ liệu công khai nào cho thấy có bao nhiêu người Ukraine sống gần cơ sở hạ tầng công nghiệp hoặc năng lượng đã bị tấn công. Nhưng các nhóm giám sát môi trường đã xác định xảy ra hơn 50 sự cố tương tự như ở Kalynivka trên khắp đất nước. Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng gần như chắc chắn có hàng trăm sự cố khác.

Nga đã tiến hành các cuộc tấn công tên lửa gần như hàng ngày vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine bắt đầu từ mùa thu năm 2022.

Doug Weir, Giám đốc nghiên cứu và chính sách tại Đài quan sát Môi trường và Xung đột, cho biết: "Các vụ tấn công của Nga gây ra những rủi ro cấp tính cho môi trường và mãn tính đối với con người và hệ sinh thái".

Mối đe dọa đối với sức khỏe con người đã khiến các nhà khoa học cảnh giác vì quy mô tàn phá đô thị. Hàng chục thành phố và thị trấn ở trung tâm công nghiệp của Ukraine ở phía đông đã bị pháo kích phá hủy, với nhiều thành phố hoàn toàn bị san phẳng thành đống đổ nát và một số nơi thậm chí không thể ở được.

Ở Izyum, phía đông bắc của Ukraine, nhiều tòa nhà bị pháo kích nhiều tháng trước đó giờ chỉ còn là đống tro tàn. Thành phố duyên hải Mariupol đông dân cư trước đây cũng bị chia cắt bởi các chiến dịch ném bom dai dẳng khi Nga nắm quyền kiểm soát thành phố này vào năm ngoái.

Làn sóng phá hủy này rất nguy hiểm. Giới chức Ukraine cho biết hóa chất dùng để dập lửa có thể đọng lại trong đống đổ nát hoặc thấm xuống đất. Các tòa nhà có từ thời Liên Xô cũ thường sử dụng amiang làm vật liệu xây dựng chống cháy, vì vậy các đội dọn dẹp phải đối mặt với việc tiếp xúc với các sợi gây ung thư và các vật liệu xây dựng nghiền thành bột nguy hiểm khác.

Tiếp xúc với amiang có thể gây ung thư ở ruột kết, phổi và các cơ quan khác. Olivia Nielson và Dave Hodgkin của Miyamoto International, một công ty quản lý thảm họa toàn cầu, cho hay các cuộc tập kích đã "tạo ra hàng triệu tấn gạch vụn nhiễm amiang cực kỳ nguy hiểm".

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), nhiều cơ sở năng lượng bị tấn công có chứa dầu nhiên liệu nặng, amiang và biphenyl polychlorin hóa (PCB), là chất gây ung thư.

PAX, một nhóm hoạt động của Hà Lan nhằm bảo vệ thường dân trong các khu vực xung đột, cho biết đã ghi nhận ít nhất 126 cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng và nhiên liệu. Một số nơi có thể nhìn thấy tình trạng dầu tràn từ ảnh chụp vệ tinh không gian, như tại Nhà máy điện Vuhlehirska, nhà máy điện lớn thứ hai của Ukraine. 

Wim Zwijnenburg, một nhà nghiên cứu của PAX cho biết, nguy cơ bệnh tật do ô nhiễm môi trường ở những nơi đây là quá rõ ràng.

Tại thành phố phía nam Mykolaiv, nơi trong nhiều tháng nằm ở tuyến đầu của cuộc chiến, Đài quan sát Môi trường và Xung đột đã ghi lại các cuộc tấn công lặp đi lặp lại trên các cơ sở dọc theo sông Pivdennyi Buh, chảy qua thành phố.

Các cuộc tấn công nhắm vào một nhà máy tinh chế alumin và làm hư hại các nhà kho chứa nhiên liệu và xút ăn da, có khả năng rò rỉ cặn bauxite có tính kiềm cao. 

Chất gây ô nhiễm xâm nhập vào hệ thống nuôi hải sản và có thể phá hủy đất trồng trọt. Và khi mạng lưới xử lý nước của thành phố bị hư hỏng, nước thải thô chảy vào sông Pivdennyi Buh trong nhiều tuần hồi tháng 6 và tháng 7. 

"Ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi chiến sự, đã có ô nhiễm do các sản phẩm dầu mỏ, kim loại nặng", Mariia Shpanchyk, người đứng đầu cơ quan giám sát nước tại Cơ quan Nhà nước về Tài nguyên nước cho biết.

Ở những nơi khác, cuộc xung đột dường đang khốc liệt đến mức có thể gây ra tác động sinh thái đáng kể.

Hiện tại, mực nước của hồ chứa Kakhovka, một nguồn nước uống chính ở miền nam Ukraine đã giảm từ tháng 12 và hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập niên.

Tiếp cận nguồn nước là mục tiêu chiến lược hàng đầu của Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Moscow muốn khôi phục nguồn cung cấp cho Crimea vốn đã bị phía Kiev cắt sau khi bán đảo này sáp nhập về với Nga vào năm 2014.

Giờ đây hồ chứa Kakhovka tạo thành một tiền tuyến khốc liệt khác giữa hai nước nên đã có nhiều lo ngại cho số phận nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nơi sử dụng nước của hồ chứa này để làm mát các lò phản ứng của nó, 

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IEAE) đã bày tỏ lo ngại về tình hình ở đây. Trong một tuyên bố vào tháng trước, Tổng giám đốc IEAE Rafael Mariano Grossi cho biết: "Mặc dù mực nước giảm không gây ra mối đe dọa ngay lập tức đối với an toàn và an ninh hạt nhân, nhưng có thể trở thành nguồn cơn gây lo ngại lớn nếu tình trạng này vẫn tiếp tục".

Oleksiy Kuzmenkov, người đứng đầu Cơ quan Tài nguyên nước Nhà nước Ukraine, bày tỏ lo lắng về việc hàng trăm nghìn cư dân phụ thuộc vào hồ chứa nước để lấy nước uống, cũng như những người nông dân ở vùng nông nghiệp trù phú sử dụng nó để tưới tiêu mùa màng. 

Nguy cơ đối với rừng, đất, nông nghiệp 

Thảm họa kép từ chiến sự kéo dài tại Ukraine - 3

Một tấm biển cảnh báo có mìn trong khu rừng bạch dương bị tàn phá tại thành phố Izyum (Ảnh: Washington Post).

Trên khắp Ukraine, các nhà hoạch định chính sách lo ngại những hậu quả lâu dài của chiến tranh đối với rừng, đất canh tác, đất đai và sinh vật biển.

Chẳng hạn, rừng đã bị tàn phá khi binh sĩ sử dụng làm nơi ẩn náu và đốn cây  lấy củi, lấy gỗ. Những khu rừng tươi tốt ở phía đông Izyum từng là nơi thu hút du khách đến cắm trại giờ trở thành những ngôi mộ tập thể lớn. Người dân địa phương cho biết, không ai dám mạo hiểm đi sâu hơn vào khu rừng vì lo bẫy mìn.

Bohdan Vykhor, người đứng đầu Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế tại Ukraine, cho biết hệ sinh thái rừng của Ukraine "đang bị phá hủy hoàn toàn".

Chiến tranh cũng đang phá hủy một phần đáng kể đất nông nghiệp màu mỡ của nước này, vốn được mệnh danh là "vựa lương thực của thế giới". Viện Nghiên cứu Khoa học Đất và Hóa chất Nông nghiệp của Ukraine ước tính, chiến tranh đã làm suy thoái ít nhất 65.00km2 đất nông nghiệp.

Tại Dovhenke, một ngôi làng nông nghiệp ở phía đông, người dân cho biết pháo kích và hàng ngàn mảnh vụn đã khiến vùng đất màu mỡ một thời của họ trở nên cằn cỗi. Đường dây điện thoại đổ và tháp điện thoại nằm rải rác trên những cánh đồng rau trước đây.

Yuri Pedan, 34 tuổi, trở lại làng vào cuối tháng 12/2022 để tìm thi thể của anh trai, nạn nhân thiệt mạng khi giẫm phải mìn trong lúc tìm kiếm một con bò mất tích. Một cư dân khác, Luda Algina, 43 tuổi, cho hay các cuộc giao tranh đã phá hủy những cánh đồng màu mỡ.

"Nơi đây luôn cho một vụ mùa bội thu; thật không thể tin được", Algina nói khi đứng cạnh những tàn tích còn sót lại từ ngôi nhà của mình đã bị phá hủy. 

Theo Washington Post