1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thái Lan sẽ vẫn phát tiền cho dân bất chấp cảnh báo từ các nhà kinh tế

Quốc Đạt

(Dân trí) - Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin sẽ xúc tiến kế hoạch phân phát tiền kỹ thuật số trị giá 15 tỷ USD cho người dân để thúc đẩy nền kinh tế, bỏ qua cảnh báo từ các nhà kinh tế và doanh nghiệp.

Thái Lan sẽ vẫn phát tiền cho dân bất chấp cảnh báo từ các nhà kinh tế - 1

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin (Ảnh: Bloomberg).

"Một số nhà kinh tế học bày tỏ quan ngại về chính sách này và tôi lắng nghe những điều họ nói", Thủ tướng Srettha nói hôm 8/10. "Nhưng có hàng triệu người nói họ thực sự muốn tiền kỹ thuật số và tôi cũng phải lắng nghe họ, đặc biệt là tiếng nói của người nghèo".

Tuần trước, 99 nhà kinh tế từ các trường đại học hàng đầu, bao gồm cả các cựu Thống đốc Ngân hàng Thái Lan, đã gửi tuyên bố chung tới Thủ tướng để phản đối kế hoạch tặng tiền kỹ thuật số và kiến nghị chính phủ xem xét lại.

"Nền kinh tế Thái Lan đang phục hồi với tốc độ tăng trưởng tiềm năng phù hợp với nền kinh tế toàn cầu, vốn đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19 gần đây", tuyên bố viết. "Chính phủ không cần thiết chi số tiền khổng lồ để kích thích tiêu dùng trong nước vào thời điểm này".

Trong chiến dịch tổng tuyển cử tháng 5, đảng Pheu Thai của ông Srettha đã hứa sẽ cấp 10.000 baht (275 USD) thông qua ví kỹ thuật số cho tất cả người Thái Lan từ 16 tuổi trở lên để thúc đẩy chi tiêu. 56 triệu người Thái đủ điều kiện nhận tiền.

Gói trợ cấp này dự kiến tiêu tốn tới 560 tỷ baht (15,4 tỷ USD) và chính phủ Thái Lan chưa cho biết sẽ lấy doanh thu từ đâu để tài trợ số tiền này.

Sethaput Suthiwartnarueput, Thống đốc Ngân hàng Trung ương đương nhiệm, cũng đã bày tỏ lo ngại kể từ khi đề xuất này được đưa ra trong cuộc bầu cử vì theo ông, việc bỏ ra số tiền lớn để kích thích nền kinh tế là không hiệu quả.

Vị Thống đốc còn cho rằng chính phủ sẽ cần vay số tiền khổng lồ để tài trợ cho dự án, từ đó tạo ra khoản nợ khổng lồ đè nặng lên nền kinh tế.

Theo số liệu của Bộ Tài chính Thái Lan, tính đến tháng 8, nợ công của Thái Lan ở mức 11.000 tỷ baht, bằng 62% tổng sản phẩm quốc nội của nước này.

Sanan Angubolkul, Chủ tịch Phòng Thương mại Thái Lan, cũng không đồng tình với kế hoạch này, cho rằng Chính phủ nên thu hẹp quy mô chương trình và chỉ cấp tiền cho những nhóm dễ bị tổn thương cần tiền.

Trong khi đó, Thủ tướng Strettha, người kiêm nhiệm Bộ trưởng Tài chính, kiên quyết xúc tiến chính sách này. Ông cam kết ủy ban tiền kỹ thuật số do ông mới thành lập sẽ hoàn thiện chương trình và công bố chi tiết với công chúng vào tháng 11.

Việc phát trợ cấp dự kiến bắt đầu vào tháng 2/2024.

"Thành trì" chính trị của đảng Pheu Thai nằm ở phía bắc và đông bắc Thái Lan, nơi sinh sống của nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp. Theo Nikkei, đây là động lực khiến ông Srettha thúc đẩy dự án tiền kỹ thuật số dù vấp phải sự phản đối của tầng lớp trung lưu thành thị và thượng lưu của đất nước.

Trong cuộc thăm dò do Super Poll thực hiện trong các ngày 4-7/10, 42% trong số 1.111 người được khảo sát ở Bangkok cho biết họ hoài nghi cách chính phủ tìm nguồn tài chính cho chương trình.

25,9% cho biết họ không thấy chắc chắn về tác động của gói trợ cấp 560 tỷ baht tới nền kinh tế.

Theo Nikkei

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm