1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thái Lan: Người biểu tình chiếm trụ sở các bộ

(Dân trí) - Người biểu tình thuộc phe đối lập Thái Lan hôm nay 25/11 đã xông vào 2 bộ quan trọng của chính phủ ở thủ đô Bangkok, trong động thái nhằm gây áp lực lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

 
Người biểu tình bên trong tòa nhà của Bộ Tài chính tại Bangkok ngày 25/11.
Người biểu tình bên trong tòa nhà của Bộ Tài chính tại Bangkok ngày 25/11.

Các cuộc biểu tình rộng khắp chống lại bà Yingluck và anh trai của bà, Thủ tướng bị lật đổ  Thaksin Shinawatra, vào ngày hôm nay được cho là lớn nhất kể từ năm 2010, khi Thái Lan bị rung chuyển bởi cuộc biểu tình chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập niên, khiến 90 dân thường thiệt mạng khi đó.

 

Những cuộc biểu tình hiện nay làm dấy lên lo sợ về một làn sóng bạo lực mới trên đường phố ở đất nước vốn đã đối mặt với một loạt bất ổn chính trị kể từ khi các tướng lĩnh quân đội lật đổ ông Thaksin vào năm 2006.

 

Hàng chục ngàn người biểu tình phản đối chính phủ của bà Yingluck đã tuần hành tới hơn một chục cơ quan nhà nước ở khắp Bangkok, trong đó có các căn cứ quân sự, đồn cảnh sát cũng như đài truyền hình.

 

Hàng trăm người biểu tình đã xông vào các tòa nhà của Bộ Tài chính rồi sau đó tiến vào khu nhà của Bộ Ngoại giao. Hai tòa nhà có vẻ như không được các lực lượng lượng an ninh chính phủ canh gác.

 

Theo một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, người biểu tình đã phá cổng vào Bộ Ngoại giao và sau khi chiếm một khu vực của Bộ này, họ đã yêu cầu các nhân viên dân sự rời đi, không trở lại làm việc vào ngày hôm sau.

 

“Đó là một cuộc chiếm giữ hòa bình”, lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban cho biết trong một cuộc họp báo từ Bộ Tài chính và kêu gọi chiếm “mọi cơ quan chính phủ” vào ngày mai.

 

“Hệ thống Thaksin không còn làm việc nữa”, ông nói và tuyên bố sẽ bất chấp cảnh báo của cảnh sát phải rời Bộ tài chính.

 

Suthep, một chính trị gia kỳ cựu của phe đối lập, cho biết “cải cách chính trị” tương lai sẽ do những người biểu tình quyết định.

 

Trước đó, một số người biểu tình kêu gọi quân đội can thiệp. Thái Lan đã trải qua 18 cuộc đảo chính kể từ khi nước này bắt đầu chế độ quân chủ lập hiến vào năm 1932.

 

Các cuộc biểu tình hiện nay là thách thức lớn nhất đối với bà Yingluck, người lên nắm quyền trong cuộc bầu cử vào năm 2011, nhờ sự ủng hộ của phe “áo đỏ”. Những cuộc biểu tình của “áo đỏ” năm 2010 cũng đã bị chính phủ do đảng Dân chủ dẫn dắt khi đó đàn áp.

 

Bà Yingluck hôm nay cho biết bà sẽ không từ chức và cũng không giải tán quốc hội, bất chấp áp lực tăng cao.


Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng bà đang mất dần quyền lực. “Bà Yingluck sẽ rất khó có thể ở lại, chứ chưa nói là còn làm được gì”, Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện nghiên cứu an ninh và quốc tế tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok cho hay.

 

Các cuộc biểu tình được phe đối lập ủng hộ đã diễn ra khắp thủ đô trong nhiều tuần qua. Nguyên nhân là do một dự luật ân xá có thể cho phép ông Thaksin, đang sống lưu vong, trở lại.

 

Dự luật ân xá, đã bị thượng viện bác bỏ, cũng làm những người ủng hộ ông Thaksin nổi giận bởi nó đề xuất tha bổng cho những người chịu trách nhiệm đối với vụ đàn áp người biểu tình “áo đỏ” năm 2010.

 

Cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva, giờ là lãnh đạo phe đối lập, và người phó của ông Suthep đang đối mặt với các cáo buộc giết người vì đã giám sát hoạt động đàn áp người biểu tình của quân đội.

 

Trong một đòn giáng khác đối với chính phủ của bà Yingluck, Tòa án hiến pháp tuần trước đã ngăn kế hoạch bỏ phiếu bầu toàn bộ thượng viện của đảng cầm quyền. Đảng Dân chủ đối lập hiện đang gia tăng áp lực đối với bà Yingluck bằng một cuộc tranh luận bất tín nhiệm vào ngày mai, mặc dù đảng của bà hiện đang thống trị hạ viện.

 

Ông Thaksin, một ông trùm, tỷ phú truyền thông chuyển sang làm chính trị, được lòng những người ở tầng lớp lao động và ở vùng nông thôn. Nhưng giới nhà giàu và trung lưu lại cáo buộc ông tham nhũng, là mối đe dọa với nền quân chủ.

 

Vũ Quý

Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm