1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thái Lan: Diễn biến căng thẳng, Thaksin lên tiếng

(Dân trí) - Căng thẳng biểu tình càng dâng cao tại Thái Lan khi cựu Thủ tướng Thaksin tuyên bố sẽ về nước làm thủ tướng. Thủ đô Bangkok tê liệt khiến Quốc hội Thái đã phải hoãn phiên họp.

Bao vây khắp nơi

 

Người biểu tình mặc áo vàng, biểu tượng lòng tôn kính nhà vua. Dẫn đầu đoàn biểu tình là lực lượng bảo vệ của Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) mặc y phục đen, tay cầm gậy.

 

Đoàn người phản đối chính phủ thân Thaksin đã bao vây Bộ Tài chính, sau khi “thành công” buộc Quốc Hội hủy bỏ phiên họp.

 

Tối qua, một đoàn biểu tình khác, dùng xe ô tô và “trưng dụng” hàng trăm xe buýt, tiến về sân bay Don Mueang, nơi chính phủ sử dụng làm trụ sở tạm, để ngăn chính phủ tổ chức cuộc họp nội các hàng tuần dưới sự chủ trì của phó Thủ tướng Chavarat.

 

Một số nữa đến bao vây sân bay Suvarnabhumi để đối đầu với Thủ tướng Somchai Wongsawat, người đã tới Peru để tham dự hội nghị APEC và sẽ về nước vào thứ 6, ngày 27/11.

 

Theo các quan sát viên, tình hình tại chỗ căng thẳng như một kho thuốc súng.  Nếu Quốc vương Bumibhol không đứng ra hòa giải, chạm trán giữa hai phe chống và thân Thanksin có nguy cơ bùng nổ.

 

Thaksin tuyên bố sẽ về nước

 

Cựu Thủ tướng Thaksin ngày hôm qua đã cam kết sẽ trở về Thái Lan một lần nữa “trên cương vị thủ tướng”, trong khi lên tiếng chỉ trích chính quyền Anh vì đã rút lại thị thực của ông.

 

Báo Thái Lan dẫn lời Thaksin khẳng định tin tưởng ông có thể khôi phục lòng tin của người dân, một khi trở về nước.

 

Tuyên bố của ông Thaksin càng như đổ thêm dầu vào lửa, khi dư luận lo ngại bạo động bùng lên giữa các ủng hộ viên hai phe: một bên là PAD xuống đường đòi lật đổ chính quyền thân Thaksin, và bên kia là Mặt trận Thống nhất Dân chủ chống độc tài (UDD) gồm những người ủng hộ chính quyền đương nhiệm. 

 

Điều đáng ngại là lập trường hai bên càng lúc càng cứng rắn thêm, và có chủ trương dùng vũ lực. Một vài lãnh đạo của PAD kêu gọi đảo chính quân sự, ngược lại, Mặt trận UDD cũng ngày càng lớn tiếng đe doạ dùng vũ lực chống lại phong trào PAD.

 

Các nhà phân tích cho rằng ông Thaksin muốn trở lại sân khấu chính trị vì danh dự, nhưng cũng là để tìm cách lấy lại phần tài sản bị phong toả - gần 2 tỷ USD. Hiện nay, dù đã ly dị vợ, ông Thaksin vẫn còn trong tay 300 triệu USD cho kế hoạch trở lại sân khấu chính trị của ông.

 

Ai hoà giải?

 

Trong quá khứ, Quốc vương Thái Lan là người cuối cùng có thể giúp tháo gỡ bế tắc. Nhưng báo chí đưa tin, so với cuộc khủng hoảng chính trị vào tháng 5/1992, tình hình đã thay đổi. Quốc vương Bhumibol nay đã lớn tuổi và Hoàng gia còn đang chịu tang công chúa Galyani, chị của Nhà vua.

 

Trong bối cảnh này, dường như không còn ai có thể đóng vai trò trung gian hoà giải giữa hai phe chống và ủng hộ Thaksin. 

 

Thái Lan càng  lún sâu vào khủng hoảng, bạo động càng có nguy cơ bùng nổ bất cứ lúc nào và các cuộc biểu tình chống chính phủ được dự đoán là sẽ lên đến đỉnh cao trong tuần này. 

 

Người dân mệt mỏi

 

Tất cả các cuộc thăm dò dư luận cho đến nay đều cho thấy rõ là đại đa số người dân đã mệt mỏi trước tình hình căng thẳng chính trị kéo dài.

 

Vào lúc mà Thái Lan đang đứng trước một số thời điểm trọng đại - như sinh nhật của Quốc Vương Bhumipol tuần tới, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN trong hai tuần nữa, nền kinh tế gặp khó khăn với dự báo của Liên đoàn Các ngành công nghiệp Thái rằng con số thất nghiệp sẽ tăng lên 1,1 triệu người vào năm tới - dư luận trong nước cho rằng đã đến lúc từ bỏ mọi cuộc tập hợp biểu tình rầm rộ để bắt tay vào chăm lo việc nội bộ.

 

Nguyễn Viết

Tổng hợp

Dòng sự kiện: Chính trị Thái Lan