Thái Lan - Campuchia hoãn cuộc họp về tranh chấp biên giới
(Dân trí) - Các quan chức quân sự Thái Lan và Campuchia đã hoãn cuộc họp nhằm làm dịu đi cuộc tranh chấp biên giới mới đây đã leo thang dẫn đến xung đột chết người.
Tin tức từ cả hai bên hôm qua cho biết, các đại diện quân đội cấp cao Thái Lan - Campuchia dự định họp vào ngày 21/10 tại thị trấn Siem Reap của Campuchia, nhưng các cuộc thương lượng đã bị hoãn lại cho đến cuối tuần.
“Cuộc họp biên giới của quân đội khu vực dự kiến vào ngày 21/10 bị hoãn vì cả hai nước đều chưa sẵn sàng”, Đại tá Taweesak Boonrakchart, người phát ngôn lực lượng quân đội phía Đông Bắc Thái Lan nói. “Về phía Thái Lan, chúng tôi phải được sự phê chuẩn của chính phủ trước khi có thể ký bất kỳ thoả thuận nào”.
Theo Đại tá Taweesak, cuộc họp sẽ được nối lại vào ngày 23 hoặc 24/10 tại Siem Riep.
Nhiều quan chức chính phủ Thái Lan cho rằng quân đội sợ vi phạm hiến pháp trong các thoả thuận đạt được với Campuchia giống như vụ việc của cựu Ngoại trưởng Noppadon Pattama.
Toà án Hiến pháp Thái Lan hồi tháng 6 đã tuyên bố ông Noppadon vi phạm hiến pháp vì đã ký tuyên bố chung với Campuchia, ủng hộ nỗ lực của nước này đưa đền Preah Vihear đang tranh chấp vào danh sách di sản văn hoá của UNESCO, mà không được sự đồng ý của Quốc hội.
Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Campuchia, Tướng Neang Phat tuyên bố ông hy vọng cuộc họp sẽ diễn ra vào sáng 23/10.
Trước đó một ngày, báo chí Campuchia đưa tin nước này đã hủy bỏ thỏa thuận tuần tra chung với phía Thái Lan tại khu vực rộng 17,6 km2 xung quanh ngôi đền Ta Moan Thom, “do ngôi đền này hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Campuchia”.
Cho đến ngày hôm qua, tình hình biên giới giữa Thái Lan vẫn bình thường. Người ta thậm chí có thể nhìn thấy các binh sĩ hai bên tán gẫu với nhau. “Quan hệ giữa các binh sĩ hai nước đã tốt hơn. Chúng tôi cố giữ bình tĩnh ở đây - mềm dẻo nhưng mạnh mẽ”, Đại tá Som Bopharoath của Campuchia nói.
Thủ tướng Thái Lan Somchai Wongsawat tỏ ý tin tưởng về khả năng giải quyết tranh chấp biên giới thông qua các cuộc thương lượng với chính phủ Campuchia và tuyên bố không cần yêu cầu ASEAN trợ giúp tìm kiếm một nhà trung gian hoà giải.
Căng thẳng giữa hai nước láng giềng này bùng phát hồi tháng 7, sau khi đền khu đền cổ ở khu vực biên giới Preah Vihear được Liên Hợp Quốc công nhận là Di sản thế giới.
Nhật Mai
Theo AFP, Bangkok Post