1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thái Lan bước vào cuộc tổng tuyển cử gay cấn

Minh Phương

(Dân trí) - Hôm nay 14/5, hơn 50 triệu cử tri Thái Lan đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử được đánh giá là quan trọng nhất từ trước đến nay.

Thái Lan bước vào cuộc tổng tuyển cử gay cấn - 1

Thủ tướng đương nhiệm Thái Lan Prayut Chan-ocha vận động tranh cử ở Bangkok hôm 12/5 (Ảnh: Getty).

Theo Ủy ban Bầu cử Thái Lan, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 14/5 có thể đạt 85%. Hơn 90.000 điểm bỏ phiếu đã được lập ra trên toàn quốc.

Những cử tri đủ điều kiện sẽ nhận được hai lá phiếu, gồm một phiếu bầu ghế hạ nghị sĩ theo khu vực bầu cử và một phiếu khác để chọn đảng mà họ yêu thích.

Trong số 500 ghế ở Hạ viện, 400 ghế sẽ được bầu theo khu vực bầu cử, 100 ghế còn lại được phân bổ theo kết quả bỏ phiếu của đảng. Trong khi đó, 250 ghế ở Thượng viện được chỉ định.

Đến tháng 7, Ủy ban Bầu cử sẽ công bố những người chiến thắng. Quốc hội sau đó sẽ thống nhất vào giữa tháng 7 để chọn ra thủ tướng. Đảng nào giành ít nhất 251/500 ghế tại Hạ viện và ứng viên của đảng đó phải nhận được ít nhất 376 phiếu ủng hộ ở cả Hạ viện và Thượng viện mới có cơ hội trở thành thủ tướng. Tuy nhiên, 250 ghế của Thượng viện là do chính quyền quân sự chỉ định nên kết quả cuối cùng vẫn rất khó đoán định. Thủ tướng và nội các mới sẽ tuyên thệ trước Nhà vua vào tháng 8.

Dù có hàng chục chính đảng tham gia nhưng cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan có thể coi là cuộc đua tam mã giữa đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất (UTN) của Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-ocha, đảng Pheu Thai với ứng viên Paetongtarn Shinawatra và đảng Tiến lên của ông Pita Limjaroenrat.

Theo các thăm dò dư luận gần đây, cô Paetongtarn, 36 tuổi, con gái cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra, nhận được tỷ lệ ủng hộ cao nhất, khoảng 38%. Tỷ lệ này gần gấp đôi tỷ lệ ủng hộ dành cho Thủ tướng Prayut.

Trong chiến dịch vận động tranh cử, các đảng đều cố gắng đưa ra những chính sách dân túy để thu hút cử tri. Đảng của Thủ tướng Prayut tập trung vào các khu công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài và đề xuất tăng phúc lợi hàng tháng cho người dân, trợ cấp cho nông dân trồng lúa.

Đảng Pheu Thai của cô Paetongtarn đặt mục tiêu biến Thái Lan thành trung tâm giao thông khu vực, tăng gấp đôi lương tối thiểu của người lao động, mở rộng hệ thống phúc lợi y tế.

Chuyên gia phân tích chính trị Punchada Sirivunnabood bình luận, mặc dù các đảng có liên hệ với cựu Thủ tướng Thaksin đều giành được đa số ghế trong mọi cuộc bầu cử diễn ra từ năm 2001, nhưng rất khó để Pheu Thai giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử này mà không cần lập liên minh với các đảng khác.

Paetongtarn là gương mặt trẻ triển vọng, nhưng cô cũng sẽ vấp phải không ít thách thức với tham vọng trở thành thủ tướng. Nếu đắc cử, cô sẽ là thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Thái Lan và là thành viên thứ tư trong dòng họ Shinawatra đảm nhận cương vị này.

Theo Aljazeera, Reuters