1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thái Lan: Biểu tình chấm dứt, khủng hoảng vẫn còn?

(Dân trí) - Bạo động và lửa cháy đã lan rộng khắp thủ đô Bangkok, Thái Lan vào 19/5, sau khi quân đội thực hiện một chiến dịch nhằm kết thúc 2 tháng chiếm đóng quận thương mại Rajprasong của người biểu tình “áo đỏ”.

Thái Lan: Biểu tình chấm dứt, khủng hoảng vẫn còn? - 1
Giới phân tích cho rằng mặc dù quân đội đã giải tán được người biểu tình "áo đỏ" ở quận thương mại Rajprasong, nhưng cuộc khủng hoảng ở Thái Lan vẫn chưa thể chấm dứt.
 
Lệnh giới nghiêm ban đêm đã được đưa ra, cùng với đó là việc ngừng phát sóng tin tức truyền hình. Trong khi đó, quân đội cho biết sẽ quyết tâm tiến lên phục hồi lại trật tự khắp Bangkok, mà giới phân tích dự đoán có thể biến thành một cuộc triển khai đẫm máu để có thể trấn áp được tình trạng nổi loạn. 

Nhiều nhóm biểu tình “áo đỏ” vẫn bám trụ ở ít nhất 2 khu vực của Bangkok. Cuối ngày thứ 4, tiếng súng bắn vẫn vang lên, làm gia tăng lo ngại có thể xảy ra một đợt bùng phát bạo lực nữa. 

Điều tồi tệ nhất đã qua? 

Theo các nhà phân tích, rất khó có thể nói gì trong lúc này. Ban lãnh đạo “áo đỏ” hoặc đã trốn thoát, hoặc đã bị bắt. Không rõ liệu có ai đó đứng lên lãnh đạo những cuộc nổi loạn hiện nay hay liệu các nhóm này hoặc cá nhân này đang hành động hoàn toàn độc lập.  

Theo giới phân tích, bạo động bùng phát sau khi các thủ lĩnh “áo đỏ” đầu hàng có thể sẽ giảm nhiệt hoặc cũng có thể tiếp diễn trong những ngày tới, phụ thuộc vào hoạt động triển khai của quân đội và vào động cơ cũng như mức độ phối hợp của những người biểu tình vẫn còn “cứng đầu”. 

Có lẽ cũng không bao giờ biết được, việc bùng phát bạo động khắp thành phố hiện nay đã được lên kế hoạch từ trước hay chỉ là phản ứng đối với cuộc triển khai của quân đội. Nhưng dù sao, những người vẫn đủ dũng cảm ở lại trên các tuyến phố chắc chắn sẽ “chiến đấu” tới cùng. 

Theo các nhà phân tích, phản ứng dữ dội từ thất bại lớn của “áo đỏ” có thể rất nguy hiểm, đặc biệt là nếu các phần tử được trang bị vũ khí nằm trong số những người biểu tình này. Các tay súng “giấu mặt” được biết đã xuất hiện trong các cuộc đụng độ vào ban đêm lần trước, ngày 10/4, khiến 25 người thiệt mạng và hơn 900 người bị thương. 

Chính phủ Thái Lan tin rằng những chiến binh bí mật, những người được huấn luyện bài bản và không lạ lẫm gì với chiến trận, vẫn đang ở ngoài phố, đe dọa tới bước tiến của quân đội trong việc lấy lại đường phố Bangkok.

Không một cơ quan báo chí nào được phép đưa tin về các sự việc và các đội y tế, cứu trợ thảm họa đã được đặt trong tình trạng “trực chiến”, đề phòng trường hợp có thương vong lớn. 

Đã có tổn thất gì? 

Chiến dịch lấy lại quận khách sạn và mua sắm Rajprasong người biểu tình “áo đỏ” chiếm giữ từ 3/4 đã hoàn tất trong vòng 7 tiếng, với ít tổn thất hơn dự tính rất nhiều, xét về quy mô của của cả chiến dịchh. Con số chưa chính thức cho biết 6 người đã thiệt mạng và 59 người bị thương trong các vụ đụng độ. 

Tuy nhiên nó đã “châm ngòi” cho khoảng 20 vụ phóng hỏa khắp thành phố, với các ngân hàng, một kênh truyền hình, sàn giao dịch chứng khoán và trung tâm mua sắm lớn nhất Đông Nam Á trở thành mục tiêu. 

Ngoài ra, còn có thông tin về một số vụ cướp, hôi của tại thủ đô. Những người biểu tình còn phóng hỏa các tòa thị chính ở 3 tỉnh đông bắc, “thánh địa” của phong trào “áo đỏ”. Ngoài ra, 21 tỉnh được đặt trong lệnh giới nghiêm để tránh hỗn loạn xảy ra.

Thỏa thuận hòa bình vẫn còn “cửa”? 

Giới phân tích cho rằng, uy tín của “áo đỏ” bị tổn thất ghê gớm, do kết quả của các cuộc đụng độ trong vòng vài ngày qua và do bạo loạn lan rộng. Nếu các lực lượng an ninh có thể phục hồi trật tự tại Bangkok mà không cần sự nhất trí rút lui của người biểu tình, “áo đỏ” vẫn có chút quyền lực “mặc cả”. 

Tuy nhiên, chính phủ thái Lan cũng có thể tìm kiếm một thỏa thuận với “áo đỏ”, bởi "áo đỏ" giờ hiểu được khả năng của họ, đó là huy động được một số lượng lớn người để “gây mưa, gây gió” và làm tê liệt nhiều khu vực của thành phố. Thỏa thuận này cũng có thể chỉ để xoa dịu "áo đỏ". 

Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva cam kết sẽ tiếp tục với kế hoạch hòa giải và có lúc “áo đỏ” sẽ được “lên cùng tàu” như một chỉ dấu về sự chân thành và một bước tiến tới hàn gắn hố sâu ngăn cách xã hội. Việc tham gia vào kế hoạch hòa bình của một phong trào thường xuyên bị chính phủ coi là “khủng bố” có thể gây ra phản ứng dữ dội từ những người Thái Lan vốn đã bất bình bởi bất ổn gần đây. Nhưng nỗ lực loại bỏ ‘áo đỏ” có thể gây ra tổn thất nặng nề.

Người biểu tình “áo đỏ” sẽ “xẹp”? 

Khả năng này rất khó. Theo giới phân tích, bất chấp bạo lực, các cuộc biểu tình đã nâng cao được nhận thức chính trị của người dân tại vùng nông thôn cũng như các tầng lớp lao động thành phố. Các cuộc biểu tình của “áo đỏ” đã thúc đẩy được ý tưởng rằng người nghèo hiện cũng là những người quan trọng với tương lai Thái Lan. Họ biết lá phiếu của họ có ảnh hưởng. 

“Áo đỏ” có một lực lượng lớn ủng hộ ở các tỉnh miền bắc và đông bắc. Theo giới phân tích các cuộc biểu tình của "áo đỏ" có thể giảm nhiệt đôi chút, nhưng nếu vẫn được xem là đại diện cho những người Thái Lan không được đối xử tốt, chắc chắn phong trào của "áo đỏ" sẽ phục hồi được sự ủng hộ và đồng cảm.

 

Phan Anh
Theo Reuters