Thách thức với Ukraine trước phòng tuyến nhiều lớp của Nga
(Dân trí) - Ukraine đối mặt hàng loạt thách thức khi nỗ lực chọc thủng phòng tuyến kiên cố nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến hai trong chiến dịch phản công giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.
7 tháng sau khi Ukraine phát động chiến dịch phản công vào mùa hè với mục tiêu giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở miền Đông, lực lượng của Kiev đã đạt được rất ít bước tiến trước sự kháng cự quyết liệt của Moscow.
Mũi phản công chính của Ukraine diễn ra ở tỉnh Zaporizhzhia tại mặt trận miền Nam. Hướng tiếp cận này nhằm cắt đứt tuyến đường từ Orikhiv, phía đông khúc quanh sông Dnipro và tới Melitopol trong nỗ lực chia cắt lực lượng Nga gần Biển Azov.
Ngoài ra Ukraine còn có các trục phản công khác, như một cuộc phản công về phía đông hướng tới vùng Donetsk do Nga kiểm soát và một trục khác bên ngoài thành phố Bakhmut. Gần đây hơn, Ukraine đã thiết lập được vị trí ở bờ đông sông Dnipro.
Tuy nhiên, những bước tiến mà Ukraine đạt được trong chiến dịch phản công không nhiều. Trong khi đó, Nga đã xây dựng tuyến phòng thủ lớn nhất và kiên cố nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến hai, theo Reuters.
Bất chấp cuộc phản công của Ukraine, tuyến phòng thủ này cho đến nay vẫn được giữ vững. Ngoài ra, triển vọng ban đầu về một bước đột phá của Ukraine nhằm cắt đứt hành lang trên bộ nối Nga và bán đảo Crimea dần mờ nhạt.
"Nếu cuộc phản công diễn ra trong những điều kiện phù hợp, với hướng tiếp cận chiến lược hơn trong việc huấn luyện cho Lực lượng vũ trang Ukraine những gì họ cần và những gì các chuyên gia quân sự phương Tây yêu cầu, chiến dịch này có thể tạo ra sự khác biệt", Franz-Stefan Gady, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định.
Tuy nhiên, tất cả các mảnh ghép dường như không được đặt vào vị trí hoàn hảo. Khi một mùa đông bế tắc mới đang đến gần, lực lượng Ukraine đang đối mặt với nhiều thách thức khiến họ bị mắc kẹt ở tiền tuyến.
Thách thức từ đầu chiến dịch
Bakhmut, mặt trận đẫm máu nhất trong cuộc xung đột ở Ukraine cho đến nay, là trận chiến quyết định dẫn đến cuộc phản công và tác động đến chiến dịch quân sự của Kiev.
Vào tháng 3/2023, khi các lực lượng Ukraine gần như bị bao vây trong thành phố Bakhmut, đối mặt với thương vong cao và kho đạn dược ngày càng cạn kiệt, đã có nhiều tiếng nói cả ở trong và ngoài nước kêu gọi Ukraine rút quân.
Vào thời điểm đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố lực lượng Ukraine vẫn kiên quyết ở lại Bakhmut để hạ gục lực lượng Nga. Mặc dù quân đội Nga chịu tổn thất nặng nề, nhưng lực lượng Moscow vẫn tuyên bố giành được Bakhmut vào tháng 5.
Một số chuyên gia cho rằng, quyết định của Ukraine ở lại Bakhmut là phù hợp trong bối cảnh Nga bị tổn thất nặng nề và lực lượng quân sự tư nhân Wagner đang hỗn loạn. Tuy nhiên, những chuyên gia khác nhận định, Nga đã triển khai những binh lính thiếu kinh nghiệm buộc Ukraine phải tiêu hao lực lượng giàu kinh nghiệm hơn của nước này trong trận chiến giành Bakhmut.
Quyết định cố thủ và giữ phòng tuyến ở Bakhmut đã kìm chân một số lực lượng tinh nhuệ nhất của Ukraine, bao gồm Lữ đoàn cơ giới 24 và Lữ đoàn tấn công trên không 80, trong giai đoạn lên kế hoạch cho chiến dịch phản công vào mùa hè.
Điều này khiến Ukraine phải triển khai những đơn vị ít kinh nghiệm hơn, trong đó có Lữ đoàn cơ giới 47, để thực hiện một nhiệm vụ khó khăn là phá vỡ tuyến phòng thủ kiên cố của Nga.
Trong giai đoạn đầu của cuộc phản công, các đơn vị được trang bị tốt nhưng thiếu kinh nghiệm của Ukraine đã tham gia các cuộc tấn công vào phòng tuyến của Nga, nhưng họ nhanh chóng gặp phải hàng phòng ngự kiên cố của Moscow. Một số chuyên gia cho rằng, Ukraine đã có cách tiếp cận thiếu nhất quán, thể hiện qua việc thiếu liên lạc, trinh sát và nhắm mục tiêu kém, cũng như sự phối hợp thiếu hiệu quả.
Điều này đã cản trở tiến trình phản công và đây là sai lầm xảy ra với những đội quân ít kinh nghiệm chiến đấu.
George Barros, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, nói với Business Insider rằng chiến dịch phản công của Ukraine không tạo ra sự khác biệt do những đánh giá sai sót ngay từ đầu của Ukraine và các đối tác phương Tây về hệ thống phòng thủ của Nga cũng như khả năng thành công của chiến thuật và sự huấn luyện của NATO.
Thiếu hụt vũ khí
Ngay từ đầu, Ukraine đã có sẵn một số vũ khí để tiến hành chiến dịch phản công. Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) cùng lựu pháo M777 và radar phản pháo đã tạo ra tác động nhất định trong chiến dịch phản công.
Tuy nhiên, các khí tài và thiết bị khác, như xe tăng và xe bọc thép, không thực sự hữu ích trong việc chọc thủng các tuyến phòng thủ của Nga. Những phương tiện này phải đối mặt với các bãi mìn, tên lửa chống tăng và trực thăng tấn công của Nga.
Ngoài ra, Ukraine cũng thiếu các vũ khí và thiết bị cần thiết như thiết bị rà phá bom mìn, xe công binh…
Có những khí tài, thiết bị được gửi đến Ukraine nhưng bị trễ, hoặc Kiev đang chờ để nhận. Đối với một số loại vũ khí quan trọng, việc chuyển giao thường bị trì hoãn do các cuộc trao đổi qua lại tốn nhiều thời gian.
Khi được hãng tin AP hỏi vào đầu tháng 12 năm ngoái về kết quả của cuộc phản công, Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine "không nhận được tất cả vũ khí mà chúng tôi muốn".
Nhiều nhà phân tích đã chỉ trích Mỹ và các đồng minh vì chậm trễ trong việc cung cấp một số loại vũ khí mà Ukraine cần.
Theo Seth Jones, giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế và Dự án Các mối đe dọa xuyên quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), rõ ràng "những lo ngại trong chính phủ Mỹ về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine có nguy cơ làm leo thang xung đột, cũng như làm gia tăng khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân, đã không xảy ra".
Xét về sự hỗ trợ của Mỹ, Ukraine mới chỉ nhận được xe tăng M1 Abrams và Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS). Trong khi đó, việc huấn luyện phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu F-16 chỉ mới bắt đầu, nên dù Ukraine rất muốn sở hữu F-16, nhưng sẽ không nhận tiêm kích này ít nhất cho đến năm 2024.
Ukraine cũng có lực lượng không quân, nhưng chủ yếu bao gồm các máy bay quân sự cũ từ thời Liên Xô. Lực lượng này gần như không đủ để trấn áp hệ thống phòng không của Nga, hỗ trợ tầm gần và tiến hành các cuộc tấn công trên bộ cần thiết để thực sự chọc thủng các phòng tuyến của Nga.
Ukraine cho biết việc thiếu sức mạnh không quân đã làm phức tạp thêm các nỗ lực phản công của nước này. Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng ngay cả phương Tây cũng khó có thể thực hiện chiến dịch như vậy nếu không có lực lượng không quân áp đảo.
Ukraine cũng phải đối mặt với những thách thức về đạn dược, phân bổ đạn pháo ở tiền tuyến ngay cả khi các đối tác phương Tây tăng cường sản xuất và cung cấp đạn pháo 155mm cũng như đạn chùm gây tranh cãi như một giải pháp tạm thời.
Thách thức về huấn luyện và chiến thuật
Về huấn luyện và chiến thuật, một số vấn đề đã nảy sinh khi Ukraine chuyển từ vũ khí thời Liên Xô sang các hệ thống vũ khí phức tạp của NATO, đồng thời trải qua khóa huấn luyện gấp rút về tác chiến phức tạp và chiến tranh vũ trang tổng hợp kiểu phương Tây chỉ trong vài tháng.
Kết quả của các khóa huấn luyện không rõ ràng. Ngay từ đầu, các đơn vị ít kinh nghiệm của Ukraine đã bị chệch hướng, tấn công chậm, thậm chí có trường hợp không tận dụng được những lợi thế như yếu tố bất ngờ và gặp khó khăn trong việc tận dụng tối đa vũ khí tiên tiến của Mỹ.
Chỉ vài tuần sau khi chiến dịch phản công bắt đầu, các lực lượng Ukraine đã gạt sang một bên các bài tập huấn luyện của phương Tây, quay trở lại chiến thuật hỏa lực áp đảo và bộ binh khi tìm cách vượt qua các bãi mìn của Nga.
Khi các lữ đoàn phản công của Ukraine bắt đầu tham chiến vào tháng 6/2023 sau khi chỉ được huấn luyện vài tháng về tác chiến vũ khí tổng hợp liên quan đến sự phối hợp của bộ binh, thiết giáp và pháo binh, họ đã gặp khó khăn.
Một số tranh cãi đã nổ ra giữa các chuyên gia và giữa Ukraine với các đối tác phương Tây về việc liệu Kiev có dàn trải lực lượng quá mỏng trên nhiều trục tiến công hay không. Một số ý kiến cho rằng, sức mạnh chiến đấu bị phân tán trên nhiều mặt trận có thể gây khó khăn cho việc tập trung lực lượng để tiến hành một bước đột phá lớn hơn, nhưng một trong những thách thức của Ukraine là phải xem nên tấn công ở đâu và chọc thủng phòng tuyến nào của Nga.
Chia quân dọc chiến tuyến dài
Trọng tâm cuộc phản công của Ukraine là mặt trận Zaporizhzhia, chiến trường được các nhà phân tích quân sự coi là con đường trực tiếp nhất để chia cắt các khu vực do Nga kiểm soát ở Ukraine.
Trải dài 80km từ thành phố Orikhiv, qua thành phố Tokmak và gặp nhau tại thành phố Melitopol, tuyến đường này nhằm cắt đứt các tuyến tiếp viện quan trọng của Nga tới Crimea.
Mặc dù Kiev luôn giữ kín các mục tiêu cuối cùng cho cuộc phản công, nhưng vào tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã tuyên bố chiến dịch phản công của Ukraine sẽ không dừng lại cho đến khi Kiev giành lại quyền kiểm soát Crimea. Nga đã tuyên bố sáp nhập Crimea vào năm 2014 và trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga cũng đặt tại bán đảo này.
Đối với nhiều nhà phân tích phương Tây, chìa khóa để Ukraine đạt được mục tiêu trên là đột phá vào các tuyến đường tiếp viện nối Crimea với Nga ở Zaporizhzhia. Tuy nhiên, lực lượng Ukraine cuối cùng bị chia cắt thành 3 trục tấn công, trong đó có một trục ở xa về phía bắc như thành phố Bakhmut ở Donetsk, nơi Ukraine phải tăng cường phòng thủ sau khi Nga tung quân tấn công vào tháng 10.
Nỗ lực phòng thủ nhiều lớp của Nga
Thời điểm Ukraine mở chiến dịch phản công đóng một vai trò quan trọng, vì cho phép Nga có thời gian củng cố tiền tuyến, đặc biệt là ở Zaporizhzhia.
Ukraine đã phải trì hoãn nhiều tháng trước khi bắt đầu chiến dịch phản công. Kiev đã huấn luyện binh sĩ, tập kết vũ khí do phương Tây viện trợ và lên kế hoạch chiến lược. Trong suốt giai đoạn quan trọng này, Nga đã có thời gian dựng chiến hào, đặt mìn dọc các khu vực chiến lược trên tiền tuyến.
Bắt đầu từ cuối năm 2022, các lực lượng Nga, dưới sự chỉ đạo của Tướng Sergey Surovikin, đã bắt đầu xây dựng các hệ thống phòng thủ. Moscow có nhiều thời gian cũng như nguồn lực để xây dựng các hệ thống phòng thủ nhiều lớp bao gồm các bãi mìn rộng lớn, hào chống tăng, răng rồng, bẫy mìn.
Dựa trên thông tin tình báo được thu thập từ hình ảnh vệ tinh, nhà phân tích Brady Africk tại Viện American Enterprise Institute đã chỉ ra một chiến lược phòng thủ mạnh mẽ của Nga.
Chuyên gia Africk mô tả các công sự của Nga giữa tiền tuyến và thành phố Tokmak là dày đặc và nhiều lớp, có mương chống tăng, chướng ngại vật, vị trí chiến đấu và mìn được bố trí một cách chiến lược trong hàng cây và dọc theo các con đường trọng điểm dẫn tới khu vực phía nam do Nga kiểm soát.
Ngoài ra, địa hình bằng phẳng, rộng mở trong khu vực khiến Ukraine càng khó dịch chuyển lực lượng với bất kỳ yếu tố bất ngờ nào.
Tiến độ chậm chạp
Theo chuyên gia Africk, tiến bộ phản công chậm của quân đội Ukraine đã cho thấy mật độ dày đặc của các công sự do Nga bố trí trong khu vực cũng như các nguồn lực hạn chế mà Ukraine có thể sử dụng. Sau 6 tháng giao tranh ác liệt, Ukraine chỉ tiến được 7,5km và đến được làng Robotyne.
Các tuyến phòng thủ kiên cố của Nga là một trong những thách thức lớn nhất ngăn cản Ukraine giành lại những vùng lãnh thổ rộng lớn do Moscow kiểm soát. Nga đã xây dựng và duy trì các hệ thống phòng thủ vững chắc với lực lượng đủ mạnh để ngăn chặn các phòng tuyến sụp đổ.
Tuyến phòng thủ của Nga bao gồm nhiều lớp hàng rào được thiết kế để cản trở xe tăng, trong khi mạng lưới chiến hào và đường hầm phức tạp cũng như các khẩu đội pháo, xe tăng và sở chỉ huy được ngụy trang một cách chiến lược.
Chiến lược phòng thủ nhiều mặt này đã tạo ra một thách thức lớn cho các lực lượng Ukraine khi tìm cách chọc thủng phòng tuyến. Ngoài ra, pháo binh Nga cũng liên tục được triển khai để hỗ trợ hệ thống phòng thủ.
Khi Nga đối phó với cuộc phản công của Ukraine, lực lượng Moscow cũng sử dụng chiến thuật phòng thủ linh hoạt. Nga đã rút khỏi các vùng lãnh thổ, sau đó phản công mạnh khi quân Ukraine tiến lên và dễ bị tổn thương.
Bãi mìn dày đặc được giám sát liên tục
Trước các vị trí đóng quân dọc mặt trận, các lực lượng Nga đã bố trí tuyến phòng thủ đầu tiên đáng gờm gồm một lớp dày đặc mìn sát thương và mìn chống tăng.
Việc mở lối đi qua các bãi mìn của Nga đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất trong chiến dịch phản công của Ukraine, cả về thời gian, nhân lực và máy móc.
Ukraine đã sử dụng các phương tiện rà phá bom mìn, các đoàn xe tăng, phương tiện bọc thép của phương Tây để vượt qua địa hình nguy hiểm.
Tuy nhiên, các hoạt động của quân đội Ukraine nhằm dọn đường xuyên qua các bãi mìn diễn ra dưới sự giám sát chặt chẽ của các máy bay không người lái giám sát do các đơn vị máy bay không người lái chuyên dụng mới của Nga vận hành.
Những máy bay không người lái này giám sát tỉ mỉ các phương tiện rà phá bom mìn của Ukraine, cung cấp thông tin về các phương tiện này và báo cho lực lượng pháo binh cũng như trực thăng tấn công của Nga. Khả năng quang học ngày càng hiện đại trên máy bay không người lái cũng đồng nghĩa với việc chúng có thể nhìn xuyên qua các kỹ thuật ngụy trang truyền thống như màn khói.
Khi xe tăng và phương tiện rà phá bom mìn phía trước bị nhắm mục tiêu và phá hủy, các đội quân tấn công của Ukraine ở phía sau sẽ bị mắc kẹt trong vùng "hủy diệt" của pháo binh Nga. Nếu các phương tiện của Ukraine di chuyển xung quanh, chúng tiếp tục vấp phải mìn.
Cuối cùng, việc rà phá bom mìn được lực lượng Ukraine giao cho các đơn vị nhỏ hơn, di chuyển chậm hơn, thay vì triển khai các nhóm tấn công lớn hơn, để giảm thiểu nguy cơ tổn thất.
Mặc dù đạt được ít đột phá trên tiền tuyến, nhưng cuộc phản công của Ukraine cũng giành được một số thành tựu khiêm tốn. Tuy vậy, mục đích cuối cùng của Ukraine là giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát vẫn chưa đạt được. Ngoài ra, Kiev vẫn cố gắng đảm bảo có thêm nguồn viện trợ vũ khí từ phương Tây khi xung đột kéo dài.
Một chỉ huy quân sự cấp cao Ukraine cho biết, lực lượng tiền tuyến đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn pháo và đã thu hẹp một số hoạt động quân sự do thiếu viện trợ từ nước ngoài.
Theo Reuters, Business Insider, Newsweek