Tàu sân bay thứ hai của Mỹ có mặt tại Trung Đông
(Dân trí) - Một tàu sân bay thứ hai của Mỹ đã đến Trung Đông, nơi các lực lượng của Washington đang tiến hành các cuộc không kích gần như hàng ngày nhằm vào nhóm quân sự Houthi ở Yemen.

Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ (Ảnh: Getty).
Theo đó, tàu sân bay USS Carl Vinson - được trang bị máy bay chiến đấu tàng hình F-35C - đang hoạt động cùng với tàu sân bay USS Harry S. Truman trong khu vực, Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM) cho biết trong một bài đăng trên X, trong đó có hình ảnh về hoạt động máy bay cất cánh từ hai tàu sân bay này.
Tuần trước, Lầu Năm Góc đã thông báo sẽ tăng số lượng tàu sân bay của Mỹ ở Trung Đông, sau khi phát động đợt không kích mới nhất chống lại Houthi mà Washington cáo buộc được Iran hậu thuẫn hồi tháng 3, nhằm chấm dứt mối đe dọa mà nhóm quân sự này gây ra đối với tàu dân sự và tàu quân sự trong khu vực.
Trước đó, Mỹ đã điều 6 trong số 20 máy bay ném bom chiến lược B2 trong biên chế của không quân nước này, tới căn cứ quân sự trên đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Iran.
Được biết, B-2 được trang bị để mang theo bom xuyên phá nặng hơn 13 tấn của Mỹ, được thiết kế để phá hủy các mục tiêu sâu dưới lòng đất. Đó là vũ khí mà các chuyên gia cho rằng có thể được sử dụng để tấn công chương trình hạt nhân của Iran.
Trong khi đó, theo các nguồn tin, Mỹ và Iran chuẩn bị đàm phán hạt nhân vào ngày 12/4.
Ngay trước vòng đàm phán quan trọng, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng nước này tiếp tục cảnh báo về một hành động quân sự với Iran, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận. Ngoài ra, Mỹ cũng áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới lên quốc gia này.
"Nếu các cuộc đàm phán không thành công với Iran, tôi nghĩ Iran sẽ gặp nguy hiểm lớn", ông Trump nói hôm 7/4.
Tổng thống Trump, người tự gọi là một nhà đàm phán khéo léo, đang hy vọng đạt được một thỏa thuận ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân, vốn là mục tiêu hàng đầu của Washington và các đồng minh trong nhiều năm.
Trong khi đó, Iran, quốc gia đang chịu tổn thất về kinh tế và suy yếu về mặt chiến lược, muốn được nới lỏng lệnh trừng phạt và tránh đối đầu với một cường quốc quân sự lớn hơn nhiều.