1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Thách thức Trung Quốc tại đá Chữ Thập và thông điệp của Mỹ

(Dân trí) - Việc Mỹ hôm 10/5 điều chiến hạm áp sát khu vực 12 hải lý quanh đá Chữ Thập, thay vì đá Vành Khăn để thách thức Trung Quốc là hành động có tính toán, thể hiện quyết tâm của Washington trong vấn đề Biển Đông, nhưng đồng thời không đẩy căng thẳng lên quá cao.

Chiến hạm USS William P. Lawrence của Hải quân Mỹ. (Ảnh: MOD)
Chiến hạm USS William P. Lawrence của Hải quân Mỹ. (Ảnh: MOD)

Chuyến đi áp sát đá Chữ Thập của chiến hạm USS William P. Lawrence hôm 10/5 là chiến dịch thực thi tự do đi lại (FONOP) lần thứ 3 được Hải quân Mỹ chiển khai tại Biển Đông, nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trong khu vực.

Theo các chuyên gia Zack Cooper và Bonnie S. Glaser tại Trung tâm Quốc tế học và Chiến lược (CSIS), trong vài tuần qua, nhiều quan chức Mỹ tại Washington đã trông đợi một chiến dịch như vậy.

Lần gần đây nhất Hải quân Mỹ triển khai FONOP trên Biển Đông đã là hơn 3 tháng trước, và một quan chức quân đội Mỹ từng cam kết thực hiện 2 chiến dịch như vậy mỗi quý. Từng có những tin tức cho rằng một FONOP đã bị rời ngày hồi tháng trước mà không rõ nguyên nhân, do đó một chiến dịch có vẻ đã diễn ra muộn hơn so với cam kết 2 lần/quý.

Điều khiến giới quan sát ngạc nhiên với FONOP vừa qua là việc Mỹ đã chọn đá Chữ Thập để áp sát vùng biển 12 hải lý. Ở cả hai FONOP trước đó, chiến hạm Mỹ chỉ thực hiện một chuyến đi qua vô hại bởi các chiến dịch chỉ nhắm vào các cấu trúc được phép có vùng biển chủ quyền theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).

FONOP đầu tiên được Mỹ thực hiện gần đá Xu-bi, một cấu trúc nằm dưới mặt nước biển ở mực triều cao, nhưng do nằm trong vùng biển 12 hải lý của một cấu trúc khác nên chính sự gần kề đó giúp đá Xu-bi có vùng biển chủ quyền.

FONOP lần hai diễn ra gần đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa, một kết cấu nằm trên mực triều cao, nên được quyền có vùng biển chủ quyền theo UNCLOS. Do đó, các chiến hạm Mỹ đã đi qua “vô hại” gần những kết cấu này mà không chuyển hướng hoặc thực hiện các hoạt động quân sự.

Trong chiến dịch ngày 10/5 gần đá Chữ Thập, tàu William P. Lawrence cũng có những hoạt động tương tự như hai chiến dịch trước, khi đi qua vô hại trong vùng biển 12 hải lý quanh kết cấu này. Trung Quốc đã điều 2 chiến đấu cơ J-1 và một máy bay cảnh báo sớm Y-8, một tàu khu trục và 2 tàu hộ vệ để theo dõi chiến hạm Mỹ.

Một số chuyên gia trông đợi những động thái mạnh mẽ hơn thể hiện quyết tâm của Mỹ trong vấn đề Biển Đông từng hy vọng rằng, sau hai FONOP đầu tiên, Washington sẽ nhắm tới đá Vành Khăn, để cho thấy Mỹ không xem các kết cấu mực triều thấp là các bãi đá hoặc đảo, cho dù Trung Quốc đã bồi đắp và xây dựng nhiều công trình trên đó.

Đá Vành Khăn được tin là kết cấu mực triều thấp, có nghĩa là chỉ được phép có vùng biển an toàn không quá 500m, thay vì một vùng biển chủ quyền 12 hải lý. Mặc dù Trung Quốc đã bồi đắp một diện tích tới hơn 5 triệu m2 trên kết cấu này, để xây dựng đường băng và cảng biển, UNCLOS khẳng định rõ ràng rằng các đảo hay bãi đá phải “được hình thành một cách tự nhiên”. Do đó, Mỹ hoàn toàn có quyền áp sát vùng biển 12 hải lý quanh đá Vành Khăn và thực hiện các hoạt động quân sự. Một hành động như vậy sẽ cho Bắc Kinh thấy Washington không thay đổi các chiến dịch của mình chỉ vì hoạt động bồi lấn, xây dựng đảo phi pháp của Bắc Kinh.

Toan tính của Washington

Điều này dẫn tới một câu hỏi quan trọng mà nhiều chuyên gia đang muốn tìm câu trả lời: Vì sao Washington không chọn đá Vành Khăn mà chọn đá Chữ Thập? Hiện có 2 giả thuyết được đưa ra, để lí giải vì sao Mỹ một lần nữa tránh thực hiện một chiến dịch như vậy.

Máy bay vận tải quân sự Y-8 của Trung Quốc đáp xuống đường băng trên đá Chữ Thập. (Ảnh: Mil.cn)
Máy bay vận tải quân sự Y-8 của Trung Quốc đáp xuống đường băng trên đá Chữ Thập. (Ảnh: Mil.cn)

Một số chuyên gia cho rằng Nhà Trắng đơn giản muốn tránh rủi ro, và cố gắng không để xảy ra một cuộc khủng hoảng với Trung Quốc trong năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Các chuyên gia ủng hộ giả thuyết này cho rằng những chuyến đi qua vô hại ít mang tính leo thang căng thẳng, và do đó không chọn đá Vành Khăn, bởi nếu tàu chiến Mỹ áp sát cấu trúc nằm dưới mực triều thấp này, họ sẽ cần thực hiện các hoạt động quân sự khi đi qua kết cấu này.

Do Washington đã thách thức Trung Quốc tại đá Xubi, nơi Trung Quốc cũng đã xây dựng một đường băng, triển khai FONOP gần đá Chữ Thập là lựa chọn logic tiếp theo một khi đá Vành Khăn đã bị loại trừ.

Một cách lí giải khác đó là Nhà Trắng có lẽ đang đợi tới sau khi có phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) trong vụ Philippines kiện các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, trước khi triển khai FONOP trong khu vực 12 hải lý quanh đá Vành Khăn.

Nhiều khả năng PCA sẽ đưa ra phán quyết rằng đá Vành Khăn là một kết cấu mực triều thấp, không phải một hòn đảo hay bãi đá. Điều này sẽ khiến Trung Quốc đuối lý hơn khi tuyên bố FONOP do Mỹ thực thi, bao gồm các hoạt động quân sự gần kết cấu này, là mang tính khiêu khích.

Do vậy, một số lãnh đạo Mỹ có thể tin rằng trì hoãn thực thi FONOP quanh đá Vành Khăn, tới khi có phán quyết của PCA, sẽ đảm bảo chắc chắn rằng Mỹ đang đứng về phía luật pháp quốc tế. Một chiến dịch như vậy sau phán quyết của PCA cũng là cơ hội để Mỹ củng cố quyết định của tòa.

Giới chức Mỹ có lẽ thấy việc trì hoãn FONOP tại đá Vành Khăn tới sau phán quyết của tòa là hợp lý, bởi Nhà Trắng sẽ tránh được việc bị xem là không sẵn sàng chấp nhận rủi ro để bảo vệ trật tự thế giới hiện hữu. Điều quan trọng là Mỹ phải tiếp tục thực thi những cam kết của mình trong việc triển khai các FONOP để khiến những chiến dịch đó trở thành hoạt động bình thường, thay vì những quyết định chính trị hệ trọng. Ngoài ra, nếu Mỹ không thách thức các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc, rất khó để các quốc gia nhỏ hơn làm việc đó.

Thanh Tùng

Theo National Interest