Thách thức lớn của phương Tây trước cuộc chiến Nga - Ukraine
(Dân trí) - Cuộc xung đột Nga - Ukraine đang khiến các nước châu Âu phải nhìn nhận lại về vị thế của họ trên trường quốc tế.
Xung đột ở Ukraine đang tạo ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Nhưng trái ngược với sự đối đầu thời Liên Xô, trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới này, người ta vẫn chưa rõ ranh giới giữa các phe phái.
Các phác thảo về cuộc Chiến tranh Lạnh này xuất hiện vào khoảng thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 6/2022 tại Madrid, Tây Ban Nha.
Các thành viên của liên minh quân sự đã thể hiện sự thống nhất và quyết tâm đáng kể khi quyết định cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, tăng chi tiêu quốc phòng, tăng cường triển khai quân sự ở Đông Âu và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc đối với Nga.
Mặc dù vậy, họ cần phải đối mặt với thực tế rằng: phương Tây đã mất vị thế ở châu Phi, châu Mỹ Latinh và Trung Đông. Các nước phương Tây chắn chắn sẽ phải đấu tranh rất nhiều để thuyết phục các quốc gia ở những khu vực này đứng về phía họ trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Trên toàn cầu, khoảng 2/3 số quốc gia ủng hộ Ukraine. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ sẵn sàng ủng hộ các biện pháp trừng phạt, hoặc thậm chí là các tuyên bố đa phương lên án Nga.
Chẳng hạn như các quốc gia BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã mời 12 quốc gia khác tham dự hội nghị thượng đỉnh gần đây. Tại đây, Bắc Kinh đã kêu gọi cả nhóm đoàn kết cùng nhau trong mọi vấn đề.
Ba thách thức lớn
Trong bối cảnh đó, liên minh phương Tây hiện phải đối mặt với 3 thách thức lớn sẽ định hình cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Những thách thức ngày càng tăng này liên quan đến: các liên minh bên ngoài, sự thống nhất của Liên minh châu Âu (EU) và quyền lực của nhân dân.
Trong cả ba lĩnh vực, các chính phủ phương Tây đóng một vai trò khác biệt rõ rệt so với các đối tác ở những nơi khác trên thế giới.
Thứ nhất là liên minh bên ngoài. Nhiều quốc gia ở châu Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á vẫn bị tổn thương bởi chủ nghĩa thực dân và cảnh giác với những gì họ coi là tiêu chuẩn kép trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Sự can thiệp quân sự do NATO dẫn đầu vào Libya chỉ làm gia tăng mối lo ngại của một số nước này về liên minh phương Tây, cũng như việc Mỹ rút quân khỏi Iraq và Afghanistan, để lại đống đổ nát của các dự án cải cách còn dang dở.
Tuy nhiên, điều này không nhất thiết có nghĩa là các quốc gia này có thêm niềm tin vào Nga, Trung Quốc hoặc Thổ Nhĩ Kỳ.
Hầu hết các quốc gia châu Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á ít quan tâm đến nỗ lực của phương Tây trong việc duy trì trật tự dựa trên quy tắc mà chủ yếu là chú trọng vào các mối quan hệ giao dịch có thể giúp họ giải quyết các vấn đề trong nước.
Năng lượng giá rẻ Nga, các khoản vay và dự án cơ sở hạ tầng có thể tiếp cận từ Trung Quốc có thể hấp dẫn hơn nhiều so với những gì phương Tây cung cấp. Do đó, EU phải cân nhắc cách tiếp cận lớn hơn của khối trên trường quốc tế và tìm cách đưa ra những giải pháp thay thế hữu hình cho các chiến lược của Moscow và Bắc Kinh.
Để đảm bảo vị thế địa chính trị của mình, EU phải thiết lập các liên kết chặt chẽ với các thị trường mới nổi, đầu tư ở quy mô đáng kể vào các khu vực tư nhân tại địa phương và cho phép họ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc tập trung vào các ngành như năng lượng, nền kinh tế xanh và cơ sở hạ tầng thông minh cũng sẽ giúp EU đưa ra cam kết hướng tới tương lai và tương lai với các nước đối tác.
Đây là điều mà Trung Quốc đang thiếu. Việc huy động các quỹ thực tế có thể sánh ngang với Sáng kiến Vành đai-Con đường của Trung Quốc. Việc triển khai theo một cách chiến lược khắp châu Phi và châu Á là một thách thức, vì nó đòi hỏi sự đồng thuận cao giữa các nước thành viên EU.
Tuy nhiên, chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng mang tên "Sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu" của EU nhằm huy động tới 300 tỷ euro cho các dự án đầu tư trong thời gian từ 2021-2027, nếu được triển khai nhanh chóng và hiệu quả sẽ là một dự án có ý nghĩa địa chính trị quan trọng cho vị thế EU trên toàn thế giới.
Thứ hai là về sự thống nhất của EU. Các tuyên bố gần đây của nhiều nhà lãnh đạo EU và NATO cho thấy có sự khác biệt đáng kể giữa họ về vấn đề đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.
NATO thực sự đang đau đầu với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một liên minh hoạt động theo cơ chế đồng thuận, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thường xuyên có những quyết định đi ngược lại số đông.
Và tại thời điểm NATO đang dốc sức ứng phó Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine, họ lại đang bế tắc trước sự lực cản từ Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi Mỹ và nhiều nước EU có thể thường phớt lờ vấn đề này, vẫn có nguy cơ rằng chủ nghĩa xét lại của Thổ Nhĩ Kỳ có thể đe dọa sự thống nhất của liên minh phương Tây.
EU cần thừa nhận, sự quyết đoán trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ là một thách thức đối với sự ổn định của khu vực, và liên minh phải điều chỉnh chính sách Thổ Nhĩ Kỳ cho phù hợp.
Thông qua khuôn khổ quan hệ giao dịch và phát triển một số quan hệ phụ thuộc lẫn nhau trong một số vấn đề song phương sẽ là bước đầu tiên nhưng quan trọng là về mặt chính trị, để có thể tăng cường sức mạnh đàm phán của EU với quốc gia này.
Và thứ ba là nhiều nước phương Tây sẽ sớm tổ chức bầu cử trong thời gian tới và khi đó quyền lực của nhân dân sẽ được phát huy.
Nhiều cử tri muốn hỗ trợ Ukraine, nhưng họ cũng mệt mỏi với các vấn đề kinh tế và sức khỏe cộng đồng kéo dài, cũng như cảm giác bất an phổ biến ở châu lục. Tất cả những điều này có thể ảnh hưởng đến thái độ của người dân đối với cuộc Chiến tranh Lạnh mới và sự đoàn kết trong liên minh phương Tây.
Tình hình có thể xấu đi vào mùa đông này, khi giá năng lượng tiếp tục tăng cao đe dọa gây bất ổn chính trị và căng thẳng xã hội.
Không rõ liệu trong những kịch bản này, người dân có tiếp tục ủng hộ việc tăng chi tiêu quốc phòng và duy trì quan điểm cứng rắn với Nga hay không.