Thả 3 tù nhân Mỹ, Triều Tiên dỡ rào cản cuối cùng trước thượng đỉnh lịch sử
(Dân trí) - Việc Triều Tiên bất ngờ đồng ý trả tự do cho 3 công dân Mỹ đã thể hiện thiện chí của Bình Nhưỡng trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước trong vài tuần tới.
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo 3 công dân Mỹ, gồm Kim Hak-song, Kim Dong-chul và Kim Sang-duk (hay còn gọi là Tony Kim), từng bị Triều Tiên giam giữ tại các trại cải tạo lao động trong khoảng thời gian lên tới 2 năm đã được trả tự do và quay trở về Mỹ vào chiều qua 9/5.
Theo NBC, hai máy bay, trong đó một chiếc chở các công dân Mỹ hồi hương và một chiếc chở Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đã hạ cánh xuống Anchorage, bang Alaska trước khi tới căn cứ không quân Andrews vào chiều qua. AFP đưa tin Tổng thống Trump rất “háo hức” về việc này.
“Tôi vui mừng thông báo rằng Ngoại trưởng Pompeo đã lên máy bay và đang trên đường từ Triều Tiên trở về với 3 người đàn ông tuyệt vời mà tất cả mọi người đều chờ đợi được gặp. Sức khỏe của họ dường như vẫn tốt”, ông Trump viết tiếp.
Trên đường từ Triều Tiên về nước, Ngoại trưởng Pompeo cho biết “3 công dân Mỹ vẫn đang ở trong tình trạng sức khỏe tốt và cả 3 đều có thể đi lại trên máy bay mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào”. Theo lời một quan chức Mỹ, một quan chức Triều Tiên đã tới khách sạn Koryo vào lúc 19h và thông báo nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã quyết định “ân xá” cho 3 công dân Mỹ. Quan chức Triều Tiên cũng nhắc nhở Ngoại trưởng Pompeo phải đảm bảo rằng những người được thả sẽ “không tái phạm” những lỗi lầm tương tự như trước đây.
Dỡ bỏ rào cản
Theo New York Times, việc Triều Tiên trả tự do cho các tù nhân Mỹ, trong đó cả 3 đều là người Mỹ gốc Hàn, được xem là động thái rõ rệt nhất của Bình Nhưỡng nhằm cải thiện quan hệ song phương với Mỹ kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền hồi tháng 1 năm ngoái. Hành động này dường như đã gạt bỏ đi rào cản cuối cùng trước khi Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử, dự kiến vào cuối tháng này hoặc đầu tháng sau.
Giải quyết sự bế tắc trong vấn đề giam giữ tù nhân vẫn chưa thể đảm bảo chắc chắn mức độ thành công của hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều, trong đó dự kiến đề cập tới một loạt vấn đề thậm chí còn phức tạp hơn nhiều như kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên hay sự chia rẽ trên bán đảo Triều Tiên và an ninh khu vực châu Á. Tuy nhiên, giới chức Mỹ nhận định động thái thả người của Triều Tiên đã phát đi một tín hiệu cho thấy nước này thực sự nghiêm túc về việc chấm dứt mối quan hệ đối đầu căng thẳng với Mỹ và các đồng minh của Washington trong suốt gần 7 thập niên qua.
Tổng thống Trump rất hoan hỉ với quyết định thả người của Triều Tiên. Thậm chí, nhà lãnh đạo Mỹ còn công khai nói đùa rằng ông xứng đáng nhận giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực ngoại giao của mình. Có thể thấy rõ sự hào hứng của Tổng thống Trump khi ông đích thân đáp máy bay từ Nhà Trắng tới căn cứ không quân Andrews ở ngoại ô thủ đô Washington ngay trong đêm để đón 3 công dân Mỹ về nước. Đây là điều mà các tổng thống tiền nhiệm thường không làm nếu họ ở trong hoàn cảnh tương tự.
“Không ai nghĩ rằng chuyện này sẽ xảy ra, và nếu có xảy ra đi chăng nữa thì cũng phải mất nhiều năm nhiều nhiều thập niên nữa, thẳng thắn mà nói là như vậy. Tôi trân trọng ông Kim Jong-un vì đã làm điều này và cho phép họ về nước”, ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngay sau khi phía Triều Tiên thả người.
Thiện chí của Triều Tiên
Mỹ từ lâu đã yêu cầu Triều Tiên phải thả 3 công dân của nước này - những người bị cáo buộc với các tội danh làm gián điệp hoặc có “hành động thù địch” chống phá Triều Tiên. Hai trong số họ bị bắt sau khi ông Trump nhận nhiệm sở.
“Đối với Tổng thống Trump, động thái thả người càng củng cố thêm lập trường của ông rằng chỉ có ông mới đủ khả năng đàm phán hiệu quả với Triều Tiên. Còn đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, việc thả người giúp ông nới lỏng chiến dịch gây sức ép tối đa (từ Mỹ), được cho là đã lên đến đỉnh điểm, đồng thời nâng tầm giá trị và kéo dài thời gian cho quá trình phi hạt nhân hóa”, Evan S. Medeiros, cựu cố vấn cấp cao về châu Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhận định.
Ông Kim Dong Chul là nhà truyền giáo người Mỹ gốc Hàn, bị Triều Tiên bắt giữ tại Khu Kinh tế Rajin-Sonbong từ ngày 2/10/2015 với cáo buộc làm gián điệp cho Hàn Quốc. Ông Kim Sang Duk bị bắt vào ngày 21/4/2017 vì các “hành vi thù địch” chống đối chính quyền Triều Tiên, song không rõ hành vi cụ thể là gì. Ông Kim Hak-song, người Mỹ gốc Hàn, cũng bị Triều Tiên bắt giữ vào ngày 7/5/2017 vì bị cáo buộc có “các hành vi thù địch”.
Việc công dân Mỹ bị giam giữ tại Triều Tiên là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ song phương. Otto Warmbier, sinh viên Đại học Virginia, đã qua đời hồi tháng 6 năm ngoái, không lâu sau khi được Triều Tiên thả về trong tình trạng hôn mê. Trước đó, Triều Tiên đã giam giữ công dân Mỹ này trong 17 tháng với cáo buộc đánh cắp một biểu ngữ tuyên truyền khi tới Triều Tiên du lịch. Cha mẹ của Warmbier gần đây đã đệ đơn kiện, cáo buộc Triều Tiên bắt cóc và sát hại con trai họ.
Theo nhà nghiên cứu cấp cao Lee Byong-chul tại Viện nghiên cứu Hòa bình và Hợp tác ở Seoul, việc Triều Tiên đồng ý thả 3 công dân Mỹ “thể hiện thiện chí tốt đẹp” của Bình Nhưỡng và là tín hiệu tích cực trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Chuyên gia Lee nhận định động thái này của Triều Tiên đã “cho thấy tinh thần sẵn sàng đàm phán và thỏa hiệp” và là cú ghi điểm “về chính trị” cho Tổng thống Trump – nhà lãnh đạo đang vướng vào các vụ lùm xùm trong nước.
Là người từng dành nhiều thập niên đàm phán với Triều Tiên về vấn đề thả con tin, cựu Thống đốc bang New Mexico Bill Richardson cho rằng việc 3 công dân được thả về nước là một phần trong tiến trình đàm phán sâu rộng hơn giữa Mỹ và Triều Tiên.
“Tôi tin rằng Mỹ đã đặt điều kiện tiên quyết buộc Triều Tiên phải thả các con tin Mỹ trước khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh”, ông Richardson nói.
Theo Joseph DeTrani, cựu quan chức tình báo từng đàm phán với Triều Tiên, “việc thả 3 công dân Mỹ là tín hiệu tốt cho thấy Triều Tiên thực sự mong muốn một cuộc gặp tốt đẹp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cùng với đó là một giải pháp hòa bình cho vấn đề hạt nhân và các vấn đề khác với Triều Tiên”.
Trong khi đó, Evans J. R. Revere, nhà ngoại giao chuyên về khu vực Đông Á từng công tác tại Bộ Ngoại giao Mỹ, tỏ ra hoài nghi về quyết định thả người của Triều Tiên vì cho rằng Bình Nhưỡng từng có “lịch sử” bắt giữ và bỏ tù các công dân Mỹ trước khi sử dụng họ làm “quân bài” mặc cả.
“Tôi không khen ngợi Triều Tiên khi họ quyết định thay đổi điều mà lẽ ra họ không nên làm ngay từ đầu”, ông Revere cho biết.
Thành Đạt
Theo Vox, NYT