Tên lửa Trung Quốc có thể rơi xuống Trái Đất sáng nay
(Dân trí) - Các trung tâm theo dõi của châu Âu và Mỹ cho biết mảnh vỡ của tên lửa lớn nhất Trung Quốc được phóng vào tuần trước sẽ trở lại bầu khí quyển vào đêm 8/5 hoặc sáng 9/5.
Theo Reuters, Cơ quan Giám sát và Theo dõi Không gian của Liên minh Châu Âu (EU SST) dự báo lõi tên lửa Trường Chinh 5B sẽ quay trở lại Trái Đất trong khoảng thời gian dao động 139 phút trước và sau 2h32 sáng 9/5 theo giờ quốc tế (9h32 sáng 9/5 theo giờ Việt Nam).
Trong khi đó, Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ dự báo thời điểm tên lửa Trung Quốc rơi xuống Trái Đất sẽ vào lúc 2h04 sáng 9/5 theo giờ quốc tế, với thời gian dao động khoảng 1 giờ.
Trung tâm Nghiên cứu mảnh vỡ trở lại quỹ đạo (CORDS) thuộc tập đoàn Aerospace Corporation, một trung tâm nghiên cứu và phát triển không gian do chính phủ Mỹ tài trợ, cũng đưa ra dự đoán về thời điểm tên lửa rơi vào lúc 03h30 sáng nay theo giờ quốc tế, với chênh lệch khoảng 4 giờ.
EU SST nhận định xác suất mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc rơi xuống khu vực đông dân cư là "thấp", nhưng cũng lưu ý rằng bản chất không kiểm soát của vật thể này khiến mọi kịch bản dự đoán đều không chắc chắn.
Sử dụng dữ liệu do Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ thu thập, hãng Space-Track từng dự đoán các mảnh vỡ của tên lửa Trung Quốc sẽ rơi xuống Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, Space-Track ngày 8/5 cho biết dự đoán về vị trí tên lửa rơi phần lớn không chắc chắn cho đến thời điểm chỉ còn vài giờ trước khi vụ việc xảy ra.
Nhà thiên văn học Jonathan McDowell tại Đại học Harvard dự đoán mảnh vỡ của tên lửa Trung Quốc có khả năng rơi xuống đất liền, có thể là khu vực đông dân cư, như vào tháng 5/2020, khi các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B đầu tiên rơi xuống Bờ Biển Ngà, làm hư hại một số các tòa nhà nhưng may mắn không gây ra thương tích.
Tên lửa Trường Chinh 5B (Long March 5B) của Trung Quốc đã phóng mô-đun trạm vũ trụ đầu tiên lên quỹ đạo hôm 28/4. Việc phóng mô-đun này là một phần trong kế hoạch hoàn thành thiết lập trạm vũ trụ của Trung Quốc. Do bay với quỹ đạo thấp nên phần lõi của tên lửa nặng 22 tấn sẽ dần dần rơi trở lại Trái Đất một cách mất kiểm soát.
New York Times dẫn một số nguồn tin cho biết, lõi tên lửa Trường Chinh 5B của Trung Quốc đang quay trở lại Trái Đất không kiểm soát và có thể rơi xuống miền bắc Sudan trong khoảng thời gian từ 8-10/5. Ngay lập tức, chính quyền miền bắc Sudan đã triệu tập các cuộc họp khẩn để bàn về các kế hoạch ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp mảnh vỡ tên lửa rơi xuống lãnh thổ của họ.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu dự đoán "khu vực có nguy cơ" trúng mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc nằm trên bề mặt Trái Đất từ 41,5 độ vĩ Bắc đến 41,5 độ vĩ Nam, bao gồm gần như toàn bộ châu Mỹ ở phía nam New York, toàn bộ châu Phi, Australia, một phần châu Á ở phía nam Nhật Bản, và một số nước châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Hy Lạp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định phần lớn tên lửa sẽ cháy và tự phá hủy trong quá trình trở lại bầu khí quyển và khả năng gây thiệt hại cho hoạt động hàng không và mặt đất là "cực thấp". Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết vẫn đang theo dõi sát sao đường di chuyển của mảnh vỡ tên lửa, nhưng không có kế hoạch bắn hạ.