1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ba Lan muốn được Mỹ chia sẻ vũ khí hạt nhân để đối phó mối đe dọa từ Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Ba Lan, quốc gia láng giềng với Nga, cho biết đang đàm phán với Mỹ về việc tham gia chương trình chia sẻ vũ khí hạt nhân, nhằm đối phó với mối đe dọa từ Moscow.

Ba Lan muốn được Mỹ chia sẻ vũ khí hạt nhân để đối phó mối đe dọa từ Nga - 1

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (Ảnh: Reuters).

Theo báo Gazeta Polska, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda ngày 5/10 cho hay, nước này đang đàm phán với Mỹ về việc tham gia chương trình chia sẻ vũ khí hạt nhân.

Ba Lan, quốc gia láng giềng với Nga, trong thời gian qua đã đẩy mạnh chi tiêu quân sự sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ cuối tháng 2.

Theo ông Duda, nỗ lực đàm phán hiện tại của Ba Lan nhằm đối phó với mối đe dọa đang gia tăng từ Nga.

Chia sẻ vũ khí hạt nhân là một khái niệm trong chính sách răn đe của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Chương trình này cho phép các nước thành viên không có vũ khí hạt nhân của liên minh quân sự tham gia vào kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân của NATO. 

"Vấn đề đầu tiên là Ba Lan không có vũ khí hạt nhân. Sẽ luôn có những cơ hội tiềm tàng để tham gia vào chương trình chia sẻ vũ khí hạt nhân. Chúng tôi đã trao đổi với các lãnh đạo Mỹ về việc liệu Washington có xem đây là một khả năng hay không. Chủ đề này vẫn mở", ông Duda cho hay.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh chưa có dấu hiệu nào trong tương lai gần cho thấy Ba Lan sẽ có sự hiện diện vũ khí hạt nhân.

Hồi đầu tháng trước, Thứ trưởng Quốc phòng Ba Lan Marcin Ociepa cảnh báo: "Chúng ta phải chuẩn bị bởi Ba Lan có thể rơi vào xung đột quân sự với Nga trong vòng 3-10 năm tới. Trong thời gian đó, chúng ta nên trang bị cho quân đội Ba Lan nhiều nhất có thể".

Hiện tình hình châu Âu đang căng thẳng khi cuộc đối đầu giữa Nga và NATO đang dồn dập leo thang. Một trong những diễn biến đáng chú ý nhất là Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine trong một nỗ lực ngăn liên minh quân sự mở rộng về phía Đông, điều mà Moscow cho rằng ảnh hưởng tới an ninh của họ. Nếu vũ khí hạt nhân Mỹ được đặt ở Ba Lan, quốc gia nằm ngay sát Nga, động thái này có thể kích hoạt một diễn biến phức tạp. 

Trong những tháng qua, NATO, trong đó có Ba Lan, đã tích cực viện trợ vũ khí cho Ukraine. Khối liên minh đồng thời cũng bật đèn xanh để kết nạp 2 quốc gia Bắc Âu nằm gần Nga là Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh. Các diễn biến trên khiến giới quan sát quan ngại căng thẳng Nga - NATO sẽ tiếp tục leo thang dồn dập hơn nữa.

Theo Bloomberg
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm