Tên lửa Nga tập kích, bắn cháy siêu tăng Abrams Mỹ ở Ukraine
(Dân trí) - Nga công bố video cho thấy xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất bị phá hủy gần thành phố Avdiivka.
Một đoạn video được Bộ Quốc phòng Nga chia sẻ hôm 28/4 cho thấy quân đội Nga phóng tên lửa dẫn đường chống tăng vào một mục tiêu chưa xác định, dẫn đến một vụ nổ. Kíp vận hành hệ thống chống tăng sau đó tiếp tục khai hỏa, dẫn đến một vụ nổ khác.
Một đoạn video khác, dường như được quay từ máy bay không người lái, cho thấy xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất bị bắn trúng, với một cột lửa lớn ngay lập tức phun ra từ nóc xe.
3 thành viên tổ lái người Ukraine được nhìn thấy thoát ra khỏi chiếc xe tăng đang bốc cháy và di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Kíp lái của Abrams thường gồm 4 người và không rõ chuyện gì đã xảy ra với thành viên còn lại.
Những hình ảnh được Bộ Quốc phòng Nga chia sẻ cho thấy xe tăng Abrams không thể hoạt động do trúng tên lửa và khoang dành cho tổ lái bị đốt cháy hoàn toàn. Vụ tấn công xảy ra gần thành phố Avdiivka ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine.
Mỹ đã gửi cho Ukraine tổng cộng 31 xe tăng M1 Abrams. Theo New York Times, tính đến cuối tháng 4, Moscow đã hạ ít nhất 5 chiếc Abrams, trong đó có 3 chiếc nữa "bị hư hỏng tương đối", hầu hết được cho là do máy bay không người lái cảm tử của Nga tấn công.
Theo AP, số xe tăng Abrams còn lại đã được bộ chỉ huy Ukraine kéo về hậu phương vì lo ngại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Nga.
Các quan chức Mỹ nhận định, máy bay không người lái giám sát và máy bay không người lái tấn công của Nga đã thay đổi đáng kể tình hình trên mặt đất, làm tăng nguy cơ bị phát hiện của các siêu tăng trên.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cũng cho rằng mối đe dọa từ máy bay không người lái không phải là vấn đề duy nhất mà Kiev gặp phải và Ukraine cần áp dụng các chiến thuật mới để giúp xe tăng Abrams hoạt động hiệu quả hơn trên chiến trường.
Mỹ đã tổ chức cho Ukraine khóa huấn luyện về vận hành xe tăng tại căn cứ Quân đội Grafenwoehr ở Đức vào mùa xuân năm 2023. Khóa này bao gồm huấn luyện cách sử dụng xe Abrams trong cuộc chiến vũ trang tổng hợp.
Tuy nhiên, theo các quan chức Mỹ, kể từ mùa xuân năm ngoái, lực lượng Ukraine chỉ sử dụng hạn chế xe tăng Abrams và không tận dụng được các tính năng của xe.
Theo Washington Post, quân nhân Nga và Ukraine giờ đây rất khó di chuyển trên tiền tuyến mà không bị phát hiện và tấn công. Lý do chính dẫn tới tình trạng này chính là cả 2 bên triển khai máy bay không người lái dày đặc để theo dõi đường đi nước bước của phía còn lại và sẵn sàng tấn công.
Abrams được đánh giá là một trong những loại xe tăng tốt nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, phiên bản viện trợ cho Ukraine không được trang bị những loại giáp hiện đại như bản của quân đội Mỹ, khiến chúng có nguy cơ tổn thương cao hơn.
Gustav Gressel, một chuyên gia quân sự tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR) có trụ sở tại Đức, cho rằng, khi các máy bay không người lái ngày càng trở nên tiên tiến, lớp giáp bảo vệ truyền thống của Abrams có thể không đủ để chống chọi các cuộc tấn công chính xác, khiến nguy cơ các siêu tăng bị phá hủy tăng cao.