Tên lửa "Địa ngục" của Mỹ lại gửi nhầm cho Serbia
(Dân trí) - Giới chức Serbia đang tiến hành điều tra thông tin về việc xuất hiện 2 tên lửa Hellfire (Địa ngục) trên chuyến bay của hãng hàng không nước này, trong khi đáng lẽ điểm đến của chúng là Portland ở Mỹ.
Hãng tin Tanjug hôm qua 13/3 cho biết, Air Serbia, hãng hàng không lớn nhất của Serbia, xác nhận rằng chó nghiệp vụ của họ đã phát hiện một kiện hàng bất thường trên một chuyến bay chở khách của hãng xuất phát từ Li-băng đến Serbia.
Trước đó, cùng ngày, truyền thông Serbia cho hay giới chức sân bay Belgrade Nikola Tesla đã phát hiện 2 tên lửa không đối đất được cho là AGM-114 Hellfire trên chuyến bay của Air Serbia. Mỗi tên lửa dài khoảng 1,5m và được đóng trong một thùng gỗ với thông tin chỉ dẫn chuyển đến Portland ở Oregon của Mỹ.
Người phát ngôn chi nhánh FBI tại Portland cho biết họ đã được thông báo về sự việc nói trên, nhưng hiện chưa đưa ra bất cứ bình luận nào khác. Trong khi đó, người phát ngôn của Lockheed Martin - đơn vị sản xuất tên lửa Hellfire nói rằng họ chưa hề hay biết về sự việc.
Chuyên gia quân sự Aleksander Radic cho biết thi thoảng vẫn có một số loại vũ khí được chuyển qua sân bay Nikola Tesla, nhưng chưa bao giờ nghe thấy việc vận chuyển bằng máy bay dân sự. Ông nói thêm rằng, giới chức sân bay đều phải kiểm tra hành lý hành khách trước khi đưa lên máy bay. Robert Caruso, một cựu nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc, cho rằng có thể tên lửa đã bị đánh cắp.
Như vậy, đây là vụ gửi nhầm thứ 2 liên quan đến tên lửa Hellfire của Mỹ. Trước đó, Thời báo phố Wall dẫn nguồn thạo tin hôm 8/1 cho biết, một tên lửa Hellfire của Mỹ đáng lẽ phải chuyển tới châu Âu để phục vụ công tác huấn luyện, nhưng rốt cuộc lại bị chuyển tới Cuba năm 2014. Với nỗ lực ngoại giao của Mỹ, cuối cùng Cuba đồng ý trao trả lại tên lửa này.
Hellfire là tên lửa không đối đất, thường được trang bị cho các trực thăng chiến đấu. Ban đầu, cách đây vài thập niên, loại tên lửa này được thiết kế làm vũ khí chống tăng, nhưng sau đó được nâng cấp trở thành một phần quan trọng trong hệ thống vũ khí chống khủng bố của chính phủ Mỹ. Tên lửa này thường được phóng đi từ máy bay không người lái Predator để thực hiện các cuộc tấn công ở nhiều quốc gia trong đó có Yemen và Pakistan.
Điều đặc biệt là, tên lửa này có thể được phóng đi ở bất cứ địa hình nào, trên bộ, trên biển hoặc trên không. Mỗi tên lửa có giá khoảng 110.000 USD.
Bộ Ngoại giao Mỹ tháng 6/2015 tuyên bố Mỹ có thể bán 1.000 tên lửa Hellfire cho Li-băng.
Minh Phương
Tổng hợp