Tàu vũ trụ Ấn Độ sắp vào quỹ đạo sao Hỏa
(Dân trí) - Ấn Độ sẽ đưa một tàu vũ trụ không người lái vào quỹ đạo quanh sao Hỏa vào tuần tới, trong một cuộc thử nghiệm quan trọng của dự án giá rẻ vốn mang theo những hi vọng của nước này nhằm gia nhập nhóm các nước đi đầu trong một cuộc đua vũ trụ toàn cầu.
Tàu Mangalyaan sẽ vào quỹ đạo sao Hỏa trong tuần tới.
Được phóng lên hồi tháng 11 năm ngoái, tàu vũ trụ không người lái của Ấn Độ, tên gọi Mangalyaan, đã trải qua hành trình khoảng 680 triệu km trong 300 ngày để để tới quỹ đạo "hành tinh Đỏ".
Nếu Mangalyaan có thể vào quỹ đạo quanh sao Hỏa vào ngày 24/9 tới, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên thành công ngay trong lần phóng đầu tiên. Các tàu thăm dò của châu Âu, Mỹ và Nga cũng đã vào quỹ đạo hoặc hạ cánh xuống bề mặt "hành tinh Đỏ", nhưng chỉ thành công sau vài lần thất bại.
Mangalyaan có nhiệm vụ nghiên cứu bề mặt sao hỏa và kết cấu khoáng chất, tìm kiếm khí mê-tan trong khí quyển, chất khí có liên hệ chặt chẽ với sự sống trên trái đất.
Một kết quả thành công cho sứ mệnh trị giá 74 triệu USD sẽ củng cố quyết tâm của Thủ tướng Narendra Modi nhằm xây dựng các cơ sở phóng vũ trụ mới, có khả năng phóng các vệ tinh nặng hơn, và đưa Ấn Độ trở thành một nước có sức nặng hơn trong thị trường công nghệ vũ trụ toàn cầu.
"Sự tin tưởng là rất cao", ông V. Koteswara Rao, thư ký khoa học tại Tổ chức nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cho biết. "Tất cả hoạt động được thực hiện cho tới nay đều thành công và mọi thông số đều bình thường".
ISRO đã đưa ra các mệnh để đưa con tàu tự động vào quỹ đạo quanh sao Hỏa vào sáng ngày 24/9.
Để làm được điều đó, đài kiểm soát dưới mặt đất cho tốc độ di chuyển của tàu giảm 22 km/giây xuống 4,3 km/giây.
Ấn Độ đã khởi động chương trình vũ trụ của mình 50 năm trước và phát triển công nghệ rocket riêng sau khi các cường quốc phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với vụ thử nghiệm hạt nhân năm 1974. Vào năm 2009, vệ tinh Chandrayaan của Ấn Độ đã tìm thấy bằng chứng của nước trên mặt trăng.
Mặc dù đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ láng giềng Trung Quốc, Ấn Độ vẫn tham vọng trở thành nhà cung cấp công nghệ vũ trụ giá rẻ và chiếm một phần lớn hơn trong thị trường vũ trụ trị giá trên 300 tỷ USD.
Ấn Độ cho tới nay đã phóng hơn 40 vệ tinh nước ngoài, nhiều trong số đó cho các quốc gia phát triển.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có lợi thế khi có thể đưa các vệ tinh nặng hơn vào quỹ đạo với các bệ phóng lớn hơn.
Thủ tướng Modi muốn thay đổi điều đó. Hồi tháng 6, ông Modi đã ca ngợi sứ mệnh sao Hỏa giá rẻ, nói rằng kinh phí cho chương trình thậm chí còn ít hơn kinh phí để làm bộ phim vũ trụ Gravity của Hollywood.
Một sứ mệnh hỏa Hỏa thành công sẽ đẩy mạnh vị thế của cơ quan vũ trụ nhà nước Ấn Độ trên toàn cầu.
Chi phí cho sứ mệnh Mangalyaan chỉ bằng 1/10 sứ mệnh sao hỏa Maven của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), vốn cũng sẽ cố gắng đi vào quỹ đạo quanh sao Hỏa vào ngày 21/9 tới.
Bất chấp những thành công gần đây, chương trình vũ trụ của Ấn Độ đã vấp phải sự chỉ trích trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á vẫn bị đánh giá thấp về các chỉ số xã hội cơ bản như đói nghèo.
An Bình
Theo AFP