1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tàu Trung Quốc bị nghi khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản

Thanh Thành

(Dân trí) - Nhật Bản đã phản ứng giận dữ sau khi một tàu Trung Quốc bị phát hiện dường như tiến hành khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Tokyo, ngoài khơi Okinawa mà không thông báo hay xin phép.

Tàu Trung Quốc bị nghi khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản - 1

Một tàu hải giám của Trung Quốc và một tàu tuần duyên Nhật Bản (Ảnh: Getty Images).

SCMP ngày 7/6 đưa tin, Lực lượng tuần duyên Nhật Bản đã xác định được con tàu mang tên Đông Phương Hồng 3 hoạt động trong vùng biển cách đảo Ishigaki của Nhật Bản 73km về phía bắc vào chiều 4/6.

Tàu của Trung Quốc chỉ cách quần đảo Điếu Ngư/Senkaku không có người ở khoảng 90km về phía nam, cách đảo Okinawa khoảng 400km về phía tây. 

Các nhà phân tích cho rằng, diễn biến lần này đánh dấu vụ việc mới nhất trong một loạt các động thái rõ ràng được lên kế hoạch của Bắc Kinh nhằm đánh giá phản ứng của Nhật Bản. Vào tháng 3, một tàu Trung Quốc được phát hiện thực hiện một cuộc khảo sát hàng hải tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản ngoài khơi đảo Kume, cách đảo chính của Okinawa khoảng 100km về phía tây.

Lực lượng tuần duyên Nhật Bản báo cáo, tàu Trung Quốc đã triển khai dây cáp ở đuôi tàu và dường như tiến hành nghiên cứu. Phía Nhật Bản sau đó đã hướng dẫn tàu Trung Quốc dừng các hoạt động nhưng đã bị phớt lờ.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản gửi công hàm tới Bắc Kinh để bày tỏ sự phản đối. Tuyên bố trên trang web của Bộ nhấn mạnh rằng, "vô cùng đáng tiếc" khi tàu Trung Quốc đã thực hiện nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế của Tokyo mà không thông báo hay chờ được chấp thuận.

Hồi tháng 9/2021, một tàu Trung Quốc được nhìn thấy đã đi cùng một tàu ngầm ở khu vực ngoài khơi đảo Amami Oshima ở miền nam Nhật Bản.

Tháng trước, Nhật Bản đã phản đối thông qua các kênh ngoại giao sau khi xác định rằng Trung Quốc đơn phương khởi công xây dựng một giàn khoan để phát triển mỏ khí đốt tại vùng biển tranh chấp ở biển Hoa Đông.

Vào năm 2008, hai nước đã đạt được một thỏa thuận để cùng phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực. Tuy nhiên, cho đến nay, các cuộc thảo luận vẫn rơi vào bế tắc do nhiều vấn đề.

Các nhà phân tích cho rằng, không có khả năng tàu Trung Quốc đã tìm kiếm các mỏ năng lượng hoặc các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác dưới đáy biển.

Cũng có nhiều khả năng là Trung Quốc cố gắng tính toán độ sâu của vùng nước trong khu vực và xác định các lối đi cho tàu ngầm tiến vào Thái Bình Dương từ vùng nước ven biển nông hơn của biển Hoa Đông, nơi các tàu ngầm dễ bị phát hiện hơn.

Theo SCMP