1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tàu sân bay Mỹ tiến sát Biển Đông

Minh Phương

(Dân trí) - Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz của Hải quân Mỹ được điều động từ Trung Đông, tái triển khai ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một tín hiệu cho thấy Mỹ có thể tăng cường hiện diện ở Biển Đông.

Tàu sân bay Mỹ tiến sát Biển Đông - 1
Tàu sân bay USS Nimitz của Hải quân Mỹ (Ảnh: AFP)

Hãng tin USNI dẫn thông cáo của Lầu Năm Góc trong tuần này cho biết, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz của Hải quân Mỹ đã được điều động từ Bộ Chỉ huy Trung tâm ở Trung Đông sang Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đến sáng 4/2, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz đã tiến đến sát Biển Đông và sắp qua eo biển Malacca.

Quyết định điều động này của Lầu Năm Góc có thể coi là dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa Mỹ và Iran có xu hướng dịu xuống, trong khi đó, cũng cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden dường như tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc như chính quyền tiền nhiệm, trong đó có vấn đề Biển Đông và Đài Loan.

Thư ký báo chí Nhà Trắng John Kirby cho biết: "Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã thể hiện tầm nhìn địa chính trị rộng hơn khi điều động nhóm tác chiến tàu sân bay đến khu vực do Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đảm nhiệm". Ông Kirby không tiết lộ lịch trình tiếp theo của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Động thái trên diễn ra không lâu sau khi ông Biden nhậm chức tổng thống Mỹ. Hôm 23/1, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ cũng đã đi vào Biển Đông để thúc đẩy "sự tự do của các vùng biển", đánh dấu sứ mệnh đầu tiên của tàu chiến Mỹ ở Biển Đông dưới thời ông Biden.

Hôm qua, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S McCain của Hải quân Mỹ đồn trú ở Nhật Bản cũng đi qua eo biển Đài Loan nhằm "thể hiện cam kết của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do".