1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tàu sân bay mới của Trung Quốc: Hiện đại hơn nhưng chưa phải đối thủ của Mỹ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới chuyên gia nhận định rằng tàu sân bay mới mà Trung Quốc đang đóng đã hiện đại hơn 2 chiếc cũ, nhưng vẫn chưa thể sánh được với hàng không mẫu hạm của Mỹ.

Tàu sân bay mới của Trung Quốc: Hiện đại hơn nhưng chưa phải đối thủ của Mỹ - 1

Ảnh vệ tinh chụp tàu sân bay Type 003 của Trung Quốc hôm 23/10 (Ảnh: Maxar).

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ ngày 9/11 đã đăng tải hình ảnh vệ tinh chụp tàu sân bay Type 003 của Trung Quốc hôm 23/10 tại xưởng đóng tàu Jiangnan ở Thượng Hải.

Theo các chuyên gia, hình ảnh mới nhất của con tàu cho thấy, việc lắp đặt các bộ phận chính bên ngoài và bên trong tàu, bao gồm máy phát điện cung cấp năng lượng cho tàu và hệ thống phóng máy bay, dường như đã hoàn thành hoặc sắp hoàn thành. Chỉ có một vài bộ phận, như radar hoặc hệ thống vũ khí dường như vẫn chưa được lắp đặt.

"Dựa vào các thông tin có sẵn và tiến độ đóng tàu được quan sát thấy ở Jiangnan, các tác giả dự đoán Type 003 sẽ được ra mắt trong 3-6 tháng tới", CSIS nhận định.

Khi hoàn thành, nó sẽ trở thành tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc và chiếc thứ 2 do họ tự sản xuất.

Tuy nhiên, khác với tàu Liêu Ninh và Sơn Đông trước đó, Type 003 sẽ được trang bị thêm công nghệ phóng máy bay hiện đại hơn, có thể kể đến như hệ thống phóng máy bay điện từ giống như trên các tàu sân bay của Mỹ.

Công nghệ này cho phép Trung Quốc vận hành nhiều loại máy bay hơn, và phóng máy bay nhanh hơn cũng như các phi cơ có thể mang nhiều đạn dược hơn.

Thông tin về tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa họ và Mỹ đang leo thang căng thẳng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có quân sự.

Chưa phải đối thủ của Mỹ

Tàu sân bay mới của Trung Quốc: Hiện đại hơn nhưng chưa phải đối thủ của Mỹ - 2

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ (Ảnh: Reuters).

Mặc dù vậy, so sánh về sức mạnh tàu sân bay, Trung Quốc hiện vẫn kém xa Mỹ. Họ hiện mới vận hành 2 chiếc tàu sân bay sử dụng công nghệ cũ từ thời Liên Xô, ít hơn hẳn đội hàng không mẫu hạm hùng hậu gồm 11 chiếc của Mỹ.

Tàu Liêu Ninh thực chất là tàu được cải tạo từ một con tàu mà Trung Quốc mua của Ukraine vào năm 1998. Tuy nhiên, một di sản có nguồn gốc từ Liên Xô được cho vẫn đang ngăn cản tàu sân bay Trung Quốc hoạt động hiệu quả là đường băng kiểu "nhảy cầu". Đặc điểm của đường băng là phần mũi dốc lên, và nó nằm trong hệ thống cất cánh cự ly ngắn và cáp hãm đà hạ cánh (STOBAR).

STOBAR phóng máy bay bằng cách buộc nó phải hãm tốc độ lại trên boong, khiến máy bay cất cánh chậm hơn bình thường. Điều này dẫn tới việc máy bay trên tàu sân bay dùng hệ thống STOBAR phải nhẹ, đồng nghĩa với việc máy bay Trung Quốc phải mang ít vũ khí đi, cũng như giảm bớt khối lượng nhiên liệu.

Sơn Đông cũng được đóng theo công nghệ tương tự Liêu Ninh và cũng đối mặt với hạn chế này.

Trong khi đó, tàu Type 003 được cho sẽ được sử dụng hệ thống phóng năng lượng điện từ trường, giúp các máy bay có thể tăng tải trọng nhiên liệu hoặc vũ khí.   

Mặc dù vậy, theo chuyên gia Matthew Funaiole của CSIS, Type 003 vẫn không phải là đối thủ của tàu sân bay Mỹ. Các hàng không mẫu hạm của Washington được cho có nhiều hệ thống phóng hơn, đường băng lớn hơn và nhiều thang máy hơn để cho phép triển khai máy bay nhanh hơn.

Ngoài ra, tàu sân bay Mỹ cũng chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong khi Type 003 được cho là chạy bằng động cơ đẩy hơi nước thông thường, yếu tố sẽ làm hạn chế tầm hoạt động của vũ khí này một cách đáng kể.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng một yếu tố quan trọng khác cho thấy Mỹ vẫn đang nổi trội hơn Trung Quốc về lĩnh vực tàu sân bay đó là kinh nghiệm vận hành.

Mỹ đã vận hành tàu sân bay từ Thế chiến II và có hàng loạt kinh nghiệm, kỹ năng trong việc điều phối những chiến hạm khổng lồ với hàng nghìn quân nhân. Trong khi đó, Trung Quốc mới bắt đầu vận hành tàu sân bay từ năm 2012 và khoảng cách kinh nghiệm "là thứ mà bạn không thể nhảy vọt", theo ông Funaiole.

Alessio Patalano, giáo sư đại học King ở Anh cho biết, các tàu sân bay hiện đại có "năng lực vô cùng phức tạp" và việc phát triển được công nghệ không có nghĩa là nó sẽ được sử dụng một cách hiệu quả.

Ông nói: "Sự phức tạp này là kết quả của cả khó khăn trong việc phát triển và kết hợp hài hòa các công nghệ vận hành phi đội từ một nền tảng di chuyển trên mặt nước tới các thách thức trong việc xây dựng một nhóm tàu chiến để hỗ trợ và bảo vệ nó".

Ngoài ra, kể cả khi ra mắt, tàu Type 003 vẫn sẽ cần phải được thử nghiệm cẩn thận vì được áp dụng công nghệ mới. Trước đó, Trung Quốc từng ra mắt tàu Sơn Đông vào năm 2017 nhưng tới năm 2019 mới đưa nó vào biên chế. Việc Type 003 sử dụng công nghệ mới có thể sẽ còn kéo dài quá trình này lâu hơn.