Tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth cập cảng Singapore cùng dàn F-35
(Dân trí) - Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh ngày 11/10 đã cập cảng Singapore, một phần trong chiến lược tăng cường sự hiện diện của quốc gia châu Âu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo Reuters, tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth cập cảng Singapore sau khi dẫn đầu một nhóm tác chiến tàu sân bay tham gia tập trận chung với quân đội Singapore vào cuối tuần qua.
Nội dung cuộc tập trận trên bao gồm diễn tập hải quân và huấn luyện chiến đấu mô phỏng với máy bay chiến đấu tàng hình F-35B và máy bay phản lực F-16.
Các bức ảnh được truyền thông đăng tải cho thấy một dàn máy bay chiến đấu tàng hình F-35B đậu trên hàng không mẫu hạm hiện đại khi nó cập cảng tại căn cứ hải quân Changi ngày 11/10.
"Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và chiến lược xoay trục của mình, cũng như tăng cường dấu ấn và sự hiện diện lâu dài hơn nhiều trong khu vực này", chỉ huy nhóm tàu tác chiến, Tướng Steve Moorhouse, nói với Reuters.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Queen Elizabeth rời cảng Portsmouth để khởi hành đến châu Á ngày 22/5, với lịch trình thăm 40 quốc gia, gồm có Singapore. Nhóm tàu tác chiến sẽ tương tác với các nước bằng các chuyến thăm hoặc tập trận trong quá trình triển khai toàn cầu, theo một tuyên bố của chính phủ Anh.
Hồi tháng trước, HMS Queen Elizabeth đã đến Hàn Quốc và Nhật Bản, đánh dấu chiến lược hiện diện quân sự thường trực hơn trong khu vực. Động thái này cũng diễn ra trong bối cảnh Mỹ, Anh và Australia mới đây đã ký thỏa thuận an ninh AUKUS.
Anh hiện có hai tàu sân bay, so với 11 tàu của Mỹ. Tàu Queen Elizabeth trị giá 4 tỷ USD là tàu sân bay lớn nhất do quân đội Anh chế tạo và có chiều dài 274 m, tương đương với 3 sân bóng. London có kế hoạch triển khai thường xuyên hai tàu chiến này ở vùng biển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Các động thái của Anh diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc những năm qua đã vấp phải sự chỉ trích khi triển khai các tàu tuần tra khắp Biển Đông và xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp nhằm đòi yêu sách chủ quyền đơn phương mà theo phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) là hoàn toàn là "hoàn toàn không có cơ sở pháp lý".