Tàu ngầm Trung Quốc bị lộ khi bám đuôi tàu sân bay Anh ở Biển Đông
(Dân trí) - Chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth kể lại cuộc chạm mặt của dàn chiến hạm này với tàu ngầm Trung Quốc, khi nó bám đuôi tàu của London ở Biển Đông.
Sky News dẫn lời chỉ huy nhóm tàu sân bay HMS Queen Elizabeth Steve Moorhouse đưa tin, các trực thăng và tàu hộ vệ thuộc nhóm tác chiến trên đã phát hiện và theo dõi tàu ngầm Trung Quốc khi tàu của Bắc Kinh di chuyển ở Biển Đông
Theo Sputnik, khi nhóm tàu chiến Anh hoạt động ở khu vực Biển Đông từ tháng 8 tới tháng 10, Trung Quốc dường như đã đưa nhiều vũ khí tới theo dõi hoạt động của tàu của Anh, bao gồm cả tàu ngầm. Tuy nhiên, theo ông Moorhouse, tàu ngầm Trung Quốc không thể bám tàu sân bay HMS Queen Elizabeth một cách chính xác, vì phía Anh đã dò được đường di chuyển của tàu ngầm. Lực lượng trong nhóm tàu sân bay Anh cũng đã được huy động để đảm bảo HMS Queen Elizabeth không di chuyển cắt ngang đường so với tàu ngầm Trung Quốc.
"Trong một số tình huống, chúng tôi tự tin là chúng tôi biết các tàu ngầm Trung Quốc ở đâu. Vì vậy, chúng tôi sử dụng tàu hộ vệ và trực thăng để di chuyển tàu sân bay đi vòng quanh nó", ông Moorhouse cho biết.
Sau đó, các máy bay của Trung Quốc được điều động đi theo nhóm tác chiến tàu sân bay, nhưng duy trì ở khoảng cách an toàn và phù hợp. Vì vậy, phía tàu sân bay Anh quyết định không điều khí tài, bao gồm tiêm kích F-35 trên boong, để ứng phó vì thấy không cần thiết.
Theo Sputnik, các tàu ngầm hiện trong biên chế Trung Quốc, bao gồm cả tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Type 093, được biết tới là những tàu hoạt động khá ồn ào nếu so với các tàu ngầm tác chiến trong âm thầm của Nga hay Mỹ.
Theo một số chuyên gia, tiếng ồn của tàu ngầm Trung Quốc phát ra có thể ngang với những tàu ngầm mà Mỹ, Liên Xô, Nga sử dụng trong những năm 1980-1990.
Cả Moscow và Washington hiện đã phát triển những tàu ngầm hoạt động yên ắng hơn, nhưng Trung Quốc vẫn đang trong quá trình chế tạo tàu Type 095 mà họ kỳ vọng sẽ khó bị dò tìm bởi thiết bị sóng âm phản xạ sonar của đối thủ. Tuy nhiên, hiện chưa rõ khi nào Trung Quốc mới đưa vào biên chế các tàu ngầm này.
Sau gần một thập niên chế tạo, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đã lần đầu tiên ra khơi thử nghiệm vào tháng 6/2017. Với thiết kế tiên tiến cùng hệ thống vũ khí hiện đại, đây là tàu chiến chủ lực của Hải quân Anh trong 50 năm tới. Tải trọng tàu khoảng 65.000 tấn, dài 280m và có khả năng mang gần 40 máy bay chiến đấu cùng khoảng 700 thủy thủ. Chi phí đóng tàu này lên tới hơn 4 tỷ USD.
Vài tháng trước, HMS Queen Elizabeth đã lên đường thực hiện hải trình qua nhiều điểm, trong đó có Biển Đông, trong nỗ lực nhằm "nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" trong chiến lược của họ. Anh cho biết, họ sẽ có sự hiện diện lâu dài nhiều hơn trong khu vực này" với mục tiêu "bảo vệ tự do hàng hải và giữ cho các tuyến đường biển cũng như đường không luôn rộng mở".