1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tàu ngầm Nhật Bản muốn vươn tới bờ biển Australia

Bộ Quốc phòng Australia đã có kế hoạch thay thế các tàu ngầm Collins “già cỗi” thuộc hạm đội Australia bằng tàu ngầm Nhật Bản lớp Soryu.

Khi thông tin này được công bố lập tức đã làm xáo động giới truyền thông. Vì vậy, Australia đã quyết định mở thầu quốc tế để mua sắm tàu ngầm.

Hiện thời Australia chưa đưa ra sự lựa chọn cuối cùng, bởi nước này không chỉ dự định sắm tàu ngầm mới đóng hoàn chỉnh mà còn muốn mua cả công nghệ sản xuất những con tàu đó.

Để giành quyền đóng tàu ngầm cho Australia, Nhật Bản hiện đang đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt, trong đó có công ty Đức ThyssenKrupp Marine Systems và nhà thầu quốc gia của Hải quân Pháp - DCNS Group. Người Đức vốn nổi tiếng về bề dày kinh nghiệm trong sản xuất tàu ngầm với độ tin cậy không cần nghi ngờ. Còn Paris đề xuất cung cấp cho phía Australia những công nghệ độc đáo, làm cho tàu ngầm trở nên vô hình trước radar của đối thủ. Nhưng vấn đề là Pháp chưa từng bán bí quyết công nghệ mới cho đối tác nước ngoài.

Tàu ngầm Nhật Bản muốn vươn tới bờ biển Australia - 1

Một chiếc tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản.

Tokyo hiển nhiên cũng nuôi hy vọng giành được hợp đồng. Trong trường hợp khả quan, Nhật Bản sẽ ký được hợp đồng lớn nhất kể từ thời điểm chính phủ Abe dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí. Tàu Soryu có lắp đặt các trang thiết bị dẫn đường và vũ khí do Mỹ sản xuất. Có lẽ đó là lý do vì sao Washington cố gắng tác động đến Canberra để giải quyết vấn đề này thiên về phía nguyện vọng của Tokyo. Ngoài ra, Mỹ rõ ràng quan tâm đến việc củng cố mối quan hệ giữa Nhật Bản và Australia, và trông đợi rằng các nước này sẽ đóng vai trò tích cực hơn nữa trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Dự định nhập khẩu tàu ngầm của Chính phủ Australia đã vướng phải sự phản đối từ phía các nghiệp đoàn và đảng đối lập trong nước. Họ lập luận rằng việc mua tàu ngầm nước ngoài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp đóng tàu quốc gia và hàng nghìn người có thể mất việc làm. Phe đối lập cũng bất bình bởi thực tế là khi đông đảo công nhân Australia bị thiệt hại thì đơn đặt hàng lại về tay một quốc gia mà 73 năm trước đã dùng tàu ngầm tấn công hải cảng Sydney.

Thượng nghị sĩ Nick Xenophon, trong cuộc phỏng vấn của đài truyền hình Australian Broadcasting Corporation đã tuyên bố rằng: “Chính phủ Australia hiện đang nghiên cứu và đánh giá một cách toàn diện tất cả những ưu và nhược điểm của việc đóng tàu ngầm Nhật Bản tại các nhà máy nội địa hoặc là cho chế tạo tại Nhật Bản, với mục tiêu lựa chọn phương án hợp tác cùng có lợi nhất”.

Theo quan điểm của chuyên viên Andrei Frolov Trưởng Ban biên tập tạp chí Nga “Xuất khẩu vũ khí”, Nhật Bản vẫn đang có cơ hội lớn để thắng thầu: “Tàu ngầm lớp Soryu được xem là một trong những mẫu tàu ngầm diesel - điện lớn nhất, kích thước gần bằng tàu ngầm hạt nhân (NPS). Xét theo hệ thống điện tử, tính năng của tàu ngầm lớp này về đại thể khá tương hợp với tàu ngầm hạt nhân. Đặc điểm quan trọng của tàu ngầm Nhật Bản là trạm năng lượng nạp không khí độc lập làm bằng công nghệ Thụy Điển trên cơ sở hệ thống động cơ Stirling. Tức là, tàu không cần thiết phải nổi lên trên mặt nước để thu nạp không khí. Cũng không cần phải bơi mới sạc được ắc - qui. Mà như vậy nghĩa là có khả năng tàng hình nhiều hơn. Nhưng không thể không tính đến yếu tố là tàu ngầm Nhật Bản rất đắt, về giá thành ngang ngửa với tàu ngầm hạt nhân. Tuy nhiên, hợp tác kỹ thuật - quân sự không chỉ thuần túy là kỹ thuật và công nghệ, mà còn là chính trị. Và có lẽ, hợp đồng tiềm năng này sẽ củng cố liên hệ giữa các quốc gia khác nhau của vùng Thái Bình Dương”.

Theo KTTK/baotintuc.vn

Tàu ngầm Nhật Bản muốn vươn tới bờ biển Australia - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm