1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

"Tàu hải quân Hàn Quốc bị xẻ làm đôi"

(Dân trí) - Hải quân Hàn Quốc hiện vẫn đang tiếp tục tìm kiến 46 thủy thủ mất tích sau vụ nổ khiến một tàu của lực lượng này xẻ làm đôi và bị đắm gần biên giới biển tranh chấp với Triều Tiên vào tối 26/3. Song hi vọng tìm thấy người sống sót đang tắt dần.

 
"Tàu hải quân Hàn Quốc bị xẻ làm đôi" - 1
Một phần nhỏ của thân tàu Cheonan trọng tải 1.200 tấn nhô lên trên mặt biển.
 

Các thợ lặn của quân đội đã tới hiện trường ở vùng nước gần như đóng băng, nhưng mặt biển gồ ghề đang cản trở công cuộc tìm kiếm của họ.

 

Trong khi đó các tàu hải quân và của lực lượng bảo vệ bờ biển cũng như máy bay không quân đang rà soát khu vực gần đảo Baeknyeong.

 

AP dẫn lời một quan chức bảo vệ bờ biển cho hay, vào thời điểm này trong năm, chỉ có thể sống sót được trong nước biển Hoàng Hải khoảng 2 tiếng, do nước lạnh từ 3-5 độ C.

 

Tàu Cheonan bị đắm vào khoảng 21h30 giờ địa phương, ngày thứ sáu. Hiện chỉ nhìn thấy một phần nhỏ của thân tàu bị lật úp trên biển.

 

58 thủy thủ đã được cứu trong một trong những thảm họa hàng hải tồi tệ nhất Hàn Quốc.
 
 
"Tàu hải quân Hàn Quốc bị xẻ làm đôi" - 2
Hải quân Hàn Quốc vẫn tiếp tục tìm kiếm 46 thủy thủ mất tích.
 

Hiện thông tin về vụ tàu đắm dần hé lộ, khi thuyền trưởng của tàu (nằm trong số những người được cứu) nhớ lại những gì xảy ra.

 

“Có một tiếng nổ lớn và tàu bị nghiêng về mạn phải. Chúng tôi bị mất điện và mất liên lạc”, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời thuyền trưởng Choi Won-il cho hay.

 

“Tôi bị mắc kẹt trong cabin 5 phút, sau đó các đồng nghiệp đã phá cửa đưa tôi ra. Khi tôi ra thì thấy đuôi tàu đã biến mất”.

 

Rất nhiều thủy thủ đã nhảy xuống nước khi tàu chìm. “Tiếng gào thét có thể nghe thấy rõ mồn một”, một người đi biển, nhân chứng đi trên một tàu khách tới đảo Baeknyeong cho biết trên kênh truyền hình cáp YTN. “Các thủy thủ trên tàu kêu gào “Cứu tôi với” trong tuyệt vọng”.

 

Bộ tổng tham mưu trưởng (JSC) Hàn Quốc cho hay vụ nổ có vẻ như để lại một lỗ lớn ở phần đuôi tàu, làm hỏng động cơ, khiến tàu chìm trong chưa đầy 3 tiếng. Tuy nhiên, giới chức Hàn hiện vẫn rất thận trọng khi nói về nguyên nhân của vụ việc.

 

Sau khi tới hiện trường vụ tàu đắm vào ngày hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Kim Tae-young cho hay chính phủ “vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác đằng sau thảm họa này”.
 
 
"Tàu hải quân Hàn Quốc bị xẻ làm đôi" - 3
Người nhà của các thủy thủ mất tích đang mất dần hi vọng.
 

“Chiếc tàu có vẻ như bị xẻ làm đôi”, ông cho hay. “Nhưng đưa ra những phán đoán trong tình huống này không có nghĩa lý gì. Xin hãy cho chúng tôi thời gian”.

 

Yonhap cho hay giới chức quân sự hạ thấp các khả năng như tàu va vào đá, trúng ngư lôi của các lực lượng bên ngoài (trong đó có Triều Tiên) hay một vụ nổ chính bên trong tàu từ khối thuốc súng và thuốc nổ tàu mang theo.

 

Hải quân Hàn Quốc dự kiến sẽ trục vớt tàu bị đắm để điều tra nguyên nhân. Quá trình này phải mất ít nhất 20 ngày.

 

Tàu đắm dài 88m, rộng 10m, được đưa vào sử dụng năm 1989 và được trang bị tên lửa cùng ngư lôi.

 

Đây là một trong những thảm họa hàng hải tồi tệ nhất Hàn Quốc.

 

Thảm họa hàng hải tồi tệ nhất nước này xảy ra vào năm 1974, khi một tàu bị đắm trong mưa bão ngoài khơi bờ biển đông nam, khiến 159 thủy thủ và nhân viên thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển thiệt mạng. Năm 1967, 39 thủy thủy bị thiệt mạng vì pháo của Triều Tiên.

 

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã triệu tập một cuộc họp khẩn với các quan chức an ninh và lệnh cho điều tra tất cả các nguyên nhân có thể khiến tàu đắm. Ông cũng lệnh cho quân đội tập trung cứu các thủy thủ.

 

Ban đầu có thông tin cho rằng một tàu khác của Hàn Quốc đã bắn về phía một tàu không rõ danh tính nào đó, nhưng sau đó các quan chức Hàn lại nghi ngờ mục tiêu chỉ là một đàn chim.

 

Vụ việc xảy ra vào thời điểm căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên tăng cao. Ngoài ra, các cuộc đàm phán quốc tế nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã bị ngưng trệ nhiều tháng. Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn trong tình trạng chiến tranh do cuộc chiến tranh năm 1950-1953 mới chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn.

 

Kể từ đó đến nay, họ đã có ba cuộc đụng độ gây đổ máu trên biển Hoàng Hải. Hàn Quốc công nhận Đường giới hạn phía bắc, do LHQ với sự hậu thuẫn của Mỹ đưa ra cuối Cuộc chiến Triều Tiên. Nhưng phía Triều Tiên chưa bao giờ chấp nhận đường biên giới này.

 

Phan Anh

Theo BBC, Yonhap