1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Tàu chiến Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa

Thành Đạt

(Dân trí) - Tàu khu trục Mỹ ngày 9/10 đã áp sát vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhằm thách thức yêu sách phi pháp của Trung Quốc.

Tàu chiến Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa - 1

Tàu khu trục USS John S. McCain của Mỹ (Ảnh: Reuters)

Theo thông tin trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain của Mỹ đã đi vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông hôm 9/10.

Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Phản ứng trước động thái trên, người phát ngôn của Quân khu miền Nam Trung Quốc Zhang Nandong ngang nhiên cho rằng tàu chiến Mỹ đã đi vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa khi “chưa xin phép Trung Quốc”.

Quan chức trên cho biết Quân khu miền Nam Trung Quốc đã điều lực lượng hải quân và không quân để tiến hành theo dõi, giám sát hoạt động của tàu chiến Mỹ và cảnh báo tàu Mỹ rời đi.

Theo China Daily, ông Zhang cáo buộc Mỹ “liên tục đưa tàu chiến tới Biển Đông nhằm phô diễn sức mạnh và tăng cường hiện diện quân sự tại đây”.

Động thái trên của Mỹ diễn ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm Nhật Bản hôm 6/10, kêu gọi các nước hợp tác để đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Chuyến công du tới châu Á của ông Pompeo diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng trong nhiều vấn đề, từ đại dịch Covid-19, chiến tranh thương mại, an ninh mạng cho tới luật an ninh Hong Kong và Biển Đông.

Trước đó, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin của Hải quân Mỹ hồi tháng 8 đã đi qua khu vực gần quần đảo Hoàng Sa trong sứ mệnh tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.

Theo Reuters, người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ Reann Mommsen cho biết hoạt động này nhằm thách thức "các hạn chế bất hợp pháp" đối với hoạt động hàng hải ở vùng biển được quốc tế công nhận, đồng thời thách thức các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Động thái trên diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Trung Quốc phóng tên lửa đạn đạo ra Biển Đông trong cuộc tập trận gây quan ngại. Lầu Năm Góc chỉ trích hành động Trung Quốc đi ngược lại cam kết do chính Bắc Kinh đưa ra năm 2002 về việc tránh các hành động khiêu khích ở Biển Đông.

Trung Quốc hồi tháng 7 từng chỉ trích Mỹ khi đưa 2 tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan tới Biển Đông. Trước đó hồi tháng 5, tàu khu trục USS Mustin cũng đi vào khu vực 12 hải lý của đảo Phú Lâm và Đá Tháp ở quần đảo Hoàng Sa. Hồi tháng 4, Hải quân Mỹ từng hai lần đưa tàu chiến đến thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tiếp tục một hoạt động như vậy vào tháng 3.

Mỹ từ lâu cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa trái phép các thực thể ở Biển Đông. Do vậy, Washington đã tăng cường các hoạt động tự do hàng hải ở vùng biển này nhằm thách thức tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. 

Mỹ hồi tháng 7 đã đưa ra tuyên bố thể hiện lập trường chính thức và cứng rắn hơn về Biển Đông, trong đó bác bỏ hầu hết tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, coi đây là những yêu sách "phi pháp".