1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Tạo khủng hoảng": Nước cờ của Trung Quốc tại Senkaku

Trong khi vẫn đang rầm rộ hoạt động tại biển Đông, giờ đây Trung Quốc bắt đầu có những động thái trở lại với tham vọng tại Senkaku/ Điếu Ngư và biển Hoa Đông khiến Nhật Bản lo ngại.

Tờ Wall Street Journal bình luận, Trung Quốc có thói quen hướng sự chú ý của quốc tế đến một khu vực và “thao diễn” ở một nơi khác. Trong năm nay Bắc Kinh đã hạ cánh máy bay trên đảo nhân tạo xây trái phép tại biển Đông và di chuyển một giàn khoan dầu vào vùng biển ngoài khơi Việt Nam. Nhưng trong khi các hoạt động này vẫn tiếp tục, Mỹ, Nhật và các đồng minh cũng cần phải để mắt đến các hành động khác của Trung Quốc tại quần đảo Senkaku.

Quần đảo Senkaku là đối tượng tranh chấp giữa hai nước Trung Quốc và Nhật Bản từ năm 2010. Nhật Bản trước đây từng tuyên bố chủ quyền trên quần đảo, đến năm 1970 thì Bắc Kinh đồng ý. Tuy nhiên, sau khi có báo cáo lượng dự trữ dầu trong khu vực, thấy được tầm quan trọng đối với chiến lược biển của mình, Trung Quốc cũng bắt đầu tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo.

Kể từ đó, sự cố giữa tàu Trung Quốc và Nhật Bản trong vùng biển leo thang. Năm 2013, một tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc từng khóa mục tiêu, nhắm vào một tàu khu trục Nhật Bản đang tuần tra. Nhiều tuần trước, một tàu “hải giám” Trung Quốc trang bị vũ khí hạng nặng xuất hiện tại Senkaku. Biển Đông có thể là địa điểm tiếp theo cho sự bành trướng của Trung Quốc đối với các nước láng giềng. Xung đột vũ trang là có thể xảy ra.

Các học giả Trung Quốc cho rằng một “cuộc khủng hoảng" có thể là cần thiết để giải quyết các tranh chấp về quần đảo Senkaku. Người Trung Quốc nghĩ nếu họ có thể tạo ra tình huống leo thang đối đầu đẩy hai bên tới bờ vực chiến tranh, người Nhật sẽ chấp nhận rút lui và tìm kiếm giải pháp ngoại giao, đặc biệt là khi họ cảm thấy khó trông chờ vào hỗ trợ quân sự từ Mỹ.

"Tạo khủng hoảng": Nước cờ của Trung Quốc tại Senkaku - 1

 Máy bay giám sát P-3C của Nhật Bản tại quần đảo Senkaku. (Ảnh: Kyodo)

Bắc Kinh những năm gần đây đã tăng số lượng máy bay và "tàu nghiên cứu" tại vùng đảo tranh chấp, tận dụng xung đột leo thang để biến vùng biển thành vùng tranh chấp bất chấp phản đối của Nhật Bản.

Trung Quốc xưa nay vẫn khăng khăng nhấn mạnh mong muốn có quan hệ gần gũi với Nhật Bản. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gặp nhau hai lần kể từ năm 2014. Một phát ngôn viên của Abe ghi nhận tại G-20 họp thượng đỉnh gần đây nhất mà "quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc đang cải thiện dần dần." Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản để giúp cải thiện quan hệ song phương.

Tuy nhiên, Bắc Kinh có thói quen “lời nói không đi đôi với hành động”. Khủng hoảng kinh tế khiến Trung Quốc sa lầy, Bắc Kinh lặp lại nước cờ sử dụng Chủ nghĩa dân tộc, dựng nên những “kẻ thù nước ngoài” để có được sự ủng hộ của nhân dân. Một cuộc đối đầu có thể bắt đầu với những "tai nạn" trên biển hoặc việc bắn "tự vệ", sau đó là điều động hàng loạt tàu và máy bay bảo vệ “tài sản” tại vùng tranh chấp đang bị đe dọa. 

Khi lực lượng quân sự leo thang căng thẳng, các nhà ngoại giao quốc tế sẽ kêu gọi hai bên kiềm chế và rút lui. Kết quả là các tuyên bố ngoại giao của Trung Quốc được tăng cường và giữ vững. Bởi nếu Trung Quốc “im hơi lặng tiếng” thì sẽ bị xem là chấp nhận tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản. 

Một nguyên nhân khác tiềm tàng cho những rắc rối là Tổng thống Barack Obama sẽ sớm hoàn thành nhiệm kỳ, Trung Quốc phát hiện rằng ông Obama có xu hướng tránh đối đầu trực tiếp trong giải quyết các tranh chấp. Nếu sự cố giữa tàu Trung Quốc và Nhật Bản đã leo thang thành xung đột vũ trang, Bắc Kinh cho rằng Washington sẽ gây áp lực lên Tokyo vì không muốn tạo xung đột với Trung Quốc trước bầu cử tổng thống Mỹ. 

Liệu Bắc Kinh sẽ liều lĩnh sử dụng đối đầu quân sự để đạt được mục tiêu của mình ở biển Đông? Rất có thể. Ông Tập sẽ không phải là chính khách đầu tiên sử dụng một cuộc chiến tranh ngắn hạn để đạt được mục tiêu chính trị. 

Anwar Sadat của Ai Cập đã làm như vậy trong năm 1973 trong cuộc chiến tranh Yom Kippur khi tạo nên một cuộc xung đột không thể giành chiến thắng quân sự nhưng lại có khả năng làm biến đổi hiện trạng tranh chấp chính trị đang đình trệ. Sadat dự đoán Mỹ và các nước sẽ yêu cầu ngưng chiến và sử dụng đàm phán để giải quyết vấn đề. Và sự việc chính xác đã diễn ra như vậy. Trung Quốc có thể sẽ có nước đi tương tự, tạo ra leo thang chiến tranh, nhanh chóng kết thúc nó. Kêu gọi trọng tài quốc tế và giành phần thắng chính trị về phía mình.

Hiện tại biển Đông đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Một trong những vấn đề quan trọng là niềm tin giữa Nhật Bản và đồng minh Mỹ. Đối với Trung Quốc, làm xấu đi mối quan hệ Nhật - Mỹ và phá vỡ nền tảng hiện diện của Mỹ ở châu Á bằng các nước cờ của mình sẽ là mục tiêu vô cùng quan trọng.

Theo Hoàng Lam/Wall Street Journal

Pháp luật TPHCM