1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhật lo Trung Quốc tiến vào Hoa Đông

(Dân trí) - Giới chức Nhật Bản lo ngại, Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động xâm nhập vào khu vực quanh quần đảo tranh chấp mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, Tokyo gọi là Senkaku, trong một động thái nhằm “thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông”.

 

Tàu tuần duyên Trung Quốc liên tiếp xuất hiện trong khu vực tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. (Ảnh: FT)
Tàu tuần duyên Trung Quốc liên tiếp xuất hiện trong khu vực tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. (Ảnh: FT)

Nhấn mạnh về việc Trung Quốc đang thay đổi hành xử xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư kể từ tháng 12 năm ngoái, một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhận định: “Tình hình ở biển Hoa Đông đang xấu đi”.

Các hoạt động xâm nhập vào khu vực quanh quần đảo này đang đe dọa sự khôi phục quan hệ giữa 2 nước kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt tay nhau hồi tháng 11/2014.

Giới chức Nhật Bản lo ngại, Bắc Kinh đang lợi dụng lúc thế giới chuyển hướng chú ý sang Biển Đông-nơi Trung Quốc đang xây trái phép các đảo nhân tạo- để tiến sâu vào vùng biển Hoa Đông.

Nhật Bản đã chính thức lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc ở biển Hoa Đông, cho rằng đó là hành động nhằm “thay đổi hiện trạng” ở vùng biển này. Tuy nhiên đến nay, Toyko vẫn tránh các biện pháp đối kháng có thể gây căng thẳng quan hệ.

Cuối tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc lần đầu tiên đưa tàu mang vũ trang vào khu vực tranh chấp. Con tàu mang khẩu pháo cỡ nòng 37mm cùng với 3 tàu khác đã tiến vào khu vực 24 hải lý xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hôm 22/12, và tiếp tục tiến sâu vào khu vực 12 hải lý chỉ 4 ngày sau đó.

“Gần đây, chính phủ Trung Quốc đã đưa các tàu tuần tra mạnh hơn, lớn hơn, gần như các tàu tác chiến của hải quân vào vùng biển quanh Senkaku”, Hideaki Kaneda, Phó đô đốc đã về hưu và hiện làm việc tại Viện nghiên cứu Okazaki ở Tokyo cho biết.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng cường các hoạt động thăm dò tài nguyên ở Hoa Đông. Hoạt động của các tàu khảo sát của công ty nhà nước Trung Quốc đã tăng hơn 2 lần trong năm 2015, từ 9 lần lên 22 lần, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng thay đổi hành vi ở đây. Từ ngày 23/12/2015, một tàu thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc đã ra vào khu vực phía Nam Senkaku 2 ngày rưỡi. Trước đó, năm 2013, Trung Quốc đã tuyên bố lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông. Giới chức Nhật Bản lo ngại hành động này có thể cho thấy Trung Quốc đang âm mưu tăng cường giám sát và kiểm soát ADIZ. “Điều mà chúng tôi lo ngại là các tàu chiến cũng sẽ vào tuyến đường này”, quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói.

Ông Kaneda cho rằng, phản ứng tốt nhất của Nhật Bản bây giờ là tìm cách đối thoại trực tiếp với Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ luật pháp và các thông lệ quốc tế, đồng thời tăng cường năng lực kiểm soát đối với Senkaku.

Ni Lexiong, một chuyên gia về hàng hải tại Đại học Luật và Khoa học chính trị, cho rằng, biển Hoa Đông có tương quan với vấn đề ở Biển Đông do (Trung Quốc) lo ngại Nhật Bản sẽ can dự sâu hơn vào vấn đề tranh chấp ở đây. “Trung Quốc đang tìm cách tăng sức ép với Nhật Bản để ngừng can dự vào Biển Đông”, ông Ni nói.

Minh Phương

Theo FT