1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tầng lớp trung lưu Trung Quốc không tiếc tiền đầu tư học hành cho con

(Dân trí) - Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn do các biện pháp áp thuế mạnh tay của Mỹ, các gia đình trung lưu tại Trung Quốc đã cắt giảm các khoản chi tiêu khác để đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục của con cái họ với hi vọng chúng sẽ đỗ đại học hoặc ra nước ngoài du học.


(Ảnh minh họa: SCMP)

(Ảnh minh họa: SCMP)

Chiều Chủ nhật, bà mẹ Amy Jiang đang vội vàng ăn bữa trưa chuẩn bị sẵn cùng con gái 7 tuổi bên ngoài lớp học của bé bên trong một tòa nhà xuống cấp ở Bắc Kinh. Họ đang trong giờ nghỉ giữa hai lớp học, mỗi lớp kéo dài 2 giờ, do một công ty gia sư tổ chức ngoài giờ lên lớp.

Giống hàng triệu gia đình trung lưu khác tại Trung Quốc, Jiang, một kỹ sư 35 tuổi, dành phần lớn thời gian trong những ngày nghỉ cuối tuần để tham gia các lớp gia sư cùng con gái.

“Tôi phải có mặt ở đây”, Jiang nói với Thời báo Hoa nam Buổi sáng (SCMP). “Một số chủ đề quá khó hiểu đối với trẻ em, như phép hoán vị, tích phân trong toán học và tiếng Hán cổ”.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ đang leo thang, sức mua của tầng lớp trung lưu như Jiang, ước tính từ 100-400 triệu người tại Trung Quốc theo các số liệu khác nhau - có thể góp phần vực dậy nền kinh tế vốn đang phát triển chậm lại. Tuy nhiên, các dấu hiệu mới cho thấy tầng lớp này đang gia tăng chi tiêu cho giáo dục của con cái và hạn chế các nhu cầu khác.

Đầu tư cho con cái

Theo SCMP, cho con cái học trước và học các môn sâu hơn là các cách mà các bậc phụ huynh thường làm để giúp con cái họ cạnh tranh được trong một môi trường giáo dục đầy thách thức tại Trung Quốc.

New Oriental và TAL Education Group tại Bắc Kinh, hai công ty giáo dục lớn nhất được niêm yết trên sàn chứng khoán, đều báo cáo mức tăng trưởng 2 con số trong nửa đầu năm 2018. New Oriental cho biết số lượng sinh viên tham gia vào các khóa học chuẩn bị thi và nâng cao đã tăng 44,9% lên 2,06 triệu sinh viên trong quý I năm nay. Trong khi đó, TAL cho biết số lượng sinh viên học thêm đã tăng 88,7% so với một năm trước đó lên gần 2 triệu sinh viên so với cùng kỳ.

“Các phụ huynh Trung Quốc, đặc biệt là tầng lớp trung lưu, hiểu được rằng rất khó để đạt được thành công nếu trẻ em từ các gia đình bình thường không có bằng cấp từ một trường đại học tốt”, Hu Xingdou, một nhà kinh tế độc lập, nói. “Trong bối cảnh có những lo ngại và lo lắng, tầng lớp trung lưu hối thúc con cái học hành chăm chỉ hơn và cũng sẽ đầu tư từng đồng cho giáo dục”.

Trên thực tế, các bậc cha mẹ khắp thế giới cũng đang đầu tư để đảm bảo rằng con cái họ có sự khởi đầu tốt

hơn trong cuộc sống. Một báo cáo của HSBC được công bố hồi tháng 6 cho thấy một nửa trong tổng số 8.481 bậc phụ huynh được khảo sát tại 15 quốc gia và vùng lãnh thổ đang chi tiền cho việc học của con cái họ, và gần 2/3 đang chi tiền cho các trường tư hoặc từng làm như vậy trong quá khứ.

Các bậc cha mẹ Trung Quốc hiểu rằng cuộc đua ngày càng quyết liệt tại đại lục. Con cái họ phải cạnh tranh với gần 10 triệu sinh viên khác tại kỳ thi đại học để được vào học tại một trong số 150 trường đại học của Trung Quốc. Cơ hội của các học sinh là chưa tới 6%.

Tuy nhiên, các quy định về việc phân chia trường không được công khai và lý do may mắn đã không giải thích được tại sao các trẻ em từ các gia đình có điều kiện luôn được học tại các trường tốt hơn. Kết quả là, các phụ huynh trung lưu phải đặt hi vọng vào một số ít trường vốn nhận các sinh viên có IQ cao hơn thông qua các bài kiểm tra toán, tiếng Anh và tiếng Trung đối với các chương trình đặc biệt.

“Ít nhất những cuộc thi này cũng minh bạch và tương đối công bằng. Tôi biết cơ hội để con bé vào một trường trung học danh tiếng là rất ít”, bà mẹ Jiang nói, trong khi con gái Jiejie đang ngồi mệt mỏi bên cạnh sau một buổi sáng học hành bận rộn. “Rồi sau này Jiejie cũng phải cạnh tranh với các sinh viên khác để vào đại học và tương lai của con bé sẽ chủ yếu được định đoạt bởi các điểm số. Vì thế, không bao giờ là quá muộn để chuẩn bị cho điều đó”.


Ước tính phi chí mà các gia đình tại một số nước chi tiêu cho giáo dục của con cái họ (Đồ họa: SCMP)

Ước tính phi chí mà các gia đình tại một số nước chi tiêu cho giáo dục của con cái họ (Đồ họa: SCMP)

“Đừng gọi tôi là tầng lớp trung lưu”

Trung Quốc đã sửa đổi luật giáo dục bắt buộc vào năm 2006, cấm các kỳ thi đầu vào tại các trường tiểu học và trung học cơ sở để giảm gánh nặng cho học sinh. Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013, ông đã nhấn mạnh tới việc cần thiết phải có sự công bằng trong hệ thống giáo dục bắt buộc miễn học phí 9 năm, đồng thời nhấn mạnh việc phân bổ các nguồn lực cân bằng hơn cho giáo dục. Theo chương trình đó, các học sinh được ưu tiên học các trường gần nhà.

Jiang tới từ một vùng hẻo lánh ở tỉnh Thiểm Tây nhưng tốt nghiệp tại một trường đại học hàng đầu ở Bắc Kinh. Thu nhập hàng năm của cô là 100.000 nhân dân tệ (tương đương 14.500 USD), gấp đôi thu nhập bình quân của lao động trong thành phố. Điều đó khiến cô được xếp vào tầng lớp trung lưu của Trung Quốc, với mức lương hàng năm từ 3.650-36.500 USD (theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB).

Jiang nói thành công của cô một phần là do giáo dục. Jiang giờ đây chi 12.000 nhân dân tệ mỗi năm cho các lớp học Toán của con gái, 12.000 nhân dân tệ khác cho lớp học Văn và 25.000 nhân dân tệ cho môn tiếng Anh. Ngoài ra, cô cũng chi khoảng 50.000 nhân dân tệ cho các lớp học đàn và múa của con gái, và 20.000 nhân dân tệ cho một chuyến ra nước ngoài để giúp cô bé có “một số trải nghiệm quốc tế”.

Chi phí giáo dục chiếm khoảng 30% tổng thu nhập của cả gia đình, Jiang nói.

“Đừng gọi tôi là tầng lớp trung lưu. Tôi và chồng chưa bao giờ mua món quần áo nào cao hơn 100 nhân dân tệ kể từ khi có con”, Jiang nói. “Chúng tôi đang tiết kiệm từng đồng cho con gái, vì giáo dục là cách duy nhất tại Trung Quốc để những người bình thường như tôi có một cuộc sống ổn định trong tương lai”.

Một cuộc khảo sát đối với gần 52.000 bậc cha mẹ trên khắp Trung Quốc, hầu hết họ là tầng lớp trung lưu, được trang web Sina.com tiến hành vào tháng 11 năm ngoái, cho thấy chi tiêu cho giáo dục chiếm trung bình gần 20% tổng thu nhập của các hộ gia đình.

Khoảng 90% các em nhỏ chưa tới trường và 81% các học sinh trong độ tuổi từ 6-18 học các khóa gia sư. Các gia đình có con học mẫu giáo chi trung bình 26% cho giáo dục, trong khi các gia đình có con từ lớp 1-12 chi trung bình 20% cho giáo dục. Trong số những người được hỏi, 61% nói họ có kế hoạch đưa con ra nước ngoài du học.

Kể từ năm 2013, người dân Trung Quốc chi cho giáo dục, văn hóa, giải trí, sức khỏe và chăm sóc y tế tăng mạnh, trong khi chi tiêu cho lương thực, thuốc lá, rượu và quần áo đã giảm, theo các số liệu chính thức.

“Nhiều gia đình sẵn sàng chi nhiều tiền cho giáo dục và các dịch vụ liên quan như du lịch và giải trí”, Li Chao, một nhà phân tích tại Huatai Securities, cho hay. “Khi mọi người lấy giáo dục làm ưu tiên cao nhất và gia tăng chi tiêu cho giáo dục, họ sẽ giảm các chi phí khác”.

Các trường tư nở rộ

Emma Li đã xóa hai quảng cáo thương mại khỏi điện thoại di động gần đây. Li, cựu nhân viên của một ngân hàng đầu tư của Mỹ tại Bắc Kinh, trước đây thường mua các bộ quần áo thời thượng, giầy và mỹ phẩm, nhưng đó là trước khi con trai cô bắt đầu đi học tại một trường tiểu học tư hồi tháng này. Học phí là vào khoảng 300.000 nhân dân tệ một năm, không tính các khóa học tự chọn.

“Không có trường tiểu học công nào trong bán kính 5km tính từ nhà của tôi”, Li, người hiện đang sống trong một dự án nhà ở ngoại ô Bắc Kinh với số dân 150.000 người, cho biết. “Bên cạnh đó, tôi muốn con trai có các trải nghiệm quốc tế trước khi đi du học nước ngoài, điều vốn không phải là lợi thế tại các trường công”.

Các gia đình trung lưu có chung suy nghĩ với Li đã đua nhau gửi con tới một trong khoảng 125 trường tư thục ở Bắc Kinh, hoặc 200 trường ở Thượng Hải. Các trường tư thục đã nở rộ tại Trung Quốc trong những năm gần đây.

Trong khi đó, Trung Quốc đã tuyên bố cấm các sách giáo khoa đại học vốn ca ngợi các giá trị của phương Tây và giảm nhẹ tầm quan trọng của việc học tiếng Anh tại các trường tiểu học và trung học cơ sở. Vào năm 2015, Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc khi đó là Viên Quý Nhân cho biết: “Không cho phép các sách giáo khoa ca ngợi các giá trị của phương Tây xuất hiện trong các lớp học của chúng ta”.

Đối với Li, đó là một bước lùi. “Làm sao có thể cạnh tranh với tầng lớp tinh hoa của thế giới nếu bạn không hiểu các giá trị của họ?”, Li nói, giải thích tại sao cô chọn một trường tư cho con trai, vốn có các lớp học dạy bằng tiếng Anh và do các giáo viên nước ngoài đảm nhiệm.

“Nhưng học phí cao hơn thu nhập hiện tại của gia đình chúng tôi. Tôi đang tìm kiếm một công việc khác trong nhiều tháng qua nhưng vẫn chưa may mắn. Tất cả những gì tôi có thể làm là tiết kiệm, tiết kiệm và tiết kiệm”, Li nói.

An Bình

Theo SCPM