1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Giới nhà giàu Trung Quốc đổ bộ Hong Kong, đẩy học sinh nước ngoài "ra rìa"

(Dân trí) - Trước đây các ngôi trường quốc tế danh giá tại Hong Kong thường chỉ đào tạo riêng cho con cái của những gia đình phương Tây giàu có. Ngày nay, những “suất” vào học tại các ngôi trường này ngày càng cạnh tranh với mức học phí đắt đỏ và chỉ có học sinh Trung Quốc đại lục mới đủ khả năng theo học.

Bên ngoài một trường quốc tế ở Hong Kong (Ảnh: New York Times)
Bên ngoài một trường quốc tế ở Hong Kong (Ảnh: New York Times)

Những thay đổi gần đây về dân số tại Hong Kong đã tác động tới lĩnh vực giáo dục và dẫn tới sự thay đổi đáng kể trong số học sinh theo học tại các trường. Theo đó, số lượng học sinh Trung Quốc bản địa đăng ký học các trường quốc tế ngày càng tăng, trong khi ngày càng nhiều học sinh da trắng theo học tại các trường công dạy bằng tiếng Quảng Đông - ngôn ngữ của người Hong Kong.

“Các trường tư ở đây cực kỳ đắt đỏ trong khi chúng tôi có 2 con song sinh. Chúng tôi không có đủ tiền để gửi con tới các ngôi trường này”, James Runciman, một chủ cửa hàng người Anh và là cha của 2 đứa trẻ 6 tuổi chuẩn bị lên lớp 2 vào tháng 9 tới. Những trường tư mà James nhắc đến là các trường quốc tế sử dụng chương trình học tương tự các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, Anh, Canada và Pháp.

Khi các học sinh quay trở lại trường vào tháng tới, đây cũng là thời điểm Hong Kong ghi nhận số học sinh da trắng theo học tại các trường công đông nhất từ trước đến nay. Dấu hiệu này cho thấy Hong Kong không chỉ đang “rũ bỏ” quá khứ từng là thuộc địa của Anh, mà còn đánh mất đi sức hút của một khu vực từng là điểm đến hấp dẫn trong mắt giới giàu có phương Tây.

Theo thống kê của Cơ quan Giáo dục Hong Kong, có tới 818 học sinh nước ngoài đăng ký theo học các trường công vào năm 2017, tăng 44% so với năm 2013. Tất cả đều được gọi chung là học sinh “da trắng” dù chúng có thể mang các quốc tịch và nguồn gốc khác nhau.

Học sinh tại một trường quốc tế ở Hong Kong năm 2011 (Ảnh: New York Times)
Học sinh tại một trường quốc tế ở Hong Kong năm 2011 (Ảnh: New York Times)

Robert Adamson, giáo sư về cải cách chương trình học tại Đại học Giáo dục Hong Kong, cho biết các học sinh da trắng ngày càng theo học đông tại các trường công vì đông đảo học sinh từ Trung Quốc đại lục đăng ký vào các trường quốc tế tại Hong Kong.

“Các trường quốc tế đang có nhu cầu cao từ một thị trường mới là Trung Quốc đại lục và học phí tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Một số học sinh từng học trường quốc tế trước đây phải vật lộn mới có thể theo học tiếp, do vậy họ sẽ tìm tới các trường công để thay thế”, Giáo sư Adamson cho biết.

Là vùng lãnh thổ được Anh trao trả về Trung Quốc từ năm 1997, Hong Kong từ lâu đã được xem là trung tâm tài chính trọng điểm của châu Á. Trong nhiều thập niên, các ngân hàng lớn nhất thế giới đều cử các nhân viên từ các nước phương Tây tới Hong Kong với những bản hợp đồng lao động ưu đãi, bao gồm cả tiền nhà và tiền học cho con cái của họ. Tuy nhiên, việc Trung Quốc trỗi dậy thần tốc và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã kéo theo hàng loạt ngân hàng ở đại lục tới Hong Kong. Ngày nay, tiếng Trung Quốc phổ thông được nói nhiều hơn cả tiếng Anh tại tầng giao dịch của ngân hàng ở Hong Kong.

Sau sự sụt giảm về số lượng người da trắng tới Hong Kong khi khu vực này được trả về Trung Quốc năm 1997, cộng đồng người da trắng ở Hong Kong có xu hướng đông dần lên trong 10 năm trở lại đây. Trong bối cảnh Trung Quốc mở cửa nền kinh tế, nhiều người nước ngoài đã tới Hong Kong để tự kinh doanh hoặc làm việc cho các doanh nghiệp. Họ mong muốn được tiếp cận với thị trường khổng lồ của Trung Quốc cũng như tận dụng các dịch vụ và hàng hóa giá rẻ.

Nhu cầu học tiếng

Các học sinh nước ngoài trong một giờ học tại Hong Kong (Ảnh: New York Times)
Các học sinh nước ngoài trong một giờ học tại Hong Kong (Ảnh: New York Times)

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các doanh nghiệp phương Tây không còn hào phóng chi cho nhân viên các hợp đồng lao động ưu đãi nếu họ chuyển tới Hong Kong làm việc. Người lao động da trắng ở Hong Kong cũng không chỉ giới hạn trong lĩnh vực ngân hàng nữa, mà họ còn là các chủ doanh nghiệp nhỏ, các quản lý tại các công ty công nghệ khởi nghiệp hay nhân viên pha chế tại các quán cafe.

Các ưu đãi của doanh nghiệp dành cho người lao động nước ngoài tại Hong Kong giảm, trong khi giá cả tại các trường quốc tế lại tăng lên. Học phí tại các trường này có thể lên tới 42.000 USD/năm, thậm chí tại những trường đắt đỏ và danh giá nhất, học phí có thể vượt qua con số 1 triệu USD/năm.

Ngày càng nhiều học sinh tại các trường quốc tế là người Hong Kong bản địa hoặc có cha mẹ là người Trung Quốc đại lục. Trước đây từng có thời điểm 100% học sinh tại các trường quốc tế là người nước ngoài. Tuy nhiên, tới năm 2017, số học sinh nước ngoài tại các trường tiểu học quốc tế ở Hong Kong chiếm chưa đầy 75%, số học sinh Hong Kong gốc chiếm 21,6% còn học sinh Trung Quốc đại lục chiếm khoảng 4%.

Ngoài vấn đề về tài chính, nhiều bậc cha mẹ da trắng muốn con theo học trường công dạy bằng tiếng Trung để chúng có cơ hội thích nghi tốt hơn với cuộc sống ở Hong Kong.

“Chúng tôi cố ý muốn đưa con tới các trường dạy bằng tiếng Quảng Đông. Bọn trẻ cần biết tiếng để trở thành một thành viên đầy đủ của Hong Kong”, Jacqueline Cohen, một người Mỹ điều hành nhóm Facebook gồm các cha mẹ có con học trường công tại Hong Kong, cho biết.

Katherine Ferreira, mẹ của cặp sinh đôi 6 tuổi Vicente và Florencia, cũng đồng quan điểm rằng học tiếng Quảng Đông là yếu tố quan trọng khiến cô quyết định cho các con theo học tại trường công ở Hong Kong.

“Đây là một lục địa khác, vì thế tôi xem đây là cơ hội tốt để học thêm một ngôn ngữ mới”, Ferreira, người từ Chile tới Hong Kong, cho biết.

Các trường tiểu học công ở Hong Kong yêu cầu sử dụng cả tiếng Anh và tiếng Quảng Đông trong các giờ học bình thường, ngoài ra học sinh cũng phải học cả tiếng Trung Quốc phổ thông. Các trường phổ thông thường chia thành hai nhóm, hoặc dạy bằng tiếng Anh hoặc dạy bằng tiếng Quảng Đông và học sinh sẽ học thêm một trong hai tiếng còn lại cùng tiếng Trung Quốc phổ thông.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, các học sinh tại Hong Kong thường nằm trong nhóm những học sinh giỏi nhất thế giới về toán, đọc và khoa học. Tuy vậy, để có được thành tích đó, các học sinh phải chịu sức ép lớn trong quá trình học tập. Một số chuyên gia cho rằng tỷ lệ tự tử trong lứa tuổi vị thành niên ở Hong Kong tăng lên xuất phát từ chính sức ép trong trường học.

Thành Đạt

Theo New York Times