1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Việt Nam kêu gọi tăng cường hợp tác và kết nối Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương

Minh Phương

(Dân trí) - Tại Hội nghị Ấn Độ Dương, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chuyển tải thông điệp 3 điểm cho một tương lai hòa bình, thịnh vượng và vững chắc của khu vực.

Việt Nam kêu gọi tăng cường hợp tác và kết nối Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương - 1

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu tại phiên toàn thể của Hội nghị (Ảnh: Bộ Ngoại giao).

Thứ trưởng dự Hội nghị Ấn Độ Dương lần thứ 6

Từ ngày 12-13/5, Hội nghị Ấn Độ Dương (Indian Ocean Conference - IOC) lần thứ 6 đã diễn ra tại Dhaka, Bangladesh. Hội nghị quy tụ nhiều lãnh đạo, quan chức cấp cao cũng như nhiều nhà nghiên cứu và học giả đến từ hơn 30 quốc gia trong và ngoài khu vực. Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã tham dự các phiên họp và phát biểu tại phiên toàn thể của Hội nghị.

Trong bài phát biểu, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt chia sẻ đánh giá về tình hình khu vực Ấn Độ Dương, châu Á - Thái Bình Dương, nhất là những thách thức lớn khu vực đang phải đối mặt do tác động của xung đột, tranh chấp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, cũng như các vấn đề an ninh phi truyền thống.

Thứ trưởng đưa ra thông điệp 3 điểm cho một tương lai hòa bình, thịnh vượng và vững chắc của khu vực. Theo đó, thứ nhất, các quốc gia cần xây dựng một cấu trúc khu vực mở, bao trùm, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm. Thứ hai, cần tăng cường hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau và xây dựng lòng tin, thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn. Thứ ba, cần thúc đẩy hợp tác và quan hệ đối tác, đặc biệt hợp tác biển cần phải được tăng cường thông qua các cơ chế song phương, đa phương và cách tiếp cận toàn diện.

Thứ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), sự cần thiết của việc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích biển chính đáng của mỗi nước phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như giải quyết các tranh chấp, bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Thứ trưởng cũng chia sẻ nỗ lực của ASEAN trong việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử (COC), thực chất, hiệu lực, phù hợp luật pháp quốc tế.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề xuất tăng cường hợp tác và kết nối giữa các nước Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đặc biệt là với các nước ASEAN, trong các lĩnh vực như thúc đẩy phát triển bền vững, cùng phối hợp để đưa kinh tế biển xanh trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm, giải quyết các thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giảm nhẹ thiên tai, cứu hộ và cứu nạn…

Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đã có các cuộc gặp song phương với Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Sri Lanka Tharaka Balasuriya, Hạ Nghị sĩ, Đồng Bộ trưởng Ngoại giao Australia Tim Watts và Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Saurabh Kumar.

IOC là hội nghị thường niên được tổ chức bởi Quỹ Ấn Độ bắt đầu từ năm 2016. Đây là diễn đàn quy tụ các quan chức cấp cao, chuyên gia, học giả, nhà quản lý để trao đổi về các vấn đề an ninh và phát triển tại khu vực Ấn Độ Dương.

Năm nay, hội nghị với chủ đề "Hòa bình, Thịnh vượng và Đối tác vì một tương lai tự cường" đã thu hút hơn 300 đại biểu đại diện đến từ 30 quốc gia trong và ngoài khu vực, bao gồm nhiều đối tác lớn như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia.

Thứ trưởng đồng chủ trì tham khảo chính trị lần hai Việt Nam - Bangladesh

Việt Nam kêu gọi tăng cường hợp tác và kết nối Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương - 2

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đồng chủ trì tham khảo chính trị lần hai Việt Nam - Bangladesh (Ảnh: Bộ Ngoại giao).

Thực hiện thỏa thuận giữa hai Bộ Ngoại giao, sáng 14/5 tại Thủ đô Dhaka, Bangladesh, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã cùng Thứ trưởng Ngoại giao Bangladesh Masud Bin Momen đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 2 Tham khảo chính trị giữa Việt Nam và Bangladesh. Tham dự Tham khảo chính trị có quan chức Bộ Ngoại giao hai nước và một số bộ, ngành Bangladesh, Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh.

Hai bên đã chia sẻ về tình hình, các chiến lược, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi nước, trao đổi biện pháp tăng cường quan hệ song phương trên các lĩnh vực, cũng như những vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.

Hai bên nhất trí sẽ phối hợp xây dựng tầm nhìn dài hạn cho quan hệ hai nước, thúc đẩy trao đổi các chuyến thăm cấp cao và các cấp, tăng cường họp định kỳ các cơ chế hợp tác hiện có, xem xét sớm khởi động lại và kiện toàn, nâng cấp Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật trong thời gian tới. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, kinh tế - thương mại và đầu tư, giáo dục, nông nghiệp, thủy sản và chăn nuôi, tăng cường giao lưu văn hóa và du lịch; nhất trí phối hợp thúc đẩy các bộ, ngành liên quan của hai bên tăng cường rà soát, gia hạn các văn bản hợp tác như Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo, Bản ghi nhớ về hợp tác thủy sản và chăn nuôi, Bản ghi nhớ về hợp tác du lịch, Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực chế tạo máy, Chương trình trao đổi văn hóa cho giai đoạn mới, ký mới Bản ghi nhớ về Hợp tác Công nghệ thông tin, Bản ghi nhớ về hợp tác xúc tiến thương mại...

Hai bên khẳng định hợp tác kinh tế còn rất nhiều tiềm năng. Bangladesh hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở khu vực Nam Á. Thương mại giữa hai nước tăng 4 lần trong vòng 10 năm (từ khoảng 350 triệu USD năm 2012 đến xấp xỉ 1,5 tỷ USD năm 2022) và đang hướng đến mục tiêu 2 tỷ USD mà lãnh đạo hai nước đã đề ra và cao hơn nữa.

 Trên cơ sở đó, hai bên nhất trí phối hợp thúc đẩy các bộ, ngành liên quan và cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi đoàn xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường, nghiên cứu các sản phẩm và lĩnh vực có tiềm năng, xúc tiến mở đường bay thẳng kết nối giữa hai nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng hợp tác, giao lưu.

Bangladesh đề nghị Việt Nam xem xét đầu tư vào các khu công nghiệp, khu công nghệ phần mềm của Bangladesh, khẳng định sẽ có nhiều ưu đãi đối với các nhà đầu tư Việt Nam; hoan nghênh Việt Nam gia tăng xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh vào thị trường Bangladesh như máy móc nông nghiệp, nguyên vật liệu, hàng gia dụng, điện tử, nông - thủy sản chế biến.

Theo Bộ Ngoại giao