1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tân Đại sứ Israel tại Việt Nam: Tôi có một ước mơ từ 15 năm trước

(Dân trí) - Tân Đại sứ Israel Nadav Eshcar chia sẻ, ông đã yêu mến Việt Nam ngay từ chuyến du lịch xuyên Việt kéo dài 3 tuần cách đây 15 năm và việc trở thành Đại sứ tại Việt Nam giống như ước mơ đã thành hiện thực.


Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar

Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar

Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar có cuộc trò chuyện với Dân trí nhân dịp ông nhận nhiệm kỳ công tác tại Hà Nội từ tháng 8/2017.

Ông bắt đầu nhiệm kỳ đại sứ tại Việt Nam như thế nào?

Đến Việt Nam, đặc biệt trên cương vị đại sứ, luôn là mơ ước của tôi. Tôi yêu đất nước của các bạn, tôi thích sự nhộn nhịp ở đây, người dân tuyệt vời, các món ăn ngon.

Trước nhiệm kỳ này, tôi từng có chuyến đi tới Việt Nam cách đây 15 năm với tư cách là một du khách, chính xác là vào năm 2002. Tôi đến du lịch cùng vợ khi chúng tôi còn trẻ và chưa sinh con. Nó giống một kỳ trăng mật vậy. Khi đó, chúng tôi đã ở Việt Nam 3 tuần, đúng vào dịp Tết. Chúng tôi đã đi suốt từ Bắc vào Nam, với các điểm đến như Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Hội An, thành phố Hồ Chí Minh, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đó là những trải nghiệm tuyệt vời.

Lúc đó tôi là một nhà ngoại giao trẻ và tôi không nghĩ có dịp trở lại Việt Nam trên cương vị đại sứ. Vì vậy, tôi vô cùng vinh dự khi được bổ nhiệm đến Hà Nội và tôi rất hào hứng với nhiệm vụ mới này.

Tôi đã có nhiều năm công tác tại Bộ Ngoại giao Israel tại Jerusalem và có kinh nghiệm về châu Á. Tôi từng công tác tại Đại sứ quán Israel ở Bắc Kinh (Trung Quốc) và ngay trước khi chuyển tới Hà Nội, tôi làm giám đốc Ban nghiên cứu về châu Á, vì vậy tôi hiểu phần nào những thách thức của Việt Nam và khu vực, sự phát triển của châu Á và kể cả các mâu thuẫn. Tôi cho rằng Đông Nam Á là khu vực phát triển năng động và nhanh nhất thế giới và Việt Nam là một phần quan trọng của châu lục này.

Ông có gặp khó khăn gì khi bắt đầu nhiệm kỳ mới ở Việt Nam hay không, ví dụ về chuyện giao thông, rào cản ngôn ngữ…?

Tôi bắt đầu nhiệm kỳ đại sứ hơn 2 tháng trước. Tôi cảm thấy khá thoải mái ở đây. Đồ ăn của các bạn rất ngon. Khi mới đến, tôi lái xe hơi khó khăn nhưng giờ tôi đã có thể tự lái xe một mình tốt hơn tôi tưởng. Vợ tôi cũng có thể tự lái xe ở Hà Nội.

Thú thực, vấn đề mà tôi chưa thích nghi duy nhất là khí hậu nóng ẩm ở đây. Ở Israel cũng thời tiết cũng khá nóng nhưng khô, không ẩm như ở đây.

Nhưng thời tiết như vậy đôi khi cũng có những thuận lợi. Hà Nội giống một khu vườn, nơi có nhiều hồ và cây xanh. Ở Israel, nước rất quý hiếm và chúng tôi phải tận dụng mọi cách để có được nước sạch, kể cả lọc nước biển thành nước ngọt. Do đó, chúng tôi phải đầu tư nhiều nỗ lực để có được một đất nước xanh. Ở đây các bạn có rất nhiều cây xanh và với tôi điều đó thật tuyệt vời.

Ông nhận định như thế nào về quan hệ giữa Việt Nam và Israel hiện nay?

Tôi cho rằng đây là thời điểm quan hệ giữa hai nước mạnh mẽ và tốt đẹp chưa từng có. Tôi có thể nói rằng, ở khía cạnh nào đó, Israel và Việt Nam đã tìm thấy nhau, đã khám phá ra nhau. Chúng ta ở xa nhau về mặt địa lý, giao thông không thuận tiện. Nhưng nhờ vào công nghệ, chúng ta đã xích lại gần nhau.

Tôi nhận thấy người dân hai nước có nhiều điểm chung, đặc biệt là văn hóa. Hai nước đều vượt qua những khó khăn, thách thức trong quá khứ để phát triển, có vị thế trên trường quốc tế. Tôi cũng rất ấn tượng về tinh thần, tính cách của người Việt. Người Việt rất mạnh mẽ và sáng tạo, có khả năng ứng biến trong mọi tình huống khó khăn. Trên cương vị một người mới bắt đầu nhiệm kỳ như tôi, tính cách khá tương đồng của người dân hai nước khiến tôi cảm thấy rất dễ dàng trong việc kết nối với mọi người.

Về mặt kinh tế, hai nước không cạnh tranh nhau mà bổ sung, bù trừ cho nhau. Chúng tôi có lợi thế về công nghệ và chúng tôi có thể chia sẻ điều đó với Việt Nam. Ví dụ, Israel có thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao, và Việt Nam cũng là một nước nông nghiệp, vì vậy chúng tôi mang công nghệ tới đây để trợ giúp các bạn và cả hai nước đều hài lòng với sự hợp tác đó.

Theo ông, Việt Nam và Israel có những thế mạnh gì để có thể bổ sung cho nhau, hợp tác để cùng phát triển?

Israel có thế mạnh về công nghệ trong nhiều lĩnh vực. Việt Nam - một nền kinh tế đang nổi và phát triển nhanh - có thể áp dụng các giải pháp công nghệ thông minh, sáng tạo của chúng tôi. Không giống các quốc gia khác, Israel không sợ chia sẻ công nghệ và bí quyết và tôi nhận thấy rõ rằng các đối tác Việt Nam đánh giá rất cao điều đó và rất sẵn lòng hợp tác với các công ty của Israel. Vì vậy, bạn có thể nhìn thấy nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai nước như nông nghiệp, giáo dục sáng tạo, nuôi trồng thủy sản, dược phẩm, an ninh mạng…

Còn về những hạn chế, theo tôi tất nhiên là rào cản ngôn ngữ và những khác biệt về tâm lý kinh doanh, nhưng tôi tin hai bên dễ dàng vượt qua những khác biệt này.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu và đã hứng chịu các đợt thiên tai thời gian qua. Israel có kinh nghiệm như thế nào trong lĩnh vực này để chia sẻ với Việt Nam?

Israel đối mặt với những thách thức thiên nhiên rất khác so với Việt Nam. Với chúng tôi, vấn đề nghiêm trọng nhất là thiếu nước ngọt. Chúng tôi có nguồn nước rất hạn chế vì không có sông ngòi, và chỉ có một hồ nhỏ và chủ yếu là các nguồn nước ngầm. Mưa cũng ít. 100 năm trước, Israel chỉ là một sa mạc khô cằn. Khi ông bà tôi và các thế hệ của họ từ châu Âu tới Israel, họ chỉ nhìn thấy một vùng đất bị bỏ hoang, và họ hiểu rằng nếu muốn sống ở đó, họ phải tìm ra cách để thay đổi hoàn toàn môi trường ở đây. Và họ đã thành công. Nếu bạn đến Israel ngày nay, bạn sẽ thấy một đất nước xanh.

Dù Việt Nam không bị thiếu nước nhưng sự thay đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng lớn tới đất nước các bạn. Nước ngọt tại Việt Nam vẫn dồi dào, nhưng tại một số tỉnh, chủ yếu ở miền Nam, vẫn thiếu giải pháp khi trời ít mưa và xảy ra hạn hán trên các cánh đồng. Tôi được biết năm ngoái khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã hứng chịu đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong gần 100 năm qua. Israel từ lâu đã có kinh nghiệm xử lý nước và có thể trợ giúp Việt Nam trong các trường hợp như vậy.

Việt Nam và Israel thời gian qua đã tăng cường mạnh mẽ quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, nhưng có nhận định cho rằng tiềm năng và nhu cầu hợp tác còn rất lớn. Ông có thể nói gì nhận định này?

Tôi có thể khẳng định rằng Israel có các liên lạc rất chặt chẽ với giới chức Việt Nam và chúng tôi đang mở cửa mọi lĩnh vực hợp tác về quốc phòng và an ninh.

Ông có thể chia sẻ gì về những ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình 4 năm tới?

Trước tiên, tôi sẽ nỗ lực để giữ đà đi lên trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật… Chúng tôi đang trong giai đoạn cuối cùng của quá trình đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) và tôi mong hiệp định này nhanh chóng được ký kết để hai nước đi tới một nấc thang mới trong quan hệ hợp tác.

Về chính trị, hai nước đã có các đoàn cấp cao đến thăm đất nước của nhau, và mới đây Tổng thống Israel Reuven Ruvi Rivlin đã có chuyến thăm rất thành công tới Việt Nam. Năm tới, hai nước sẽ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, và chúng tôi mong đợi tiếp đón các đoàn cấp cao từ Việt Nam sang thăm Israel vào thời điểm thích hợp.

Trân trọng cảm ơn ông!

An Bình