1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tam giác Nga - Thổ - Mỹ hậu đảo chính?

Cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần qua và sự hục hặc giữa Ankara và Washington sau đó phải chăng sẽ là dấu mốc chuyển mình hướng về Moskva của một nước Thổ đã không còn mặn mà với Mỹ?

Những bình lính phản loạn bị bắt bớ và hành hung ở Thổ Nhĩ Kỳ hậu đảo chính
Những bình lính phản loạn bị bắt bớ và hành hung ở Thổ Nhĩ Kỳ hậu đảo chính

Đảo chính đã qua, giờ là lúc… “thanh trừng”

Sau cuộc đảo chính bất thành đêm 15/7/2016, chính quyền Ankara đã nhanh chóng tiến hành chiến dịch thanh trừng trên quy mô lớn những người bị cáo buộc dính líu đến âm mưu lật đổ chính quyền.

Mặc dù Tổng thống Thổ Tayyip Erdogan nói cuộc đảo chính do một “nhóm nhỏ” trong quân đội gây ra, nhưng trong 72 giờ đồng hồ sau đảo chính, đã có hàng trăm người bị giết, hơn 6.000 người bị bắt, trong đó có 5.000 quân lính. Trong bộ máy Nhà nước, đã có 2.700 quan chức dân sự (chủ yếu trong ngành tư pháp, tòa án, công tố viên) trên toàn quốc bị sa thải. Cố vấn quân sự cấp cao của Tổng thống Erdogan, ông Ali Yazici cũng bị bắt giam.

Có lẽ, khi buột miệng phát biểu “Vụ đảo chính là món quà của Thiên chúa” tại sân bay Istanbul tối 16/7, ông Ergogan đã lộ bài.

Với sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng mà truyền thông Nhà nước đã phô trương từ tối 15-7, ông Erdogan dường như đã quyết tâm gạt bỏ một cách nhanh nhất những trở ngại cuối cùng trong việc củng cố quyền lực của ông, thanh trừng những kẻ bất đồng chính kiến trong quân đội và lực lượng hành pháp nước này, cũng như kiểm soát hoàn toàn quân đội.

Thổ sẽ “đu dây” giữa Nga và Mỹ?

Cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ đêm 15/7 không phải là cuộc đảo chính quân sự đầu tiên ở nước này.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu coi mình là người bảo hộ cho nền chính trị thế tục của nước này. Kể từ khi đất nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại thành lập năm 1923, quân đội đã tiến hành đảo chính trong các năm 1960, 1971 và 1980. Quân đội nước này can thiệp vào chính trường một lần nữa vào năm 1997.

Những năm đầu lên nắm quyền Tổng thống, ông Erdogan nhận được sự ủng hộ rộng khắp của nhiều giới, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa tự do muốn cải cách kinh tế và gạt ảnh hưởng của quân đội ra khỏi chính trị. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ông đã khiến nhiều nhóm ở Thổ thất vọng với đường lối ngày càng độc quyền, trấn áp quyền tự do ngôn luận, áp đặt tôn giáo trong đời sống hàng ngày và bắt đầu “gây thù chuốc oán” với giới quân đội nước này bằng một cuộc “thanh lọc”, bắt bớ, đưa ra tòa án binh và kết án hàng loạt tướng lĩnh cấp cao của Thổ.

Thế nhưng, thực tế từ xưa nay, bất cứ một cuộc đảo chính hay “cách mạng màu” nào trên thế giới, dù thành công hay thất bại luôn có điều kiện cần là yếu tố bên trong và điều kiện đủ là yếu tố bên ngoài. Vì thế cuộc đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng không thể thiếu yếu tố bên ngoài hỗ trợ, tác động.

Cho đến giờ, mọi cáo buộc từ phía Ankara vẫn nhằm vào giáo sĩ Fethullah Gulen, người đang sống lưu vong ở Pennsylvania (Mỹ). Từ Tổng thống Tayyip Erdogan cho đến Thủ tướng Binali Yildirim, đều lên tiếng cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen “giật dây” đảo chính và lấy đó làm “cớ” để phát đi những tuyên bố đầy đe nẹt với Mỹ: Thổ sẽ gây chiến tranh với bất kỳ quốc gia nào chứa chấp lãnh tự đối lập lưu vong Fethullah Gulen. Còn Ngoại trưởng John Kerry nói nhà chức trách Mỹ sẽ điều tra và cứu xét dẫn độ Gulen nếu Thổ nộp bằng chứng về hành vi sai trái của ông này.

Ngoài ra, việc Ankara đình chỉ hoạt động của căn cứ Incirlik của Mỹ và NATO ở gần biên giới Syria và bắt giữ tại đây cựu tư lệnh không quân Akın Öztürk - người bị cáo buộc là đầu sỏ đảo chính vừa rồi, cũng cho thấy Thổ đang có ý nhắc nhở Mỹ và NATO đã chứa chấp quân phản loạn.

Sự hục hặc này lại tiếp tục nối dài những bất đồng gần đây giữa Thổ và Mỹ, mà đỉnh cao là việc Mỹ phớt lờ Thổ và hợp tác với lực lượng tự vệ người Kurd (YPG) ở Syria, trong khi Ankara xem nhóm này là tổ chức “khủng bố” vì ủng hộ du kích người Kurd ở miền Nam nước này (PKK). Đó là chưa kể đến việc Mỹ không đả động gì tới các đề nghị lập vùng cấm bay, hay vùng an toàn tị nạn Syria... của Thổ. Mỹ còn tỏ thái độ lạnh nhạt với Erdogan. Khi Erdogan tới Mỹ, Obama thậm chí còn không tiếp đón chính thức.

Trong khi đó, mâu thuẫn của Ankara và Moskva lại chủ yếu bị đẩy lên cao do vụ máy bay Su-24 của Nga bị không quân Thổ bắn hạ. Giữa Ankara và Moskva lại có quan điểm chung về xung đột tại Syria là không muốn Syria bị tan rã, có mục tiêu chung về đối tượng tác chiến là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Mặt trận al-Nusra - những kẻ khủng bố mà Mỹ coi là “phe nổi dậy ôn hòa”.

Bản thân Thổ cũng đã “nếm mùi” điêu đứng do sự trả đũa của Nga về kinh tế cũng như quân sự sau vụ Su-24. 9 tháng sau sự cố, Erdogan mới... chính thức xin lỗi và không những thế, một loạt quan điểm mới, hợp tác mới Nga-Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra một bước ngoặt có tính quyết định đến giải pháp hòa bình kết thúc chiến tranh tại Syria, đến sự tồn tại của lực lượng khủng bố IS, Mặt trận al-Nusra.

Bên cạnh đó, cũng nên lưu ý rằng sau vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù là người lên tiếng ủng hộ chính phủ dân cử của ông Erdogan sau Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhưng Tổng thống Nga Putin lại là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên gọi điện cho ông Erdogan bày tỏ sự phản đối âm mưu đảo chính và chia buồn với những người thiệt mạng.

Tổng thống Nga Putin là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên gọi điện cho ông Erdogan hậu đảo chính
Tổng thống Nga Putin là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên gọi điện cho ông Erdogan hậu đảo chính

Có lẽ, Erdogan đã nhận ra rằng, theo Mỹ thì cũng có những lợi ích nhất định nhưng sự ủng hộ của Washington với họ rõ ràng quá hời hợt. Đó là chưa kể số phận chính trị của Erdogan sẽ rất nguy hiểm với sự thực dụng của người Mỹ. Cú “chết hụt” vừa qua chính là bài học lớn cho Erdogan. Rất may là ông Erdogan vẫn còn nhận được sự ủng hộ đủ lớn của dân chúng - nhất là những người có tư tưởng tôn giáo của tổ chức Anh em Hồi giáo.

Trong khi đó, theo một số chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ, mặc dù Thổ là một thành viên NATO và là một đồng minh có giá trị của Mỹ, nhưng nếu Ankara xử lý không ổn thỏa hậu quả đảo chính mà cứ tiếp tục trượt sâu vào bắt bớ, đe dọa như hiện nay, Thổ có thể ngày càng trở thành một đồng minh của Mỹ theo khuôn mẫu của Pakistan, là nước có rất ít điểm chung với các giá trị phương Tây. Trong mối quan hệ đồng minh này, thường có xích mích song phương, không tin tưởng và những lời trách cứ, mặc dù cả hai nước phụ thuộc vào nhau để có ổn định khu vực.

Nhìn nhận về tam giác Nga - Thổ - Mỹ trong tương lai hậu đảo chính, giới phân tích cho rằng, đã đến lúc Erdogan cần chọn cách quay trở lại với Nga để tìm kiếm sự cân bằng trong quan hệ quốc tế. Nói cách khác, vị thế tốt nhất cho Ankara là “đu dây” giữa Nga và Mỹ để hưởng lợi. Nhưng Thổ sẽ phải chứng minh cho Nga thấy “lòng thành”. Không gì khác hơn, ý muốn của Nga là Thổ phải từ bỏ ván bài Syria: đóng cửa biên giới, chấm dứt hỗ trợ khủng bố thánh chiến. Chỉ khi làm được điều đó, Thổ mới khôi phục niềm tin từ Nga.

Theo

PetroTimes