1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Taliban dọa giáng đòn nặng nề dập tắt phong trào kháng chiến

Thành Đạt

(Dân trí) - Taliban tiếp tục đưa ra cảnh báo cứng rắn với phong trào kháng chiến sau khi lực lượng này tuyên bố kiểm soát thành trì cuối cùng ở Afghanistan.

Taliban dọa giáng đòn nặng nề dập tắt phong trào kháng chiến - 1

Các thành viên lực lượng kháng chiến Afghanistan tuần tra trên xe bọc thép tại một tiền đồn ở tỉnh Panjshir (Ảnh: AFP).

"Bất kỳ ai cố gắng khởi xướng một cuộc nổi dậy sẽ bị giáng đòn nặng nề. Chúng tôi sẽ không cho phép một cuộc nổi dậy khác xảy ra", người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid nói trong cuộc họp báo tại thủ đô Kabul ngày 6/9.

Phát biểu của ông Mujahid được đưa ra sau khi Taliban tuyên bố đã chiếm được thung lũng Panjshir - thành trì cuối cùng của phe kháng chiến tại Afghanistan. . Ông Mujahid nói rằng "một số tay súng nổi dậy đã bị đánh bại, trong khi số còn lại bỏ chạy".

"Bất kỳ ai cầm vũ khí lên và khởi xướng một cuộc kháng chiến khác chắc chắn sẽ trở thành kẻ thù của chúng tôi. Chiến tranh đã kết thúc, đất nước đang thoát khỏi khủng hoảng. Bây giờ là lúc hòa bình và tái thiết. Chúng tôi cần người dân ủng hộ", người phát ngôn Taliban nói thêm.

Ông Mujahid cũng kêu gọi các thành viên của lực lượng vũ trang Afghanistan trước đây gia nhập Taliban.

"Các lực lượng Afghanistan đã được huấn luyện trong 20 năm qua sẽ được đề nghị gia nhập lại các cơ quan an ninh cùng với các thành viên của Taliban", người phát ngôn cho biết thêm.

Thủ lĩnh cấp cao của Taliban Khan Muttaqi ngày 6/9 cho biết 200 người, bao gồm 30 chỉ huy, của phe kháng chiến đã đầu hàng Taliban cùng vũ khí và đạn dược của họ.

Trong khi đó, Mặt trận Kháng chiến Quốc gia (NRF) đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố của Taliban về việc kiểm soát thành trì Panjshir, đồng thời cho biết lực lượng kháng chiến vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến khi Afghanistan được giải phóng.

Chỉ huy NRF Ahmad Massoud kêu gọi toàn dân, dù ở trong hay ngoài nước, cùng nổi dậy chống Taliban. Ông cũng cáo buộc các thế lực nước ngoài, trong đó có quân đội và cơ quan tình báo Pakistan, hậu thuẫn Taliban trong các cuộc giao tranh chống lại người dân Afghanistan.

Taliban đã lên nắm quyền tại Afghanistan sau khi lật đổ chính phủ thân Mỹ vào giữa tháng 8. Tuy nhiên 3 tuần trôi qua, Taliban vẫn chưa thành lập chính phủ mới. Người phát ngôn Taliban cho biết một chính phủ "lâm thời" sẽ sớm được công bố.

"Các quyết định cuối cùng đã được đưa ra, chúng tôi đang giải quyết các vấn đề kỹ thuật. Chúng tôi sẽ công bố chính phủ mới ngay sau khi các vấn đề kỹ thuật được giải quyết", ông Mujahid nói.

Một vấn đề cấp thiết đối với Taliban hiện nay là việc mở cửa trở lại sân bay ở Kabul, nơi diễn ra cuộc sơ tán quy mô lớn và hỗn loạn do Mỹ dẫn đầu vào tuần trước.

Qatar đã làm việc với Taliban để đưa sân bay Kabul hoạt động trở lại. Ông Mujahid cho biết "những nỗ lực nghiêm túc" đang được tiến hành để khôi phục hoạt động của sân bay.

Từ khi lên nắm quyền vào tháng trước, Taliban đã vấp phải sự hoài nghi từ cộng đồng quốc tế, khi có nhiều lo ngại rằng chính phủ mới của Taliban cũng sẽ hà khắc như giai đoạn cách đây 20 năm khi Taliban nắm quyền điều hành Afghanistan. Người phát ngôn Mujahid nhấn mạnh trong cuộc họp báo rằng "Afghanistan có quyền được công nhận".

Việc công bố chính quyền mới của Taliban liên tục bị trì hoãn vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do là các cuộc hòa đàm với phe kháng chiến ở Panjshir không có kết quả.

Trước khi triển khai chiến dịch tổng tấn công vào thành trì Panjshir, Taliban đã đề nghị phe kháng chiến đầu hàng, đổi lại, Taliban sẽ sắp xếp một đến hai vị trí trong nội các cho đại diện của phong trào kháng chiến. Lãnh đạo Mặt trận Kháng chiến Quốc gia Afghanistan Ahmad Massoud được cho là đã không chấp thuận đề nghị này và yêu cầu phải có ít nhất 30% đại diện của phe kháng chiến trong nội các mới.