1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tại sao Tướng Cảnh sát Thái Lan Paween Pongsirin xin tị nạn tại Australia?

Thiếu tướng Paween Pongsirin là người đã chỉ huy cuộc điều tra trong chiến dịch chống buôn người của Thái Lan, trong đó nhiều sỹ quan quân đội và cảnh sát cao cấp bị bắt vì có liên quan tới đường dây này.

 "Nếu Thiếu tướng Paween Pongsirin tiết lộ danh tính của những người đã đe dọa ông, cảnh sát sẽ điều tra. Nhưng nếu xác minh những lời cáo buộc của Thiếu tướng Paween Pongsirin không đúng sự thật, cảnh sát Thái Lan sẽ kiện ông về tội phỉ báng". Tuyên bố hôm 11-12 của Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan Chakthip Chaijinda, được hãng tin AP đăng tải.

Tư lệnh Cảnh sát Chakthip Chaijinda cho rằng, cáo buộc của Thiếu tướng Paween Pongsirin đã làm tổn hại tới hình ảnh của Thái Lan, cũng như lực lượng cảnh sát quốc gia, đồng thời thông báo, nguyên nhân của những cáo buộc kể trên là do ông bất mãn vì không được đề bạt.

Đây là phản ứng đầu tiên của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan sau khi Thiếu tướng Cảnh sát Paween Pongsirin đưa ra tuyên bố hôm 10-12 khi xin tị nạn chính trị tại Australia, với cáo buộc cho rằng, một số nhân vật có ảnh hưởng trong chính phủ, quân đội và cảnh sát muốn sát hại ông.

Theo giới truyền thông, Thiếu tướng Paween Pongsirin đã đến thành phố Melbourne, Australia hồi thượng tuần tháng 12 bằng thị thực du lịch. Và tại đây, Thiếu tướng Paween Pongsirin đã tuyên bố với báo chí sở tại rằng, việc ông bị điều động tới Sở chỉ huy cảnh sát các tỉnh miền Nam hồi đầu tháng 11-2015 là hành động có chủ ý - nằm trong âm mưu của một số người muốn sát hại ông. Bởi đây là khu vực có nhiều nhân vật bị ảnh hưởng lợi ích từ các vụ buôn người mới bị triệt phá thời gian qua.

Và sau khi nhận lệnh thuyên chuyển công tác, Thiếu tướng Paween Pongsirin đã nộp đơn xin từ chức và được Tư lệnh Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan Chakthip Chaijinda chấp thuận gần 1 tháng trước (16-11).

Tại sao Tướng Cảnh sát Thái Lan Paween Pongsirin xin tị nạn tại Australia? - 1

Thiếu tướng cảnh sát Thái Lan Paween Pongsirin.

Được biết, Thiếu tướng Paween Pongsirin là người đã chỉ huy cuộc điều tra trong chiến dịch chống buôn người của Thái Lan, trong đó nhiều sỹ quan quân đội và cảnh sát cao cấp bị bắt vì có liên quan tới đường dây buôn người kể trên.

Ngày 10-12, giới truyền thông Thái Lan còn dẫn lời Thiếu tướng Paween Pongsirin cho rằng, ngay từ đầu cuộc điều tra vụ buôn người tị nạn Hồi giáo Rohingya, ông đã bị gây sức ép và việc này kết thúc ngay sau khi ông đệ trình báo cáo đầu tiên về vụ án hồi cuối tháng 10 vừa qua. Điều đáng nói là nhóm điều tra của Thiếu tướng Paween Pongsirin bị giải tán chỉ sau 5 tháng hoạt động, bất chấp việc ông nhấn mạnh nhiệm vụ vẫn chưa hoàn thành.

Kênh ABC của Australia cũng cho biết, những nhân vật có ảnh hưởng trong chính phủ, quân đội và cảnh sát Thái Lan bị cáo buộc có liên quan tới các vụ buôn người muốn Thiếu tướng Paween Pongsirin phải chết.

"Tôi từng ban hành 153 lệnh bắt, trong đó có cả lệnh bắt đối với quan chức. Nhưng tôi chỉ làm nhiệm vụ của mình, không nghĩ tới nguy hiểm hay rắc rối, và nay tôi mới nhận ra điều đó nguy hiểm tới mức nào", Thiếu tướng Paween Pongsirin thổ lộ.

Tuy đã có 153 lệnh bắt được thực thi, nhưng chỉ có 88 người phải hầu tòa, trong đó có Trung tướng quân đội Manas Kongpan, người được coi là "ông trùm" của đường dây buôn người kể trên.

Hơn nửa năm trước (4-6), Trung tướng quân đội Thái Lan Manas Kongpan đã phải ra trình diện cảnh sát (bị thẩm vấn 8 giờ liền) và đối mặt với 13 tội danh liên quan đến buôn người di cư từ Myanmar và Bangladesh. Tướng Cảnh sát Somyot Poompanmoung cho biết, họ đã có đầy đủ bằng chứng về hành vi phạm tội của Trung tướng Manas Kongpan.

Hiện công tác xét xử 88 nghi can kể trên vẫn đang tiếp tục, nhưng việc lấy lời khai của khoảng 500 nhân chứng, khiến phiên tòa có thể kéo dài 2 năm và điều này sẽ dẫn tới tình trạng dàn xếp, khiến cho thủ phạm không bị kết án.

Ngoài Thiếu tướng Paween Pongsirin, Thiếu tướng cảnh sát Thatchai Pitaneelaboot cũng từng bị "nhắc nhở" rằng, các cuộc điều tra của ông đã làm hủy hoại hình ảnh Thái Lan.

Hãng Reuters cho biết, các cuộc điều tra được tiến hành sau khi chính quyền phát hiện 30 thi thể bị chôn gần biên giới Thái Lan-Malaysia hồi tháng 5, sau đó là những ngôi mộ tập thể chôn thi thể 175 người nghi là người nhập cư ở dọc biên giới 2 nước và khi đó Thiếu tướng Paween Pongsirin là một trong những chỉ huy chủ chốt trong việc điều tra các quan chức và tổ chức có liên quan tới các vụ buôn người kể trên.

Hãng Reuters cũng từng đưa tin, những nhân viên cảnh sát từng tham gia điều tra, làm rõ các vụ buôn người cho biết, họ đã gặp phải những quan chức thờ ơ với các bằng chứng về đường dây buôn người, ngay cả khi Bộ Ngoại giao Mỹ xác định (tháng 6-2014), Thái Lan là một trong những nước có tình trạng buôn người tồi tệ nhất thế giới.

Ông Pajjuban Aungkachotephan, còn gọi là Ko Tong, cựu quan chức Thái Lan bị cáo buộc cầm đầu một trong những đường dây buôn người đã đầu thú hồi trung tuần tháng 5 sau khi bị truy nã gắt gao. Ko Tong từng là quan chức có ảnh hưởng lớn tại tỉnh Satun, miền Nam Thái Lan, nơi được coi là trạm trung chuyển của đường dây buôn người.

Theo Thiện Lân

Cảnh sát toàn cầu