Tại sao tư tưởng cực đoan của IS vẫn có đất để phát triển?
Sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS hoặc ISIS) tự xưng tại Iraq và Syria đã khiến nhiều người phương Tây bị sốc. Không ít người kinh ngạc, sợ hãi trước mức độ bạo lực của IS, cũng như việc tổ chức này tạo được hấp lực lớn với đông đảo thanh niên Hồi giáo dòng Sunni.
Tờ Huffington Post đã có bài viết mang tính khảo cứu về nguồn gốc tư tưởng của lực lượng này, qua đó lý giải vì sao IS lại lớn mạnh đến vậy.
Lịch sử ngắn 1741- 1818
Việc Abd al-Wahhab tạo ra quan điểm vô cùng cực đoan kể trên đã dẫn tới việc ông này bị đuổi khỏi thị trấn của mình vào năm 1741. Sau một thời gian dài lang thang, al-Wahhab đã tìm tới sống dưới sự bảo trợ của Ibn Saud và bộ lạc của ông này.
Những gì Ibn Saud nhìn thấy trong cách hiểu mới của Abd al-Wahhab về Hồi giáo là một phương thức đảo lộn truyền thống và các quy ước cũ trong thế giới Arab. Nói ngắn gọn, nó mang tới một con đường giúp thâu tóm quyền lực.
Bộ lạc của Ibn Saud, dựa vào giáo lý của Abd al-Wahhab, giờ đã có thể thoải mái tấn công các ngôi làng nằm gần đó, cướp bóc tài sản của những người sống ở đây. Trước giờ họ vẫn thực hiện các màn cướp bóc như thế. Nhưng chỉ tới khi có sự xuất hiện của al-Wahhab, họ mới có thể cướp bóc dưới danh nghĩa "thánh chiến" để thanh lọc Hồi giáo. Ibn Saud và Abd al-Wahhab cũng định nghĩa lại ý tưởng tử vì đạo nhân danh thánh chiến. Theo đó, những người tham gia tử vì đạo sẽ lập tức được lên thiên đường.
Thuở ban đầu, Ibn Saud và Abd al-Wahhab chỉ chinh phục vài cộng đồng nhỏ nằm gần đó và áp đặt sự thống trị lên đầu họ (Những người bị chinh phạt chỉ có hai lựa chọn: cải đạo theo Hồi giáo Wahhabi hoặc bị giết). Năm 1740, vương quốc Saudi đầu tiên được thành lập, mang tên Diriyah. Tới năm 1790, lực lượng của vương quốc Saudi đầu tiên, được gọi là quân Liên minh, đã kiểm soát phần lớn Bán đảo Arab, liên tục tấn công Medina, Syria và Iraq.
Chiến lược của họ, giống ISIS ngày hôm nay, là khiến những người họ chiếm được phải đi tới chỗ quy thuận. Họ làm việc này bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi. Ví dụ trong năm 1801, khi quân Liên minh tấn công Thánh địa Karbala ở Iraq, họ đã sát hại hàng ngàn người Hồi giáo Shiite, gồm cả trẻ em và phụ nữ. Nhiều thánh đường Hồi giáo Shiite bị phá hủy, gồm thánh đường Imam Hussein, đứa cháu trai của Nhà tiên tri Muhammad.
Một sỹ quan quân đội Anh là thiếu úy Francis Warden đã được chứng kiến sự kiện và kể lại sau này: "Họ cướp phá toàn bộ Karbala, chẳng tha phần mộ của Hussein... chỉ trong một ngày đã sát hại hơn 5.000 cư dân, theo cách thức vô cùng tàn độc..."
Osman Ibn Bishr Najdi, sử gia của vương quốc Saudi đầu tiên, ghi lại vụ tàn sát Karbala một cách đầy tự hào như sau: “Chúng tôi đã chiếm Karbala, chiếm giết và bắt dân ở đó làm nô lệ. Nhờ phước lành của thánh Allah, Chúa tể của Thế giới, chúng tôi không hề ân hận về chuyện đó. Những kẻ không tin hãy nhìn đó mà làm gương: các người sẽ nhận chung một sự đối xử như vậy.”
Năm 1803, Abdul Aziz (con trai Ibn Saud và là Vua của vương quốc Saudi đầu tiên) tiến vào thành phố thiêng Mecca. Thành phố đã đầu hàng do hoảng loạn và kinh hãi trước sức mạnh của quân Liên minh (Medina về sau cũng thất thủ như thế). Người của Abdul Aziz đã phá hủy gần như sạch sẽ các công trình kiến trúc Hồi giáo đã tồn tại sau hàng thế kỷ, nằm gần Đại Thánh đường ở Mecca.
Tháng 11/1803, một sát thủ người Shiite đã giết Abdul Aziz (để trả thù cho vụ thảm sát ở Karbala). Con trai của ông này là Saud bin Abd al Aziz đã lên nối ngôi và tiếp tục việc chinh phục vùng Arabia. Tuy nhiên các lãnh đạo Ottoman đã không ngồi yên xem cảnh đế quốc của họ bị nuốt chửng từng phần một.
Năm 1812, quân đội Ottoman đã đẩy quân Liên minh ra khỏi Medina, Jeddah và Mecca. Năm 1814, Saud bin Abd al Aziz chết sau một cơn sốt cao. Đứa con trai của ông là Abdullah bin Saud bị người Ottoman đưa tới Istanbul.
Một vị khách phương xa tới Istanbul khi đó nói rằng Abdullah đã bị nhục mạ trên các con phố của Istanbul trong ba ngày trước khi bị treo cổ và chặt đầu. Chưa thỏa cơn tức giận, người Ottoman còn nhét cái đầu của Abdullah vào đại bác và bắn nó đi thật xa.
Năm 1815, quân Liên minh bị quân Ai Cập nghiền nát theo lệnh của đế quốc Ottoman. Năm 1818, người Ottoman chiếm được thủ đô Dariyah của quân Liên minh. Vương quốc Saudi đầu tiên theo đó sụp đổ. Những người Hồi giáo Wahhabi còn sót lại rút lui vào sa mạc, sống yên lặng trong phần lớn thế kỷ 19.
Lịch sử trở lại với ISIS
Chủ nghĩa Wahhabi chỉ hồi sinh khi đế chế Ottoman sụp đổ trong sự hỗn loạn của Thế chiến thứ Nhất.
Gia tộc Ibn Saud, trong sự trỗi dậy của thế kỷ 20, đã nằm dưới sự lãnh đạo của một nhân vật có tên Abd-al Aziz. Ông đã dùng tư tưởng Wahhabi để đoàn kết các bộ tộc Bedouin và đưa họ vào phong trào Ikhwan, tổ chức các hoạt động quân sự dựa trên tinh thần trước kia của Abd-al Wahhab và Ibn Saud.
Từ năm 1914-1926, Ikhwan đã thành công trong việc chiếm Mecca, Medina và Jeddah, đưa các vùng đất này vào vương quốc Saudi mới. Tuy nhiên trái với tiền bối, Abd-al Aziz không còn giữ quan điểm cực đoan Wahhabi nguyên thủy, thay vì thế đã chú trọng tới sự ổn định về chính trị hơn.
Ví dụ những người ủng hộ Wahhabi ép buộc người Hồi giáo theo các dòng khác cải đạo sang Hồi giáo Wahhabi, nhưng Abd-al Aziz không áp đặt điều này. Sau khi chiếm hai thánh địa Mecca và Medina, những nơi đã nằm dưới sự quản lý của đế quốc Ottoman suốt bốn thế kỷ và có sự đa dạng tôn giáo mạnh, Abd-al Aziz đã có các hành động chọc giận phong trào Ikhwan như tuyên bố chính quyền Wahhabi mới sẽ không cấm việc hành hương, hút thuốc và thờ cúng tại các thánh đường.
Trong cuộc gặp gỡ giữa Abd-al Aziz với các lãnh đạo Ikhwan vào năm 1926 ở Artawiya, ông bị cáo buộc đã không giữ “ranh giới rõ rệt giữa tín đồ (Hồi giáo Wahhabi) và những kẻ ngoại giáo”; có quan điểm quá khoan dung với Hồi giáo Shiite; chấp nhận cho sử dụng các công nghệ hiện đại như xe hơi, điện thoại, điện tín; đánh thuế trái phép lên các bộ tộc Bedouin.
Xung đột giữa Ikhwan và Abd-al Aziz dẫn tới một cuộc nội chiến kéo dài tới tận những năm 1930, khi phong trào này bị đánh bại trong một trận chiến quyết định, tại đó các chiến binh cầm gươm và cưỡi lạc đà bị bắn gục bằng súng máy.
Giới quan sát đánh giá một trong những lý do để Abd-al Aziz không còn thực hiện các đường lối cực đoan của chủ nghĩa Wahhabi là vì nhiều thay đổi trong thời đại mới. Dầu lửa đã được phát hiện trong bán đảo Arab khiến cho cả Anh và Mỹ đều tìm cách ve vãn Abd-al Aziz. Nhưng song song với đó, họ vẫn xem Sharif Husain là lãnh tụ hợp pháp duy nhất của Saudi Arabia. Để củng cố quyền lực, Abd-al Aziz phải thay đổi chính sách ngoại giao, khiến phương Tây thấy ông là đối tác đáng tin cậy hơn.
Với sự thay đổi của Abd-al Aziz, phong trào Wahhabi đã bị buộc phải biến đổi từ một cuộc thanh tẩy Hồi giáo, một cuộc thánh chiến mang tính cách mạng, sang chỗ một phong trào xã hội, chính trị, tôn giáo và lý thuyết mang tính bảo thủ.