1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Đi tìm nguồn gốc tư tưởng của lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS

Sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS hoặc ISIS) tự xưng tại Iraq và Syria đã khiến nhiều người phương Tây bị sốc. Không ít người kinh ngạc, sợ hãi trước mức độ bạo lực của IS, cũng như việc tổ chức này tạo được hấp lực lớn với đông đảo thanh niên Hồi giáo dòng Sunni.

Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo. (Nguồn: AP)
Các chiến binh Nhà nước Hồi giáo. (Nguồn: AP)

Sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS hoặc ISIS) tự xưng tại Iraq và Syria đã khiến nhiều người phương Tây bị sốc. Không ít người kinh ngạc, sợ hãi trước mức độ bạo lực của IS, cũng như việc tổ chức này tạo được hấp lực lớn với đông đảo thanh niên Hồi giáo dòng Sunni.

Tờ Huffington Post đã có bài viết mang tính khảo cứu về nguồn gốc tư tưởng của lực lượng này, qua đó lý giải vì sao IS lại lớn mạnh đến vậy.

Tính hai mặt của Saudi Arabia

Theo tờ báo, điều khiến phương Tây ngạc nhiên không kém là thái độ vừa yêu vừa ghét của Saudi Arabia trước IS. Sự "lững lờ", nước đôi của Saudi khiến người ta không thể không đặt ra câu hỏi: "Hẳn là người Saudi phải biết IS đang đe dọa cả họ nữa chứ?"

Dường như cho tới tận giờ, tầng lớp lãnh đạo của Saudi Arabia vẫn chia rẽ về vấn đề IS. Một số người hoan nghênh rằng IS đang dùng “lửa” Hồi giáo Sunni để chống lại "lửa" Hồi giáo Shiite gốc Iran. Họ hoan nghênh việc một vương quốc Hồi giáo Sunni mới đang hình thành tại trung tâm của một di sản Hồi giáo Sunni...

Nhưng số khác ở Saudi lại lo ngại trước các học thuyết sặc mùi cực đoan của IS và có cơ sở lịch sử để tin rằng sự tồn tại của chính quyền Saudi có thể bị đe dọa bởi IS.

Sự không thống nhất ấy trong nội bộ Saudi chỉ có thể được hiểu rõ thông qua việc nắm bắt lấy tính hai mặt cố hữu đã nằm trong nòng cốt học thuyết kiến tạo ra Saudi, bên cạnh nguồn gốc lịch sử vương quốc này.

Một đặc điểm quan trọng trong bản sắc Saudi gắn liền với Muhammad Ibn Abd al-Wahhab (người sáng lập tư tưởng Wahhabi) và hoạt động ứng dụng tư tưởng này do Ibn Saud thực hiện.

Đặc điểm quan trọng thứ hai có liên quan tới các quyết sách xây dựng chính quyền của Quốc vương Saudi Abd-al Aziz trong những năm 1920; hoạt động trấn áp phong trào Ikhwan; việc thể chế hóa tư tưởng Wahhabi và việc tận dụng làn sóng dầu lửa tăng giá trong những năm 1970 để chuyển dòng chảy Ikhwan bất ổn ra nước ngoài - thông qua việc tạo ra một cuộc cách mạng văn hóa thay vì cách mạng bạo lực trong khắp thế giới Hồi giáo.

"Những kẻ giả dạng Hồi giáo"

Theo nhà văn, nhà báo Mỹ Steven Coll, Muhammad ibn Abd al-Wahhab có lối sống khổ hạnh và luôn tự phê bình, trái ngược với đám đông những người quý tộc Ai Cập và Đế quốc Ottoman thường ăn mặc lòe loẹt, thích hút thuốc lá, thể hiện các thái độ trưởng giả, khoa trương khi đi hành hương về thánh địa Mecca. Trong quan điểm của Abd al-Wahhab, những kẻ đó không phải người Hồi giáo. Họ chỉ là những kẻ giả dạng người theo Hồi giáo.

Tương tự, Abd al-Wahhab khó chịu trước hành vi của người Bedouin bản địa. Việc người Bedouin tôn vinh các vị thánh, dựng bia mộ cho người chết và thực hiện các hành vi "mê tín" (ví dụ thờ cúng các ngôi mộ hoặc những nơi mà người Bedouin cho là thiêng liêng) đã khiến Abd al-Wahhab phát cáu. Ông lên án tất cả các hành vi như thế, gọi chúng là những điều Thượng đế cấm làm.

Abd al-Wahhab tiếp thu tư tưởng cực đoan của lãnh tụ Hồi giáo tiền bối Taymiyyah, tin rằng khoảng thời gian Nhà tiên tri Muhammad ở lại Medina là giai đoạn lý tưởng trong xã hội Hồi giáo, tại đó mọi người Hồi giáo đều khao khát noi gương Muhammad.

Taymiyyah đã tuyên chiến với Hồi giáo Shiite, Hồi giáo mật tông (Sufis), coi các tín đồ thuộc hai dòng này không phải người Hồi giáo thực thụ. Ông lên tiếng chống lại việc viếng mộ Nhà tiên tri Muhammad và việc ăn mừng ngày sinh của nhà tiên tri. Ông nói rằng các hành vi như thế giống như sự bắt chước tục thờ phụng Chúa Jesus của Công giáo.

Abd al-Wahhab đã ghi nhớ và sử dụng lại toàn bộ các lời răn dạy này trong học thuyết riêng của mình. Ông ta còn nâng tư tưởng của Taymiyyah lên một tầm cực đoan lớn hơn khi lên án tất cả người Hồi giáo tôn vinh người thân đã khuất, các vị thánh và thiên thần. Ông nói rằng các tình cảm đó khiến tín đồ không còn toàn tâm toàn ý hướng về “một Thượng đế duy nhất.”

Ông cấm các tín đồ cầu nguyện trước thánh thần, người thân đã khuất, cấm việc hành hương tới các thánh đường đặc biệt, tới các liên hoan tín ngưỡng để mừng các vị thánh, cấm việc tôn vinh ngày sinh của Nhà tiên tri Muhammad. Ông thậm chí còn cấm việc sử dụng bia mộ khi chôn cất người đã khuất.

Abd al-Wahhab yêu cầu sự vâng lời tuyệt đối từ phía tín đồ. Ông nói rằng mọi người Hồi giáo phải thề trung thành với một lãnh tụ Hồi giáo duy nhất (một vị vua Hồi giáo, nếu có một nhân vật như thế). Những ai không tuân theo điều này sẽ bị giết, vợ con họ bị hãm hiếp, tài sản của họ bị tịch thu. Ông coi người Hồi giáo Shiite, Hồi giáo Sufis mặc nhiên là những kẻ bội giáo và cần phải giết bỏ.

Ở đây đã không có nhiều sự khác biệt giữa tư tưởng Wahhabi và IS. Sự khác biệt chỉ hình thành sau này, với việc Muhammad ibn Abd al-Wahhab cho ra đời học thuyết "một lãnh tụ, một chính quyền, một thánh đường" - ba trụ cột chính chỉ quốc vương Saudi, quyền lực tối cao của Hồi giáo Wahhabi và sự thống trị về mặt tôn giáo của tư tưởng này.

ISIS không chấp nhận ba trụ cột này, vốn là nền tảng để chính quyền Hồi giáo Sunni ở Saudi Arabia ngự trị. Cũng vì sự khác biệt này mà ISIS là mối đe dọa sâu sắc với Saudi Arabia.

(Còn tiếp)
 
Theo Linh Vũ
Vietnam+