1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Tại sao Trung Quốc không thể trừng phạt mạnh tay Hàn Quốc?

(Dân trí) - Trung Quốc đã áp đặt các lệnh trừng phạt không chính thức đối với Hàn Quốc vì cố tình lờ đi cảnh báo của nước này về triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Tuy nhiên, Trung Quốc khó có thể "mạnh tay" do sự lệ thuộc chặt chẽ của Bắc Kinh vào Seoul trong bối cảnh hiện tại.

Hệ thống THAAD của Mỹ (Ảnh: EPA)
Hệ thống THAAD của Mỹ (Ảnh: EPA)

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, Trung Quốc đến nay vẫn chưa công bố bất kỳ biện pháp trừng phạt chính thức nào với Hàn Quốc sau khi Seoul quyết định cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ của mình. Theo lập luận của Trung Quốc, việc triển khai THAAD sẽ đe dọa tới an ninh của Trung Quốc khi sóng radar của hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân này có thể xâm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc khẳng định THAAD không ảnh hưởng tới bất kỳ quốc gia nào, mà chỉ nhằm một mục đích duy nhất là đối phó với chương trình tên lửa gây tranh cãi của Triều Tiên.

Dù không áp đặt các biện pháp trừng phạt chính thức nhưng Bắc Kinh vẫn cho phép truyền thông nước này đưa tin về THAAD để bày tỏ sự giận dữ đối với Seoul, đồng thời nhắm mục tiêu “tấn công” tới các sản phẩm tiêu dùng của Hàn Quốc. Theo đó, người tiêu dùng Trung Quốc đã ra sức tẩy chay các sản phẩm và doanh nghiệp của Hàn Quốc. Ngoài ra, một số tour du lịch và chuyến bay từ Trung Quốc tới Hàn Quốc cũng bị hủy bỏ.

Mặc dù vậy, các chuyên gia tin rằng khả năng Trung Quốc áp đặt lệnh trừng phạt chính thức với Hàn Quốc vẫn hạn chế.

Chưa đầy 5% hàng xuất khẩu của Hàn Quốc sang thị trường Trung Quốc là hàng tiêu dùng và đây sẽ dễ dàng trở thành mục tiêu tẩy chay của người Trung Quốc. Trong khi đó, mặt hàng mà Hàn Quốc chủ yếu xuất sang Trung Quốc là các nguyên liệu thô cùng với các trang thiết bị phục vụ sản xuất và đây chính là thứ mà Trung Quốc đang cần.

Ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của tổ chức tư vấn tài chính IHS Global Insight, cho biết Hàn Quốc là đối tác cung cấp đồ điện tử quan trọng cho Trung Quốc. Cũng theo ông Biswas, 1/4 trong số các vi mạch tích hợp, thành tố chính để chế tạo tivi và điện thoại di động, mà Trung Quốc nhập khẩu từ nước ngoài là từ Hàn Quốc.

Cảnh vắng vẻ bên trong siêu thị Lotte Mart của Hàn Quốc ở Thượng Hải, Trung Quốc do người Trung Quốc tẩy chay hàng tiêu dùng Hàn Quốc (Ảnh: SCMP)
Cảnh vắng vẻ bên trong siêu thị Lotte Mart của Hàn Quốc ở Thượng Hải, Trung Quốc do người Trung Quốc tẩy chay hàng tiêu dùng Hàn Quốc (Ảnh: SCMP)

Trung Quốc vẫn cần sự hợp tác của Hàn Quốc

Ông Andrew Gilholm, giám đốc phân tích phụ trách khu vực Trung Quốc và Bắc Á tại tổ chức tư vấn Control Risks, nói rằng Trung Quốc chính là nước đứng sau “các động thái sách nhiễu ngầm và không chính thức nhằm vào một số công ty Hàn Quốc”. Tuy nhiên, theo ông Gilholm, động thái tẩy chay của Trung Quốc nhằm vào các doanh nghiệp Hàn Quốc không thể làm thay đổi một thực tế rằng Bắc Kinh vẫn phải trông cậy vào Seoul trong một số lĩnh vực.

“Các công ty Trung Quốc cần sự hợp tác về công nghệ từ các công ty Hàn Quốc để đạt được các mục tiêu tăng trưởng công nghiệp”, ông Gilholm nhận định.

Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Hàn Quốc liên tục tăng trưởng mạnh. Riêng trong tháng 2, hàng xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Trung Quốc tăng 28,7% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ cuối năm 2010.

Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc cho biết nếu Trung Quốc tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt “không chính thức” thì thiệt hại về kinh tế đối với Hàn Quốc cùng lắm cũng chỉ rơi vào khoảng 14,76 tỷ USD, chiếm khoảng 1,07% GDP.

Giới phân tích nhận định việc người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay các sản phẩm từ Hàn Quốc sẽ chỉ đẩy Seoul xích lại gần hơn về phía Mỹ và làm tổn hại tới mối quan hệ song phương tốt đẹp vốn phát triển mạnh trong những năm gần đây nhờ vào các hoạt động thương mại và đầu tư.

“Nếu sức ép kinh tế từ Trung Quốc đi quá xa, nó sẽ chỉ càng làm tăng thêm tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của người Hàn Quốc. Điều này sẽ hủy hoại hình ảnh của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc muốn trở thành quốc gia dẫn đầu ở khu vực Đông Bắc Á, nước này không nên để lại những ấn tượng xấu trong suy nghĩ của các nước láng giềng”, giáo sư Lee Jung-nam tại Viện nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Hàn Quốc cho biết.

Theo ông Jin Meihua, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Bắc Á ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, việc người Trung Quốc tẩy chay hàng hóa Hàn Quốc sẽ tác động rất ít tới nền kinh tế Hàn Quốc, nhưng động thái này sẽ tạo ra sự thù hằn giữa người dân hai nước. Trong khi đó, ông Richard Hu Weixing, trưởng khoa Chính trị và Hành chính công tại Đại học Hong Kong nhận định ngay cả khi Trung Quốc gây sức ép về kinh tế với Hàn Quốc thì cũng không thể lay chuyển quyết tâm triển khai THAAD của Seoul. “Thực tế, họ đang đẩy nhanh tiến độ triển khai (THAAD)”, ông Weixing cho hay.

Thành Đạt

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm