1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại muốn mua hệ thống phòng không S-400 của Nga?

Đây có thể là một phần trong kế hoạch xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ với thành phần nòng cốt là vũ khí Nga.

Trong thời gian gần đây, các quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng bày tỏ quan tâm đến việc mua hệ thống phòng không tiên tiến S-400 do Nga sản xuất. Tuy nhiên, điều này được cho là không có gì mới bởi Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực nâng cao năng lực phòng thủ chiến lược.

Trong một vài năm gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa của riêng mình, thay vì dựa vào hệ thống tên lửa đạn đạo do NATO điều động, bố trí ở nước này.

Năm 2013, việc Ankara chọn 1 công ty của Trung Quốc cho gói thầu cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ các đồng minh trong NATO và thỏa thuận trị giá 3,4 tỷ USD này đã bị hủy bỏ. Có thông tin cho rằng, vào thời điểm đó Nga cũng quan tâm đến gói thầu này nhưng đã không được chọn.

Tuy nhiên, xét trong bối cảnh hiện nay khi quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đang căng thẳng, trong khi Mỹ vẫn chưa có được một kế hoạch rõ ràng về Syria, dường như Ankara đang ngả sang thỏa thuận mua vũ khí của Nga - một nước không thuộc NATO.

Hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 của Nga diễu hành trên Quảng trường Đỏ. Ảnh: Reuters
Hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 của Nga diễu hành trên Quảng trường Đỏ. Ảnh: Reuters

Thổ Nhĩ Kỳ hưởng lợi gì trong việc mua S-400?

Các chuyên gia cho rằng, về bản chất, việc mua S-400 sẽ có ích hơn nhiều việc mua xe tăng chiến đấu hay trực thăng.

Trước hết, S-400 là một hệ thống vũ khí phòng thủ chiến lược. Nói cách khác, mục tiêu hàng đầu trong việc mua S-400 là nhằm kiểm soát không phận Thổ Nhĩ Kỳ và ngăn chặn các cuộc tấn công đường không cũng như các mối đe dọa bằng tên lửa từ bên ngoài lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các mục tiêu quan trọng về cơ sở hạ tầng, kinh tế, quân sự và các cơ quan chính phủ nước này.

Ngoài ra, trong trường hợp việc chuyển giao công nghệ rộng hơn, Ankara sẽ có thể sở hữu được những bí quyết quan trọng trong việc phát triển tên lửa - điều mà nước này tìm kiếm trong cuộc đấu thầu năm 2013.

Khác với thất bại trong việc mua tên lửa HQ-9 của Trung Quốc, lần này các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ được cho là thực tế hơn nhiều. Họ biết rằng, nếu thỏa thuận với Nga diễn ra theo kế hoạch, hệ thống S-400 sẽ không được tích hợp vào cấu trúc của hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO.

Đây là quan điểm thực tế bởi sự tích hợp như vậy không đơn thuần chỉ là vấn đề quân sự-kỹ thuật mà nó còn mang tính quyết định về vấn đề chính trị và an ninh. Sự tích hợp đó nếu xảy ra sẽ cho phép Moscow tiếp cận với những thông tin vô giá về năng lực của NATO.

Tuy nhiên, từ góc độ quân sự, việc S-400 không được tích hợp vào hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO cũng sẽ đặt ra một số vấn đề. Phòng thủ tên lửa là một công việc phức tạp đòi hỏi phải có một hệ thống chỉ huy và kiểm soát tiên tiến, các cảm biến cũng như hệ thống giám sát, thu thập thông tin…

Đây có phải là vấn đề với NATO?

Trước đây, một số thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa các quốc gia thuộc NATO và Nga đã bị hủy bỏ sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine, đặc biệt là sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga. Đáng chú ý nhất là việc Pháp hủy hợp đồng đóng mới 2 tàu sân bay trực thăng lớp Mistral cho Nga trị giá hơn 1 tỷ USD.

Xét về mặt địa chính trị, bất kỳ quốc gia nào thuộc NATO mua hệ thống vũ khí chiến lược của Nga sẽ bị coi là có vấn đề. Đặc biệt nếu quốc gia này là Thổ Nhĩ Kỳ - có biên giới với khu vực Trung Đông, vùng Kavkaz, biển Đen và Địa Trung Hải và đang tiến hành một chiến dịch chống khủng bố xuyên biên giới ở Syria - vấn đề đó càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Đáng chú ý, việc Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng trở thành một trong số ít các quốc gia sở hữu hệ thống phòng không tiên tiến S-400 là một điều rất quan trọng. Ngược lại, việc có thể hoàn tất thỏa thuận mua bán S-400 với một nước thành viên NATO cũng được coi là một thành tựu quan trọng của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.

Về mặt chính trị, thỏa thuận này là một tin không mấy dễ chịu cho NATO, nhưng chẳng phải chính Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng chỉ trích NATO là “trì trệ”.

Hơn thế nữa, mối quan hệ thân thiết giữa NATO với Thổ Nhĩ Kỳ cũng không được như họ kỳ vọng. Mỹ chấp thuận bán tên lửa Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ nhưng lại không kèm theo việc chuyển giao công nghệ. Trong khi đó, hệ thống tên lửa Aster-30 của châu Âu lại không phù hợp với công nghệ chế tạo và kỳ vọng của Thổ Nhĩ Kỳ./.

Theo Nguyễn Hùng/VOV.VN (Lược dịch từ Al Jazeera)