1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tại sao Mỹ nên ngừng can thiệp vào khủng hoảng Ukraine? (Kỳ 1)

Cuộc giao tranh tại sân bay Donetsk giữa quân đội và lực lượng ly khai của Ukraine mới đây lại bùng phát một lần nữa. Mỹ đã bắt đầu cung cấp vũ khí nặng cũng như giúp huấn luyện quân sự cho Kiev.

Các cuộc xung đột có thể sẽ tiếp tục trong thời gian dài, với việc Kiev và lực lượng ly khai bị lôi cuốn vào một cuộc “chiến tranh nóng” quy mô nhỏ trong khi Mỹ và Nga bị mắc kẹt trong một cuộc chiến tranh lạnh ở phạm vi lớn hơn. Một cuộc đối đầu kéo dài như vậy sẽ không có lợi đối với tất cả các bên, đặc biệt là Mỹ.

Mỹ có một “thói quen” là hay can thiệp một cách bừa bãi ở khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng kết quả đạt được lại khá ít. Hàng nghìn người Mỹ đã thiệt mạng, hàng chục nghìn người khác bị thương, hàng trăm nghìn người nước ngoài đã chết, và rất nhiều “cơn thịnh nộ” quốc tế đối với Mỹ đã nổ ra.

Tại sao Mỹ nên ngừng can thiệp vào khủng hoảng Ukraine? (Kỳ 1)
Những vấn đề liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine là rất phức tạp và không có một giải pháp rõ ràng

Có lẽ những người ủng hộ các cuộc đối đầu với Nga liên quan đến vấn đề Ukraine đang muốn thách thức một quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân và có một nhà lãnh đạo quyết đoán, nhưng không ai có thể khẳng định rằng trong một cuộc đấu quân sự, Điện Kremlin sẽ thua Washington, hay một cuộc chiến tranh với Nga sẽ là một điều dễ dàng đối với Mỹ.

Những vấn đề liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine là rất phức tạp và không có một giải pháp rõ ràng. Trong thực tế, có rất nhiều lý do để Mỹ nên rút khỏi những mâu thuẫn lộn xộn, bi thảm và đẫm máu hiện nay liên quan đến Ukraine và Nga.

Ukraine không quan trọng về mặt địa chính trị với Mỹ

Điều này có thể là một cú sốc lớn đối với những người ủng hộ Kiev mạnh mẽ nhất, nhưng thực sự Ukraine không phải là "trung tâm của vũ trụ" đối với Mỹ và thường không liên quan đến an ninh của Mỹ.

Nước Mỹ được thành lập, phát triển và trở thành một siêu cường trên thế giới trong khi Ukraine từ lâu đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ Nga. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Ukraine thậm chí càng ít có liên quan đến vấn đề quốc phòng của Mỹ. Trong khi đó, Nga không đặt ra thách thức quốc tế với Mỹ giống như Liên Xô trước đây, không cạnh tranh quyền bá chủ toàn cầu với Mỹ và mối quan hệ giữa Moskva với Kiev là quan trọng đối với Ukraine, chứ không phải với Washington.

Tương lai của Kiev có tầm quan trọng hơn đối với châu Âu, nhưng sự liên hệ này cũng có giới hạn nhất định. Châu Âu có dân số và nền kinh tế lớn hơn so với Mỹ. Lục địa này không cần Ukraine để thịnh vượng hay an toàn. Liên minh châu Âu (EU) hy vọng sẽ tiếp tục mở rộng, nhưng những người châu Âu đã ngày càng thận trọng đối với những quốc gia nghèo hơn, xa xôi và quản trị kém. Có thể châu Âu không thích bất ổn xung quanh ngoại vi của mình, nhưng xung đột ở Ukraine là một thảm kịch của con người, không phải là một mối đe dọa an ninh.

Người dân là những nạn nhân của cuộc xung đột giữa phe ly khai và quân chính phủ Ukraine
Người dân là những nạn nhân của cuộc xung đột giữa phe ly khai và quân chính phủ Ukraine

Nga quan trọng với Mỹ hơn Ukraine

Chính sách của Moskva về Ukraine là vì Ukraine, không phải để đối phó với Mỹ. Nếu Nga thực sự xác định Mỹ kẻ thù số một như tuyên bố của ông Mitt Romney, khi đó Nga sẽ trực tiếp thách thức Mỹ. Nhưng điều này không xảy ra.

Tuy nhiên, Moskva có thể gây ra rắc rối lớn đối với Washington trong một số lĩnh vực. Ví dụ, vào giữa tháng 12/2014, Điện Kremlin đã chấm dứt chương trình an ninh hạt nhân mà Mỹ tài trợ, nhằm giúp ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân sau khi Liên Xô tan rã. Trong tháng 1 năm nay, Nga đã ký một thỏa thuận với Iran để mở rộng hợp tác quốc phòng, trong đó có thể sẽ bàn giao hệ thống phòng không S-300 vốn đã bị trì hoãn từ lâu. Vũ khí này có thể khiến cho nhiều kế hoạch quân sự của Mỹ hoặc Israel nhằm vào Iran trở nên phức tạp.

Đây có thể chỉ là sự khởi đầu. Chính quyền của Tổng thống Nga Putin có thể trang bị cho Syria một số loại tên lửa tiên tiến, bảo vệ Tehran chống lại áp lực của Mỹ và châu Âu về chương trình hạt nhân của họ, cản trở hoạt động hậu cần của Mỹ tại Afghanistan, cung cấp vũ khí hiện đại cho CHDCND Triều Tiên, và chuyển giao công nghệ quân sự cho Trung Quốc. Tệ hơn nữa, Nga đang theo đuổi một mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc - điều có thể phát triển thành một trục chống Mỹ mạnh mẽ nhất, bất chấp sự khác biệt lớn giữa hai quốc gia, dẫn đến nhiều tác hại có thể xảy ra đối với Washington.

Ukraine quan trọng đối với Nga

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger gần đây thừa nhận: "Nếu phương Tây trung thực với chính mình, họ phải thừa nhận rằng đã có những sai lầm về phía mình. Ukraine luôn luôn có một ý nghĩa đặc biệt đối với nước Nga. Phương Tây đã sai lầm khi không nhận ra điều đó. Trong nhận thức của Moskva, EU và Mỹ luôn tìm cách thống trị dọc theo biên giới của Nga mà không thèm quan tâm đến phản ứng của Moskva”.
 
Người dân là những nạn nhân của cuộc xung đột giữa phe ly khai và quân chính phủ Ukraine
Carl Gershman, người đứng đầu Quỹ Quốc gia về Dân chủ do Washington tài trợ, gọi Ukraine là một "giải thưởng lớn nhất" và nói về vai trò của nước này như là một công cụ để lật đổ ông Putin (ảnh: Lực lượng Ukraine ở miền Đông)

Trong khi một số sự kiện ở Ukraine “gây sốc” đối với phương Tây, Nga cũng có nhu cầu phải được tôn trọng. Các nhà lãnh đạo châu Âu và Mỹ thề thốt rằng NATO không đe dọa Nga, nhưng các nhà hoạch định chính sách của Moskva không nghĩ vậy. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương do Mỹ chi phối được lập ra để kiềm chế Liên Xô và đã mở rộng, tiến sát biên giới của Nga sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. NATO đã cho gia nhập hầu hết các đồng minh cũ của Moskva vốn là "các vùng đệm ngăn chặn những tuyến đường xâm lược truyền thống từ châu Âu". Sau đó, Washington dẫn đầu NATO chia cắt Serbia, một đồng minh lịch sử của Nga.

Trong khi đó, phái diều hâu, những người chi phối chính sách đối ngoại của Washington, thực sự đã gây ra một “cuộc chiến” với Nga. Ví dụ, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đã nói về việc "tạo ra một cái thòng lọng dân chủ xung quanh nước Nga", trong đó ông đã ví von rằng “cờ NATO tung bay mạnh mẽ xung quanh Tổng thống Nga Putin".

Có thể NATO không ép buộc Moskva phải hành động ở Ukraine, nhưng phương Tây lại tìm cách chiếm lĩnh lãnh thổ biên giới lịch sử từng là một phần thuộc Liên bang Xô-viết trước đây và đặc biệt đe dọa đến nhiều người Nga. Ông Jack Matlock, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Xô, từng nhận định rằng, một chu kỳ những hành động thô bạo của Mỹ, vốn gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ Nga, đã ‘đầu độc’ mối quan hệ mà các nhà ngoại giao âm thầm xây dựng lên để kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Tệ hơn nữa, ở Ukraine, phương Tây đã tài trợ cho "Cách mạng Cam" và sau đó ủng hộ các cuộc biểu tình đường phố Maidan bằng bạo lực với sự tham gia của những người theo chủ nghĩa dân tộc và phát xít, chống lại một nhà lãnh đạo được bầu một cách dân chủ. Ông Carl Gershman, người đứng đầu Quỹ Quốc gia về Dân chủ do Washington tài trợ, còn gọi Ukraine là một "giải thưởng lớn nhất" và nói về vai trò của nước này như là một công cụ để lật đổ Tổng thống Putin.

Nga rõ ràng nhận thấy đây là một chính sách thù địch đối với lợi ích quốc gia của họ. Ông Ruslan Pukhov tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Moskva và là một cựu quan chức quốc phòng Nga bình luận: “Phương Tây đã đánh giá thấp tầm quan trọng của vấn đề Ukraine với Nga và vai trò của Ukraine như là một yếu tố gây bất ổn nghiêm trọng trong quan hệ Nga-phương Tây".

(còn tiếp)
Theo Công Thuận/baotintuc.vn