1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tài liệu mật hé lộ đường đi của tiền "bẩn" trong các ngân hàng toàn cầu

Minh Phương

(Dân trí) - Một tài liệu mật của chính phủ Mỹ bị rò rỉ cho thấy hơn 2.000 tỷ USD tiền "bẩn" đã được di chuyển khắp thế giới thông qua một số ngân hàng lớn toàn cầu.

Tài liệu mật hé lộ đường đi của tiền bẩn trong các ngân hàng toàn cầu - 1

Hàng loạt ngân hàng của Mỹ bị nghi ngờ tiếp tay cho các giao dịch rửa tiền, tài trợ khủng bố... (Ảnh minh họa: BBC)

Reuters cho hay, hơn 2.100 trang tài liệu mật của Mạng lưới Thực thi Tội phạm Tài chính (FinCEN) thuộc Bộ Tài chính Mỹ bằng cách nào đó đã được chuyển cho hãng tin Buzzfeed News. Các tài liệu này sau đó được chia sẻ với Hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và chuyển cho 108 cơ quan báo chí trên thế giới. FinCEN là cơ quan chuyên thu thập và phân tích thông tin các giao dịch nhằm đối phó nạn rửa tiền, tài trợ khủng bố và các loại tội phạm tài chính khác.

Theo ICIJ, các tài liệu trên chứa thông tin về các giao dịch đáng ngờ (SAR) trị giá hơn 2.000 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 1999 đến 2017.

Bản thân SAR không phải là bằng chứng về sai phạm, nhưng các ngân hàng và các định chế tài chính khác sẽ báo cáo về các giao dịch đó cho giới chức trách nếu họ nghi ngờ khách hàng thực hiện giao dịch đó với mục đích xấu. Do vậy, SAR có thể cung cấp thông tin quan trọng hỗ trợ nỗ lực ngăn chặn hoạt động rửa tiền và các hình thức tội phạm tài chính khác. Đáng nói là, việc báo cáo SAR không đồng nghĩa với việc ngân hàng đó buộc phải ngừng giao dịch với khách hàng khả nghi. Đó là chưa kể đến việc, theo ICIJ, một số ngân hàng thay vì báo cáo giao dịch khả nghi trong thời hạn 60 ngày, chỉ vài năm sau mới báo cáo.

Theo tài liệu mà Buzzfeed News và ICIJ thu thập được, ngân hàng JP Morgan bị cáo buộc cho phép một công ty chuyển hơn 1 tỷ USD thông qua một tài khoản ở London. Sau này, họ mới phát hiện công ty trên thuộc sở hữu của một đối tượng bị FBI truy nã. Theo cáo buộc, JPMorgan đã xử lý các giao dịch cho các doanh nghiệp và cá nhân tham nhũng ở Venezuela, Ukraine và Malaysia.

Hàng loạt ngân hàng của Mỹ gồm Bank of America, Citibank, JPMorgan Chase, American Express và một số ngân hàng khác bị cáo buộc xử lý hàng triệu USD giao dịch cho gia đình cựu quan chức Kazakhstan Viktor Khrapunov thậm chí sau khi Interpol đã phát lệnh truy nã đỏ đối với ông này.

Trong khi đó, HSBC bị cáo buộc cho phép một nhóm tội phạm chuyển hàng triệu USD từ một mô hình đa cấp đi khắp thế giới. Deutsche Bank và Standard Chartered bị nghi "tiếp tay" chuyển tiền cho các phần tử tài trợ khủng bố. Ngân hàng trung ương UAE bị cáo buộc không hành động sau khi được cảnh báo tiếp tay cho một công ty địa phương lách lệnh trừng phạt Iran.

Phản ứng về việc rò rỉ tài liệu mật của FinCEN, ông Tim Adams, Giám đốc điều hành Viện Tài chính quốc tế (IIF), nói: “Tôi hy vọng, những tài liệu này sẽ hối thúc các nhà làm chính sách thực hiện những cải tổ cần thiết. Tội phạm tài chính đang gây tác động đến không chỉ lĩnh vực tài chính mà còn gây ra mối đe dọa lớn đối với toàn xã hội”. Trong khi đó, hồi đầu tháng này, FinCEN đã ra thông cáo chỉ trích việc công bố tài liệu mật và cho biết đã khiếu nại vấn đề này lên Bộ Tư pháp Mỹ. “FinCEN đã nắm được thông tin một số hãng truyền thông có ý định công bố hàng loạt thông tin dựa trên các báo cáo SAR cũng như các tài liệu nhạy cảm khác của chính phủ cách đây vài năm”, thông cáo nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm