1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tác giả sách lược mật về Trung Quốc lãnh đạo ủy ban cố vấn Lầu Năm Góc

An Bình

(Dân trí) - Michael Pillsbury, tác giả một cuốn sách nổi tiếng viết về chiến lược bí mật của Trung Quốc nhằm thay thế Mỹ vào vai trò siêu cường, đã được bổ nhiệm làm lãnh đạo một ủy chính sách của Lầu Năm Góc.

Tác giả sách lược mật về Trung Quốc lãnh đạo ủy ban cố vấn Lầu Năm Góc - 1

Ông Michael Pillsbury (Ảnh: Bloomberg)

Theo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng, sau khi được bổ nhiệm, ông Pillsbury, một nhân vật có quan điểm diều hâu với Trung Quốc, cho biết sẽ dùng nhiệm kỳ để giải quyết điều mà ông xem là sự thiếu hiểu biết của Lầu Năm Góc đối với các ý đồ của quân đội Trung Quốc.

Được giới chức quốc phòng công bố ngày 9/12, việc bổ nhiệm ông Pillsbury làm lãnh đạo Ủy ban chính sách quốc phòng diễn ra chỉ 2 tuần sau một cuộc thanh học của chính quyền Tổng thống Donald Trump tại ủy ban. Trong số những người bị mất chức có các cựu thư ký của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và Madeleine Albright, 2 nhân vật vốn ủng hộ việc hợp tác với Trung Quốc.

Ông Pillsbury, 75 tuổi, người nổi tiếng với cuốn sách "Cuộc đua 100 năm" trong đó cho rằng Bắc Kinh đang theo đuổi một chiến lược bí mật kéo dài cả thế kỷ nhằm đánh bật Mỹ khỏi vị thế siêu cường hàng đầu thế giới, hoạt động với tư cách cố vấn bên ngoài của Tổng thống Trump, người gọi ông là "nhân vật hàng đầu về Trung Quốc".

Trong một cuộc phỏng vấn với Bưu điện Hoa nam Buổi sáng, ông Pillsbury cho biết ông nhận thức từ chính quyền Trump rằng các quan chức lo ngại về "sự thiếu hiểu biết đối với Trung Quốc" trong ủy ban, dẫn đến việc ông được bổ nhiệm.

"Để đối phó với một quốc gia khác, bạn phải biết họ nghĩ gì, đề phòng có các hiểu nhầm và ngộ nhận", ông Pillsbury nói, viện dẫn các nỗ lực của Mỹ nhằm đối phó với sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.

Trong số một loạt các dự án nghiên cứu mà ủy ban có thể thực hiện, ông Pillsbury dự đoán rằng một trọng tâm sẽ là làm thế nào để tránh một cuộc xung đột bất ngờ với Trung Quốc.

Dù chính quyền Trump đang thực hiện một nỗ lực nhằm thúc đẩy một chiến lược cứng rắn đối với Trung Quốc trên nhiều "mặt trận", ông Pillsbury nói: "Tôi nghĩ chúng ta mới đang ở giai đoạn đầu tìm hiểu".

Không rõ ông Pillsbury sẽ tại nhiệm trong bao lâu, do ông Trump dự kiến kết thúc nhiệm kỳ sau 6 tuần nữa. Nhưng những người được bổ nhiệm trong ủy ban thường phục vụ nhiều năm.

Ủy ban chính sách quốc phòng là một nhóm cố vấn bên ngoài chuyên đưa ra những lời khuyên độc lập, am hiểu liên quan tới các vấn đề chính sách quốc phòng và tập trung vào vấn đề trọng tâm trong việc hoạch định chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng như chính sách liên quan tới hiện đại hóa lực lượng.

Cùng được bổ nhiệm trong ủy ban cùng với ông Pillsbury còn có bà Lisa Gordon-Hagerty, một cựu quan chức tại Cơ quan an ninh hạt nhân quốc gia Mỹ (NNSA).

"Chúng tôi rất tin tưởng rằng ủy ban chính sách quốc phòng và Bộ Quốc phòng sẽ được hưởng lợi từ các kinh nghiệm an ninh quốc gia tích lũy trong nhiều thập niên mà các cá nhân mang tới", một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết.

Sau khi đảm nhiệm nhiều vị trí chính phủ và học thuật, trong đó có vai trò trợ lý thứ trưởng ngoại giao về chính sách trong chính quyền tổng thống Ronald Reagan, ông Pillsbury hiện là người đứng đầu chương trình chiến lược về Trung Quốc tại Viện Hudson, một tổ chức nghiên cứu bảo thủ ở thủ đô Washington.

Trong một lần xuất hiện trên đài Fox News hồi năm ngoái, ông Pillsbury đã gây xôn xao khi nói rằng ông đã tiếp cận các quan chức Trung Quốc về Hunter Biden, con trai của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden.

Tiết lộ trên được đưa ra vào thời điểm Tổng thống Trump kêu gọi công chúng điều tra các thỏa thuận làm ăn của Hunter về các cáo buộc chưa có bằng chứng rằng Bắc Kinh chi tiền cho Hunter để "lấy lòng" ông Biden.

Việc bổ nhiệm ông Pillsbury diễn ra sau hàng loạt các động thái của chính quyền Trump nhằm vào Bắc Kinh, trong đó có các lệnh trừng phạt chống lại các quan chức cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc về vấn đề Hong Kong, các biện pháp nhập khẩu nghiêm ngặt liên quan tới các lo ngại lao động cưỡng bức ở tây bắc Trung Quốc và các giới hạn về thị thực đối với các quan chức đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong một bài phát biểu ngày 9/12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cảnh báo về sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc đối với các trường đại học Mỹ, cáo buộc rằng Bắc Kinh gửi hàng trăm nghìn các sinh viên tới Mỹ học tập để bắt kịp các sáng tạo công nghệ của Mỹ.