Sự vắng mặt của ông Trump tại châu Á có thể “nhường sân” cho Trung Quốc
(Dân trí) - Việc Tổng thống Donald Trump không tham gia hai hội nghị thượng đỉnh quan trọng tại châu Á vào tháng 11 tới làm dấy lên lo ngại về mức độ tin cậy của Mỹ với vai trò như một đối trọng của Trung Quốc trong khu vực.
Nhà Trắng tuần trước thông báo Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ tới Singapore để tham dự hội nghị thượng đỉnh của 18 quốc gia do ASEAN tổ chức trước khi tới Papua New Guinea dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). APEC là sự kiện lớn, thường có sự tham gia của lãnh đạo 21 nền kinh tế như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Việc Tổng thống Trump không tham dự 2 hội nghị thượng đỉnh quan trọng vào tháng 11 tới đã khép lại viễn cảnh diễn ra cuộc gặp song phương giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Chủ tịch Tập Cận Bình tại châu Á trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngoài ra, sự vắng mặt của Tổng thống Trump cũng khiến nhiều lãnh đạo châu Á lo lắng khi họ đang kỳ vọng vào vai trò của Mỹ như một đối trọng với sức mạnh quân sự và kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Các quan chức trong chính quyền Trump đang thúc đẩy chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương” mới nhằm tăng cường cam kết của Washington đối với một khu vực được xem là có tốc độ phát triển nhanh. Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hoài nghi về chi phí duy trì liên minh an ninh với Nhật Bản và Hàn Quốc.
“Sự vắng mặt của ông Trump chắc chắn sẽ càng tạo thêm ấn tượng sâu sắc rằng Mỹ về cơ bản đã từ bỏ sự hiện diện truyền thống của nước này tại châu Á - Thái Bình Dương, chứ chưa nói đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương vừa mới được định hình”, Oh Ei Sun, cố vấn cấp cao về các vấn đề quốc tế tại Viện Chiến lược và Lãnh đạo châu Á ở Kuala Lumpur, Malaysia, nhận định.
Theo Conor Cronin, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Washington, việc Tổng thống Trump vắng mặt tại hai hội nghị thượng đỉnh quan trọng không phải là “động thái tích cực” trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực chứng minh cho khu vực thấy “chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương có tầm quan trọng như thế nào”. Trong khi đó, Walter Lohman, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á tại Quỹ Di sản, nhận định đây là quyết định “sai lầm” của Tổng thống Trump.
Cơ hội cho Trung Quốc
Nếu Tổng thống Trump vắng mặt, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có thêm nhiều không gian hơn trong việc kêu gọi sự ủng hộ dành cho các dự án phát triển và thương mại của Trung Quốc, chẳng hạn Sáng kiến Vành đai và Con đường. Chủ tịch Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo đầu tiên xác nhận sẽ tham dự diễn đàn APEC tại Port Moresby, Papua New Guinea. Tại đây ông Tập cũng có kế hoạch tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo thuộc khu vực Thái Bình Dương.
Ông Trump không phải tổng thống Mỹ đầu tiên vắng mặt tại các hội nghị thượng đỉnh ở châu Á. Năm 2007, cựu Tổng thống George W. Bush từng bị chỉ trích vì thay đổi kế hoạch tham dự một hội nghị đã được lên kế hoạch lên kế hoạch từ trước với các nhà lãnh đạo ASEAN ở Singapore. Cựu Tổng thống Barack Obama cũng từng vắng mặt tại hội nghị APEC năm 2013 ở Indonesia khi chính quyền liên bang đối mặt với cuộc khủng hoảng đóng cửa mặc dù chính quyền Obama đã đề xuất chính sách “xoay trục” sang châu Á.
“Hình ảnh tượng trưng (của lãnh đạo) rất quan trọng. Trung Quốc từng giành được lợi thế khi những người tiền nhiệm (của Tổng thống Trump) không tham dự các hội nghị”, nhà bình luận Gordon Chang nhận định.
Sự vắng mặt của ông Obama hồi năm 2013 được xem là “món quà” với Trung Quốc trong bối cảnh các quan chức Trung Quốc khẳng định sự quan tâm của họ tới các nước trong khu vực. Vào tháng 11 tới, một nhóm quan chức Trung Quốc dự kiến sẽ có mặt tại Port Moresby để thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Cam kết khó thay đổi của Mỹ
Các đồng minh cũng tìm cách bảo vệ Tổng thống Trump. Tân Thủ tướng Australia Scott Morrison nói với các phóng viên trong chuyến đi tới Jakarta hôm 1/8 rằng quyết định của ông Trump trong việc ưu tiên giải quyết các công việc ở nhà, thay vì công du ra nước ngoài để dự hội nghị, là điều dễ hiểu. Ông Morrison cho biết Phó Tổng thống Pence có thể phát biểu với sự ủy quyền của tổng thống.
Các hội nghị thượng đỉnh ở châu Á diễn ra chỉ vài ngày sau cuộc bầu cử giữa kỳ của Quốc hội Mỹ. Mặc dù các lãnh đạo phe Dân chủ phần lớn tránh đề cập tới việc luận tội Tổng thống Trump, song sự thất bại của phe Cộng hòa trong việc giữ đa số ghế ở Hạ viện hoặc Thượng viện sau cuộc bầu cử có thể làm gia tăng nguy cơ luận tội đối với tổng thống.
Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng những nỗ lực gần đây của các quan chức Mỹ trong khu vực sẽ giúp bù đắp sự vắng mặt của Tổng thống Trump. Tại một hội nghị của ASEAN hồi đầu tháng 8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công bố khoản tiền trị giá 300 triệu USD để đảm bảo an ninh cho Đông Nam Á.
“Mỹ dự kiến vẫn duy trì cam kết và gắn bó với khu vực, đồng thời các nước trong khu vực vẫn nỗ lực để duy trì sự hiện diện của Mỹ khi Trung Quốc đang phủ bóng ở sân sau”, chuyên gia Koh nhận định.
Mặc dù Tổng thống Trump vắng mặt, song Bộ Ngoại giao Singapore vẫn hoan nghênh chuyến thăm của Phó Tổng thống Mike Pence tới Singapore để dự hội nghị. Thông báo của Singapore nhấn mạnh đây là chuyến đi đầu tiên của ông Pence tới quốc đảo Đông Nam Á kể từ khi nhậm chức phó tổng thống Mỹ.
Thành Đạt
Theo Bloomberg