1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Sự trở lại của Ngoại trưởng Vương Nghị và tín hiệu cho quan hệ Trung - Mỹ

Minh Phương

(Dân trí) - Việc Trung Quốc tái bổ nhiệm ông Vương Nghị làm ngoại trưởng đồng nghĩa với Mỹ sẽ làm việc với một gương mặt quen thuộc trong nỗ lực ổn định quan hệ với đối thủ chiến lược.

Sự trở lại của Ngoại trưởng Vương Nghị và tín hiệu cho quan hệ Trung - Mỹ - 1

Ông Vương Nghị được tái bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Trung Quốc và tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Quốc hội Trung Quốc ngày 25/7 đã bỏ phiếu miễn nhiệm chức ngoại trưởng của ông Tần Cương, và bổ nhiệm lại ông Vương Nghị vào vị trí mà ông từng đảm nhiệm trong gần một thập niên qua.

Ông Vương Nghị được đánh giá là người thông minh, sắc bén. Ông được coi là nhân tố cố định trong quan hệ Trung - Mỹ nhiều năm qua.

Tại một cuộc họp báo ngày 25/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nhấn mạnh bổ nhiệm ngoại trưởng là công việc của Trung Quốc và cho biết thêm Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nhiều lần gặp gỡ ông Vương Nghị.

Theo một số chuyên gia phân tích của Mỹ, sự trở lại của ông Vương Nghị sẽ giúp Bộ Ngoại giao Trung Quốc khôi phục hoạt động bình thường sau nhiều tuần vắng bóng của ông Tần Cương.

Tuy nhiên, Reuters dẫn nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng, sự trở lại này khó có thể thay đổi quỹ đạo của mối quan hệ vốn đã nhiều mâu thuẫn và xuống thấp nhất nhiều thập niên giữa Trung Quốc và Mỹ.

"Không gì thay đổi được những vấn đề mang tính cấu trúc gây căng thẳng cho quan hệ song phương", Joseph Torigian, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Mỹ ở Washington nhận định.

Mặt khác, các nhà phân tích cho rằng, việc tái bổ nhiệm ông Vương Nghị có thể cho thấy Bắc Kinh muốn ổn định quan hệ với Washington trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề một số hội nghị thượng đỉnh. Các hội nghị thượng đỉnh này có thể kể đến như G20 ở Ấn Độ vào tháng 9 hay APEC ở California vào tháng 11.

"Với hàng loạt hội nghị quốc tế lớn đang đến gần, ông Tập có thể muốn bổ nhiệm một người đã có quan hệ với nhiều đối tác nước ngoài. Ở giai đoạn này, Trung Quốc muốn sự ổn định và dễ đoán", Rorry Daniels, giám đốc điều hành Viện Chính sách xã hội châu Á, bình luận.

Mối quan hệ Mỹ - Trung vốn căng thẳng do một loạt vấn đề như Đài Loan hay việc Washington kiểm soát xuất khẩu một số mặt hàng đối với Bắc Kinh.

Trước những thách thức này, vai trò của ông Vương Nghị trong đảng Cộng sản Trung Quốc có thể hữu ích với Mỹ. Trong hệ thống của Trung Quốc, nhà ngoại giao cấp cao nhất không phải ngoại trưởng mà là Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, chức vụ mà ông Vương Nghị tiếp tục đảm nhiệm sau khi được tái bổ nhiệm làm ngoại trưởng.

Theo ông Jude Blanchette, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington, điều này giúp Mỹ giảm bớt một cấp làm việc.

Hơn nữa, với tư cách thành viên Bộ Chính trị, ông Vương Nghị được cho là có nhiều ảnh hưởng hơn đối với giới lãnh đạo Trung Quốc hơn so với người tiền nhiệm Tần Cương.

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm