1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Sự thật về vụ ám sát Bush cha năm 1993

Ngày 26/6/1993, 23 tên lửa hành trình Tomahawk đã được phóng vào sở chỉ huy của Cơ quan tình báo Iraq tại trung tâm Baghdad. Vụ tấn công là phản ứng của Mỹ trước việc tình báo Iraq đã tổ chức mưu sát cựu Tổng thống Bush trong chuyến công du Kuwait từ 14 đến 18/4/1993. Tuy nhiên, thực chất của vụ việc này chưa hẳn như vậy.

Chứng cứ chủ yếu là tài liệu điều tra của Cục Điều tra liên bang (FBI) đệ trình Nhà Trắng ngày 24/6/1993. Hai nhân vật chính trong việc kêu gọi Tổng thống Bill Clinton tấn công Iraq là Samuel Berger (Trợ lý Tổng thống về an ninh quốc gia, sau đó trở thành Cố vấn An ninh quốc gia) và Martin Indyk (Giám đốc Phòng Cận đông và Nam Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia).

 

Vụ việc bắt đầu từ hạ tuần tháng 4/1993, khi Kuwait tuyên bố bắt được 16 người Iraq và Kuwait can tội “gây mất ổn định” và 1 nghi can người Iraq trong số đó khai rằng là người được tình báo Iraq phái sang Kuwait để ám sát cựu Tổng thống Bush. Vũ khí là một quả bom cực mạnh gần 90kg có thể giết chết nhiều người trong bán kính hơn 300m, giấu trong chiếc xe gần biên giới Iraq - Kuwait. Thoạt đầu Mỹ và các quốc gia phương Tây khác đều không phản ứng tích cực trước thông tin này vì Kuwait nổi tiếng tung tin thất thiệt. Chẳng hạn vào tháng 8/1991, Kuwait làm lớn chuyện với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về việc 12 tàu chiến Iraq chuẩn bị tấn công đảo Bubiyan của Kuwait nhưng thật ra đó chỉ là trận hỗn chiến giữa hai nhóm buôn lậu trong khu vực gần vùng phi quân sự.

 

Để lôi kéo sự chú ý của chính giới Mỹ, Đại sứ Kuwait tại Mỹ Mohammed Sabah al-Sabah đã tung ra vài chi tiết giật gân rằng nghi can người Iraq bị bắt giữ  là một đại tá tình báo. Lập tức vài nhân vật diều hâu trong Chính phủ Clinton, trong đó có Giám đốc CIA James Woolsey, thúc Nhà Trắng phải hành động ngay. Cùng lúc Martin Indyk cũng thông báo rằng một số quốc gia vùng Vịnh thân Mỹ cũng gây sức ép buộc Nhà Trắng phải trả đũa. 

 

Phần mình, Tổng thống Clinton vẫn tỏ ra hoài nghi về độ trung thực của Kuwait nên phái một toán điều tra của FBI sang Kuwait để thẩm cung 16 nghi can người Iraq và Kuwait nhưng không thu thập bất cứ thông tin gì quan trọng và không nghi can nào thú nhận mình làm việc cho tình báo Iraq được giao nhiệm vụ ám sát cựu Tổng thống Bush. Cần nhắc lại, Tổng thống Clinton từng nhấn mạnh rằng mình không như người tiền nhiệm George H. Bush, sẽ không áp dụng chính sách thù địch với Saddam Hussein. Chủ trương mới của Clinton đã khiến cho Kuwait lo ngại rằng Mỹ có thể  bỏ rơi họ để quay sang Baghdad. Và đó là lý do tại sao Kuwait phải dàn dựng kịch bản tình báo Iraq tổ chức ám sát cựu Tổng thống Bush.

 

Thực ra, nhóm nghi can người Iraq và Kuwait bị bắt trên sa mạc vào chiều tối ngày 15/4/1993, một ngày sau khi cựu Tổng thống Bush đến Kuwait, là những kẻ buôn lậu rượu từ thành phố Basra ở miền Nam Iraq sang thủ đô Kuwait City. Ba ngày sau khi bị bắt - theo Chính phủ Kuwait, thì một người trong bọn tên Wali al-Ghazali tiết lộ rằng mình làm việc cho tình báo Iraq, được giao nhiệm vụ giết hại cựu Tổng thống Bush.

 

Vậy thì toàn bộ kịch bản vụ ám sát cựu Tổng thống Bush đã được phía Kuwait dàn dựng như thế nào?

 

Nghi can Wali al-Ghazali, người bị buộc tội là nhân viên tình báo Iraq, khai rằng mình được đưa sang Kuwait một tuần trước chuyến công du của cựu Tổng thống Bush. Al-Ghazali sẽ có mặt trong đám đông và kích bom nổ từ nút bấm cài ở thắt lưng. Tòng phạm  với Al-Ghazali là Al-Assidi lại khai rằng mình được tình báo Iraq trả trước 420 USD, 5 thùng rượu whisky và 6 kg ma túy để đưa 10 thanh thuốc nổ, vũ khí và chất nổ mang vào Kuwait. Tuy nhiên, do bị ép cung nên trước tòa những lời khai của Al-Ghazali và Al-Assidi lại mâu thuẫn với nhau. Trong khi Al-Ghazali khai rằng Al-Assidi biết tường tận kế hoạch ám sát thì Al-Assidi lại nói rằng mình không biết gì về vụ ám sát và thú thực chỉ là kẻ buôn lậu rượu.

 

Như phần đầu, phần cuối kịch bản cũng lộ nhiều điểm sơ hở ấu trĩ như làm thế nào mà 2 điệp viên Iraq có thể rời đi khi nông trại của Bader al-Shimmanri bị vây tứ phía và cũng không ai đuổi theo, dù họ là nghi can. Ngoài ra, phải mất nhiều cuộc gọi của dân Kuwait cảnh sát mới động thủ trong khi lực lượng an ninh Iraq đã được báo động  về âm mưu ám sát cựu Tổng thống Bush.

 

Vụ Kuwait quy kết tình báo Iraq lập kế hoạch ám sát cựu Tổng thống Bush có quá nhiều chi tiết khó tin và còn nhiều tình tiết hậu trường chưa được phanh phui. Chẳng hạn như chiếc thắt lưng kích bom nổ mà Al-Ghazali khai rằng mình quẳng vào sa mạc đã không bao giờ được tìm thấy, cũng như các thiết bị, vũ khí, chất nổ khác (trừ khối chất nổ trong chiếc Toyota). Cùng sự rối rắm của những lời khai không ăn khớp còn là thái độ đáng ngờ của Chính phủ Kuwait, khi nói rằng họ đã biết trước âm mưu ám sát cựu Tổng thống Bush nhưng lại không hề thông báo nguồn tin cực kỳ quan trọng này cho chính ông Bush lẫn Chính phủ Mỹ.

 

Nhiều người cho rằng cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk vào Baghdad sáng ngày 26/6/1993 là cách khẳng định với thế giới những gì Mỹ cùng Kuwait quy kết cho Iraq là đúng, cho dù Chính phủ Mỹ biết chắc rằng những chứng cứ có trong tay là rất mâu thuẫn đến mức không thể rút ra được kết luận gì

 

Theo Văn Hoà

An ninh thế giới/Historia

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm