1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Sự ra đời của IS - “sai lầm chiến lược” của Mỹ

Bất chấp các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu, tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn tiếp tục “vươn vòi bạch tuộc” đến nhiều nước. Ít ai biết rằng, sự ra đời của tổ chức này lại bắt nguồn từ “sai lầm chiến lược” của Mỹ.

IS tiếp tục tăng cường ảnh hưởng bất chấp các cuộc không kích của liên quân
IS tiếp tục tăng cường ảnh hưởng bất chấp các cuộc không kích của liên quân
 
Lợi dụng cơn giận dữ, oán hận

Báo “Tấm gương” của Đức dẫn các tài liệu mật thu được tại Syria cho biết, IS không đơn thuần là một lực lượng cuồng tín, tàn bạo mà thực chất hoạt động rất bài bản về quân sự và tình báo. Tổ chức này được cho là ra đời từ một nhóm tướng lĩnh cấp cao từng phục vụ dưới thời Tổng thống Iraq Saddam Hussein.

Khi quân đội của chính quyền Saddam Hussein tan rã sau cuộc xâm lược của Mỹ hồi năm 2003, hơn 40.000 cựu quân nhân đã bị cấm không được làm việc cho chính quyền và bị từ chối trả lương hưu. Không chỉ vậy, các cựu lãnh đạo dưới thời Saddam Hussein cũng bị Thủ tướng Nouri Al-Maliki phân biệt đối xử với mục đích thanh lọc các cựu quan chức đảng Baath khỏi quân đội, chính quyền và giảm bớt vai trò của người Hồi giáo Sunni. Đây được cho là nguyên nhân đã đẩy họ tới chỗ đóng vai trò lớn trong IS và IS đã lợi dụng cơn giận dữ, oán hận của người Sunni ở miền Bắc Iraq để trỗi dậy.

Trong khi đó, báo “Bưu điện Washington” của Mỹ dẫn lời những người từng có quan hệ với IS nói rằng, phần lớn thủ lĩnh của lực lượng này là cựu quan chức Iraq. Một cựu phiến quân IS tên là Abu Hamza, vốn rời IS và trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ vào năm ngoái, nói với tờ báo này rằng anh ta nhận lệnh từ các cựu quân nhân dưới thời Saddam Hussein. Thậm chí, ngay cả các chỉ huy của IS ở Syria cũng có các viên phó là người Iraq và họ mới thực sự là người ra lệnh.

Theo Abu, các cựu nhân viên tình báo Iraq đã mang kỹ năng của họ sử dụng trong lực lượng tình báo của IS. “Các sĩ quan Iraq nắm quyền chỉ huy và họ lên kế hoạch chiến thuật, chiến đấu. Những người Iraq không trực tiếp tham chiến. Thay vào đó, họ đưa các phiến quân nước ngoài ra tiền tuyến”, Abu cho biết thêm.

Ngoài ra, theo tờ Daily Telegraph, các hành động của Saddam cuối thời kỳ cầm quyền đã tạo tiền đề cho IS sau này. Chính vì thế, nhiều người ủng hộ  Saddam cũng dễ dàng đến với tư tưởng cực đoan.

Gia tăng ảnh hưởng   

3 năm sau khi Mỹ lật đổ chính quyền Saddam Hussein, năm 2006, một nhóm chiến binh Hồi giáo Sunni thành lập cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo Iraq”. Theo ông Cole Bunzel, chuyên gia về IS ở Đại học Princeton của Mỹ, sau khi thủ lĩnh của tổ chức này là Abu Umar Al-Baghdadi bị tiêu diệt vào năm 2010, một nhân vật khác tên là Ibrahim Awad Ibrahim Al-Badri Badri lập tức trở thành tân lãnh đạo của “Nhà nước Hồi giáo Iraq”. Bardi sau đó đổi tên thành Abu Bakr Al-Baghdadi.

Ông Bunzel cho rằng, cái chết của trùm khủng bố Osama Bin Laden (bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt hồi năm 2011) đã tạo ra một khoảng trống quyền lực trong thế giới Hồi giáo cực đoan. Lợi dụng cơ hội này, Abu Bakr   Al-Baghdadi đẩy mạnh hoạt động của nhóm và không tuân theo lệnh của chỉ huy mạng lưới khủng bố Al-Qaeda.

Đến tháng 4-2013, Al-Baghdadi tuyên bố mở rộng Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) thay vì chỉ trong Syria và các khu vực lân cận. Hắn thậm chí còn tuyên bố Jabhat Al-Nusra, một nhánh của Al-Qaeda đang tham gia cuộc nội chiến ở Syria, là một phần của ISIS. Chính điều này đã khiến Al-Qaeda và ISIS trở nên đối đầu.

Không chỉ dừng lại ở việc chiếm đóng một vùng rộng lớn của Iraq và Syria, IS đang tiếp tục lôi kéo và dụ dỗ những người cực đoan trẻ tuổi gia nhập hàng ngũ của chúng, đồng thời gia tăng ảnh hưởng tại một số nơi khác. Như vậy, có thể thấy sự can thiệp quân sự của Mỹ vô hình trung tạo ra IS, và đây được cho là một “sai lầm chiến lược” của nước này.
 
Theo Hoàng Cường (tổng hợp)
An ninh Thủ đô