1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Sự khác biệt giữa những chiếc chuyên cơ của một số nguyên thủ quốc gia

Dư luận quốc tế khá quan tâm tới chuyến công du tới Mỹ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc (từ 22 đến 28/9), mọi người đều muốn biết ông Tập Cận Bình cùng phu nhân đã sử dụng loại chuyên cơ nào.

Và nhiều người thắc mắc, tại sao quốc gia đông dân nhất thế giới, sở hữu nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu lại không sắm chuyên cơ cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Câu chuyện cách đây 14 năm có thể là lời đáp cho thắc mắc này.

Chuyên cơ của Trung Quốc

Theo tờ Trung Quốc nhật báo, Hãng hàng không Air China là nhà cung cấp dịch vụ bay duy nhất cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, và chiếc Boeing 747-400 của Air China đã đưa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tới Mỹ không thể so sánh với chuyên cơ Air Force One của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Báo chí Trung Quốc cho biết, không có chuyên cơ dành riêng cho nguyên thủ quốc gia và tất cả máy bay chuyên chở các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong những chuyến công du nước ngoài đều là của Air China. Giới chuyên môn cho biết, để chuyển máy bay thương mại thành chuyên cơ ở Trung Quốc khá đơn giản - chỉ lắp một số thiết bị chuyên dụng là xong.

Trước bất kỳ chuyến công du nào của ông Tập Cận Bình, chiếc máy bay được chọn đều được lắp giường ngủ, ghế salon và một số vật dụng cùng những thiết bị khác. Theo giới truyền thông, mặc dù không có chuyên cơ, nhưng 2 chiếc Boeing mang số hiệu B-2447 và B-2472 luôn được sử dụng cho những chuyến công tác của ông Tập Cận Bình.

Sự khác biệt giữa những chiếc chuyên cơ của một số nguyên thủ quốc gia - 1

Dưới thời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Giang Trạch Dân, Trung Quốc từng đặt một chiếc Boeing tại Mỹ để làm chuyên cơ và giới chuyên môn đã phát hiện 27 thiết bị nghe trộm, 22 quan chức Trung Quốc phụ trách công tác giám sát và tu sửa chuyên cơ này đã bị bắt giam. Có lẽ sau sự cố kể trên, Trung Quốc không sử dụng chuyên cơ để tránh rắc rối. Theo giới truyền thông, tuy phát hiện ra 27 thiết bị nghe trộm hiện đại trên chiếc Boeing 767-300ER, nhưng Bắc Kinh thông báo việc này khi Tổng thống Mỹ Bush thăm Trung Quốc (từ 21 đến 22/2’2002).

Và hãng Boeing cùng 4 hãng tham gia trang trí nội thất cho chiếc Boeing 767-300ER đều tuyên bố "không biết ai đã làm việc này". Người có công phát hiện 27 thiết bị nghe trộm là "Tổng tham tam bộ" - đơn vị kỹ thuật; đơn vị giám sát các hoạt động có liên quan tới ngoại giao, quân sự, quốc tế và đơn vị phụ trách tín hiệu, thông tin liên lạc (một bộ phận của tình báo quân đội). Người đứng đầu "Tổng tham tam bộ" là Thiếu tướng Thời Quyền.

Theo giới truyền thông, hãng China United Airlines và Công ty Xuất nhập khẩu hàng không Trung Quốc đã thông qua Hãng hàng không Delta của Mỹ để mua chiếc chuyên cơ này, chứ không mua trực tiếp từ hãng Boeing. Và chỉ có Delta mới biết chiếc Boeing 767-300ER được mua dùng vào việc gì - theo tuyên bố của McCelken, Phó giám đốc điều hành hãng Boeing.

Một trong những nguyên nhân khiến vụ mua và nâng cấp chiếc Boeing 767-300ER "vòng vo tam quốc" là bởi tham nhũng. Người ta đã khai tăng gấp 3 lần số tiền để nâng cấp chiếc Boeing 767-300ER (quyết toán là 30 triệu USD, trong khi giá chỉ có 10 triệu USD). Bản hợp đồng mua chiếc Boeing 767-300ER được Delta và 2 công ty kể trên ký tại thành phố Seattle, Mỹ với giá 120 triệu USD.

Chuyên cơ của Mỹ

Dư luận không xa lạ đối với chiếc chuyên cơ Air Force One mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đang sử dụng. Các đời Tổng thống Mỹ trước đó đều sử dụng chuyên cơ Air Force One để di chuyển cả trong và ngoài nước. Những trang thiết bị được lắp đặt trong chuyên cơ Air Force One vừa thể hiện uy quyền, vừa bày tỏ sự giàu sang của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Điểm đặc biệt nhất của mỗi chiếc Air Force One là trang thiết bị điện tử, thông tin liên lạc và hệ thống ECM để làm nhiễu radar. Air Force One có thể tiếp dầu trên không trong mọi trường hợp, có khả năng tác chiến với vai trò điều phối trên không trước các cuộc tấn công trực tiếp bằng máy bay hay tên lửa của đối phương. Phi công cho Tổng thống Mỹ chỉ có nhiệm vụ duy nhất là học cách sử dụng thành thạo mọi thiết bị trên máy bay.

Sự khác biệt giữa những chiếc chuyên cơ của một số nguyên thủ quốc gia - 2

Mỗi khi chuẩn bị cất cánh, một chiếc trực thăng Marine One sẽ chở Tổng thống từ Nhà Trắng tới căn cứ Andrews, nơi để 2 chiếc Air Force One và sử dụng chiếc nào chỉ được tuyên bố vào phút cuối. Cả 2 phi hành đoàn đều phải trong trạng thái sẵn sàng chuẩn bị. Và khi Air Force One hạ cánh, sẽ có một máy bay vận tải C141 chở xe con, xe tải và các thiết bị an ninh khác để phục vụ cho hoạt động tại nơi đến của Tổng thống.

Và mọi người nghe nói nhiều tới chuyên cơ của Tổng thống Mỹ, ít biết về chuyên cơ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cho dù Boeing cải tiến và hoàn thiện chiếc Boeing 747-200 thành chuyên cơ E-4 từ tháng 12/1974. Sau đó, Boeing tiếp tục nâng cấp và cho ra lò 3 chiếc E-4 và gọi là E-4B, có thể chứa tới 150.395 lít xăng. Những trang thiết bị lắp đặt trên E-4B có thể liên lạc với bất cứ nơi nào trên thế giới, kể cả tàu ngầm đang hoạt động dưới đáy biển. Được biết, Tổng thống Bill Clinton từng nhiều lần công du nước ngoài bằng chuyên cơ E-4B, không dùng Air Force One.

Chuyên cơ của Nga

Mặc dù hãng vận tải quốc gia Nga là đơn vị phụ trách việc đi lại bằng chuyên cơ Ilyushin Il-96-300 và Ilyushin Il-96-30 của Tổng thống, song trong danh sách điều tra của cơ quan an ninh và cảnh sát Nga người ta không thấy xuất hiện tên của họ trong việc để lộ nội thất chuyên cơ của ông Putin (năm 2006). Theo giới truyền thông, ngay sau khi những bức ảnh cùng thông tin về nội thất của chiếc chuyên cơ Ilyushin Il-96-300 bị tung lên mạng, đã có rất nhiều người truy cập - vì tò mò, vì hiếu kỳ bởi sự sang trọng, bề thế như một biệt thự, và nó xứng với biệt danh "Điện Kremli bay".

Sự khác biệt giữa những chiếc chuyên cơ của một số nguyên thủ quốc gia - 3

Năm 2001, Tổng thống Putin đặt làm một chuyên cơ với trang thiết bị hiện đại nhất, trong đó đặc biệt chú trọng tới khâu thông tin liên lạc. Nghe nói chi phí cho hệ thống liên lạc cùng các dịch vụ bảo dưỡng của chuyên cơ Ilyushin Il-96-30 lên đến 12 triệu USD/năm. Được biết, hãng Diamonite Aircraft Furnishings của Anh là đơn vị đã trang trí chuyên cơ Ilyushin Il-96-30 của Tổng thống Putin. Và chuyên cơ Ilyushin Il-96-30 cơ bản giống chuyên cơ Ilyushin Il-96-300, có thể bay thẳng 14.000km với phi hành đoàn gồm 13 người.

Chuyên cơ của Nhật Bản

Trung tuần tháng 4/2006, giới truyền thông Nhật Bản cho biết, Tokyo đã quyết định chi 6,3 tỷ yen (khoảng 54,7 triệu USD) để nâng cấp và đại tu 2 chiếc Boeing 747-400 mua từ Mỹ để làm chuyên cơ, có thể bay thẳng một chặng đường dài 12.000km. Chuyên cơ của Mỹ có biệt danh "Nhà Trắng trên không", và chuyên cơ của Nhật Bản được gọi là "Phủ Thủ tướng biết bay". Trước đây chuyên cơ chỉ có một đường điện thoại chống nghe trộm với Bộ Ngoại giao, còn Văn phòng Thủ tướng, Bộ Quốc phòng và những cơ quan khác đều không có.

Nhưng sau khi được nâng cấp, mọi tin tức gửi tới chuyên cơ và ngược lại đều được bảo mật. Trong chuyên cơ có phòng khách, phòng thư ký, phòng họp, phòng làm việc, phòng của nhân viên tuỳ tùng, nơi nghỉ ngơi cho phóng viên, sau đó tới bộ phận phục vụ, và tại đây người ta đặt một buồng cấp cứu. Khi Thủ tướng vi hành, những quan chức trong nội các tháp tùng đều có phòng riêng trên chuyên cơ. Và khi chuyên cơ chính cất cánh thì chiếc kia cũng phải bay theo (sau khoảng 30 phút) để đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra.

Năm 1987, Thủ tướng Nakasone quyết định chi 36 tỷ yen để mua 2 chiếc Boeing 747-400 làm chuyên cơ. Đến tháng 6/1993, Bộ Quốc phòng thành lập Đội đặc nhiệm trên không, chuyên phục vụ trên chuyên cơ. Điều đặc biệt trên chuyên cơ là nhân viên phục vụ toàn là nữ và họ đều là người của Bộ Quốc phòng. Sau khi được tuyển chọn kỹ lưỡng, họ phải trải qua một lớp huấn luyện đặc biệt 3 tháng về nghiệp vụ hàng không.

Theo quy định của Nhật Bản, chỉ có 4 loại người được phép sử dụng chuyên cơ, đó là Nhật hoàng và Hoàng tộc, Thủ tướng và khách quốc tế, Chủ tịch lưỡng viện và Chánh án Toà án tối cao. Đến tháng 7-2005, Chính phủ Nhật Bản thông qua quyết định, theo đó Bộ trưởng cũng có quyền sử dụng chuyên cơ trong tình hình cấp thiết. Điểm khác biệt lớn nhất giữa chuyên cơ của Tổng thống Mỹ với Thủ tướng Nhật Bản là có thể sử dụng vào việc tư khi Tổng thống có nhu cầu, còn Thủ tướng thì không được phép tuỳ tiện sử dụng bởi đó là chuyên cơ của chính phủ.

Cùng là chuyên cơ, nhưng chuyên cơ của Thủ tướng Nhật Bản không có khả năng tiếp nhiên liệu trên không, không có máy bay chiến đấu tháp tùng và không có khả năng tránh tên lửa giống như chuyên cơ của Tổng thống Mỹ. Theo thống kê, có tới 6 đời Thủ tướng Nhật Bản từng bị nghe trộm. Đó là Thủ tướng Nakasone, Hoshokawa, Miyazawa, Haneda, Hashimoto, Murayama. Năm 1987 đặt mua, nhưng phải tới tháng 9/1991 Nhật Bản mới nhận được chiếc Boeing đầu tiên và tháng 11-1991 nhận chiếc còn lại. Sau đó (tháng 4/1992), 2 chuyên cơ được chuyển tới căn cứ không quân tại huyện Chitose để "nâng cấp".

Chuyên cơ của Pháp

Để thể hiện tình yêu với vợ, Tổng thống Pháp trước đây là ông Nicolas Sarkozy đã đặt cho chiếc chuyên cơ là Air Carla One. Trên chiếc Air Carla One có bàn làm việc, phòng họp, phòng ngủ với chiếc giường đôi và phòng tắm, cùng hệ thống lọc không khí để ông Nicolas Sarkozy thoải mái hút xì gà. Trước khi chiếc chuyên cơ được đặt tên Air Carla One, nó được gọi là Air Sarko One, được nâng cấp từ chiếc Airbus A330-200 với giá 241 triệu USD.

Sự khác biệt giữa những chiếc chuyên cơ của một số nguyên thủ quốc gia - 4

Giới truyền thông đưa tin, ông Nicolas Sarkozy từng công khai bày tỏ sự ghen tị đối với chiếc Air Force One của Tổng thống Mỹ Barack Obama, khi nói về 2 chiếc Airbus A319 đang sử dụng vì quá nhỏ và thiếu những tiện nghi cần thiết dành cho nguyên thủ quốc gia, nên đã ra lệnh mua và nâng cấp chiếc Airbus A330-200 theo mô hình của chiếc Air Force One.

Theo Tuệ Sỹ - Trọng Hậu

Cảnh sát toàn cầu

Sự khác biệt giữa những chiếc chuyên cơ của một số nguyên thủ quốc gia - 5