Sri Lanka tính vay Trung Quốc 300 triệu USD để trả nợ
(Dân trí) - Sri Lanka đang cân nhắc vay Trung Quốc 300 triệu USD để thanh toán các khoản nợ nước ngoài trong năm nay.
AP dẫn lời một quan chức Bộ Tài chính Sri Lanka cho biết quốc gia này đang cân nhắc đề xuất vay Ngân hàng Trung Quốc 300 triệu USD khi chuẩn bị phải thanh toán các khoản nợ nước ngoài trong năm nay.
Theo người phát ngôn Bộ Tài chính Sri Lanka M.R. Hasan, chính phủ Sri Lanka đã thành lập một ủy ban gồm 3 thành viên để đàm phán khoản vay với Trung Quốc. Theo ông Hasan, khoản vay mới sẽ có kỳ hạn 3 năm.
Theo kế hoạch, Sri Lanka phải thanh toán 5,9 tỷ USD vay nước ngoài trong năm 2019, trong đó 40% số tiền này sẽ phải thanh toán trong 3 tháng đầu năm. Sri Lanka đã trả được 1 tỷ USD trong tuần này.
Một phần lớn trong nợ nước ngoài của Sri Lanka là nợ Trung Quốc. Bắc Kinh xem Sri Lanka là một thành viên trong Sáng kiến Vành đai và Con đường - một chương trình đầu tư nghìn tỷ USD nhằm phát triển các dự án cơ sở hạ tầng tại nhiều quốc gia.
Trung Quốc đã đầu tư mạnh tay vào hệ thống cơ sở hạ tầng của Sri Lanka, gồm cảng biển, sân bay và đường cao tốc.
Công ty CHEC Port City Colombo của Trung Quốc ngày 16/1 thông báo đã hoàn tất công đoạn cải tạo đất ven biển và sớm bước vào giai đoạn hai của dự án thành phố cảng Colombo tại thủ đô Colombo của Sri Lanka. Siêu dự án trị giá 1,4 tỷ USD được phát triển đồng thời bởi chính phủ Sri Lanka và công ty CHEC trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Theo Tân Hoa Xã, trong một buổi lễ được tổ chức tại thành phố cảng Colombo, các quan chức cho biết dự án đã đạt được cột mốc quan trọng khi hoàn thành công đoạn cải tạo đất và tàu cuối cùng trong số 4 tàu nạo vét được sử dụng để khai thác cát đã rời khỏi công trường. Tổng cộng 269 ha đất đã được bồi đắp.
"Thành phố cảng Colombo là một dự án quan trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường tại Sri Lanka, một trong những quốc gia then chốt dọc con đường tơ lụa trên biển", Đại sứ Trung Quốc Cheng Xueyuan phát biểu tại buổi lễ.
Nằm ở vị trí đắc địa với tầm quan trọng chiến lược, thành phố cảng Colombo là một trong số những dự án bị nghi ngờ rơi vào quỹ đạo kiểm soát của Trung Quốc. Một dự án lớn khác của Sri Lanka là cảng nước sâu Hambantota trị giá 1,4 tỷ USD cũng do Trung Quốc xây dựng.
Vào tháng 12/2017, Sri Lanka đã đồng ý cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong thời hạn 99 năm do nước này không thể thanh toán các khoản vay cho Bắc Kinh đúng kỳ hạn. Sân bay Hambantota gần cảng cũng do Trung Quốc tài trợ, song rốt cuộc trở thành dự án không hiệu quả khi đi vào hoạt động.
Trung Quốc gần đây nổi lên như một nhà viện trợ tài chính và hậu thuẫn chính trị then chốt của Sri Lanka, đánh bật Nhật Bản - nước từng là nhà viện trợ lớn nhất về cơ sở hạ tầng cho Sri Lanka. Các quan chức Bộ Tài chính Sri Lanka cho biết ngân hàng Trung Quốc đã đề xuất cho Sri Lanka vay 1 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối trong bối cảnh chính phủ Sri Lanka đang gặp khó khăn trong việc vay tiền từ nước ngoài do bị hạ mức đánh giá tín nhiệm.
Thành Đạt
Theo SCMP