Sri Lanka lên tiếng nghi vấn bẫy nợ khi cho Trung Quốc thuê cảng 99 năm
(Dân trí) - Tổng thống Sri Lanka Gotabayac ngày 9/10 phủ nhận cáo buộc cho rằng Trung Quốc muốn đẩy Sri Lanka vào bẫy nợ khi điều hành một cảng tại nước này.
“Nhiều phân tích địa chính trị cho rằng dự án này là “bẫy nợ” do Trung Quốc đặt ra để kiểm soát các vấn đề của Sri Lanka. Tôi muốn chứng minh rằng điều đó không đúng và dự án quy mô lớn này sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân”, Tổng thống Mahinda Rajapaksa nói với phái đoàn Trung Quốc sau cuộc gặp cấp cao giữa quan chức hai nước tại thủ đô Colombo hôm 9/10.
Trước đó, cựu Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã đồng ý cho Công ty cổ phần cảng Trung Quốc thuê cảng Hambantota ở phía nam trong thời hạn 99 năm để đổi lấy khoản tiền 1,1 tỷ USD. Ông Wickremesinghe cho biết khoản tiền này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng nợ nần cho Sri Lanka, sau khi nước này vay tiền của Trung Quốc để xây dựng cảng.
Cảng Hambantota chiến lược ở phía nam thủ đô Colombo là nơi phục vụ các tuyến vận tải chính giữa châu Âu và châu Á, đồng thời là một phần trong kế hoạch “chuỗi ngọc trai” của Bắc Kinh gồm một loạt cảng trải dài từ vùng biển của Trung Quốc tới vịnh Péch-xích.
Cảng Hambantota được xem là dự án điển hình trong các cuộc tranh cãi liên quan tới Sáng kiến Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc, trong đó nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị cáo buộc lôi kéo các nước nghèo vào bẫy nợ thông qua các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
Trung Quốc đã lên tiếng phủ nhận mọi lo ngại về yếu tố quân sự trong dự án đầu tư của nước này tại cảng Hambantota. Bắc Kinh khẳng định dự án mang lại lợi ích cho cả hai nước và sẽ hỗ trợ cho nền kinh tế Sri Lanka.
Sau cuộc gặp với phái đoàn Trung Quốc, Tổng thống Rajapaksa cho biết Trung Quốc và Sri Lanka đã lên kế hoạch tái khởi động các cuộc thảo luận về một thỏa thuận thương mại tự do. Trước đó, các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nước được tổ chức lần gần đây nhất vào năm 2017.
Quan chức hai nước cũng nhất trí làm sâu sắc thêm quan hệ song phương trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, du lịch, nguồn nước và chăm sóc y tế.